TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu gạo, cá tra ngày càng khó khăn

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Internet Minh Hiển

Các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng gạo, cá tra cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo, cá tra vào các thị trường lớn ngày càng khó khăn. Nguyên nhân do thị trường có nhiều biến động, xuất khẩu tiểu ngạch gần như không còn, nhà nhập khẩu luôn đòi hỏi chất lượng sản phẩm phải được nâng lên…

Thị trường biến động

3 thị trường lớn trong xuất khẩu gạo, cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, An Giang nói riêng là Mỹ, Liên minh Châu Âu (EU) và Trung Quốc từ đầu năm 2019 đến nay đều biến động. Cụ thể, đối với thị trường Trung Quốc, từ tháng 11- 2018 trở về trước, cá tra, gạo và rau, quả xuất khẩu nhiều vào  thị trường nước này chủ yếu bằng con đường tiểu ngạch, nên trong 2 năm 2017 và 2018, giá cá tra vào thị trường này luôn ở mức cao, kéo theo giá cá nguyên liệu tại ao nuôi của nông dân tăng lên đáng kể; có thời điểm các doanh nghiệp chế biến phải mua cá của nông dân để chế biến xuất khẩu với giá 35.000 - 36.000 đồng/kg, người nuôi cá tra có thời điểm lãi trên 10.000 đồng/kg.

Từ đầu năm 2019 đến nay, Chính phủ Trung Quốc siết chặt việc xuất hàng hóa bằng đường tiểu ngạch, từ đó lượng gạo, cá tra, rau, quả đã giảm đáng kể. Điển hình như đối với mặt hàng cá tra, tháng 3-2019, giá trị xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc - Hồng Kông chỉ đạt 39,47 triệu USD, giảm 12,9% so cùng kỳ năm trước. Tính chung 3 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu cá tra sang thị trường này đạt 99,3 triệu USD, giảm 1,8 % so cùng kỳ năm 2018. Với thị trường Mỹ, trong tháng 2 và tháng 3-2019, giá trị xuất khẩu giảm lần lượt 22,8% và 44,4% so cùng kỳ năm 2018. “Lần đầu tiên sau 3 năm, giá trị xuất khẩu mặt hàng cá tra vào thị trường Trung Quốc - Hồng Kông và Mỹ đều giảm so cùng kỳ. Đây là điều khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trăn trở, từ đó phải tính toán lại chiến lược cho sản phẩm để giữ vững kim ngạch trong năm 2019 và những năm sắp tới” - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới phân tích.

“Qua theo dõi tình hình xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp trong tỉnh nói riêng, Việt Nam nói chung, tôi cảm thấy rất lo lắng khi 3 tháng của năm 2019, sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 1,43 triệu tấn, kim ngạch chỉ đạt 593 triệu USD, giảm 3,5% về khối lượng và giảm hơn 20% về giá trị so cùng kỳ năm 2018. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2019 ở mức 404 USD/tấn, giảm 18% so cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu gạo gặp khó, kéo theo giá lúa đông xuân 2019 trên đồng luôn ở mức thấp, nông dân sản xuất vẫn có lời nhưng mức lời rất thấp so với những năm trước…” - ông Trần Văn Ơn (xã Long An, thị xã Tân Châu) phân tích.

Nâng cao chất lượng

Việc xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của ĐBSCL đang gặp khó, ngoài nguyên nhân do biến động thị trường, một nguyên nhân khác mang tính quyết định là chất lượng hàng hóa xuất khẩu. Hiện nay, tất cả các thị trường xuất khẩu 3 mặt hàng gạo, cá tra, rau, quả của tỉnh đều đòi hỏi sản phẩm xuất khẩu chất lượng phải được nâng lên. Ở sản phẩm cá tra file, nếu trước đây doanh nghiệp xuất khẩu thỏa thuận với các nhà nhập khẩu, bán cá với giá rẻ để nâng tỷ lệ mạ băng từ 20 - 30% thì nay tỷ lệ này đã không còn, bởi người tiêu dùng không chấp nhận khi rã đông, miếng cá có quá nhiều nước. Cùng với đó, các nước nhập khẩu đã dựng lên hàng rào kỹ thuật để kiểm soát nghiêm ngặt chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Cụ thể, ngoài kiểm soát kháng sinh, vi sinh, ký sinh trùng, các nước còn đưa ra các tiêu chuẩn nhập khẩu cho các thị trường khác nhau, từ đó doanh nghiệp có sản phẩm xuất khẩu vào thị trường nào phải đặc biệt chú ý đến tiêu chuẩn nhập khẩu sản phẩm của thị trường đó. “Cái khó trong xuất khẩu hiện nay là các nhà nhập khẩu luôn đòi hỏi chất lượng phải nâng lên nhưng việc đàm phán để nâng giá bán sản phẩm thì gặp rất nhiều khó khăn. Các nhà nhập khẩu với sản lượng lớn luôn muốn nhà cung cấp  sản phẩm phải có chất lượng và giá cả ổn định, chứ họ không muốn có sự thay đổi, chính điều này buộc các doanh nghiệp xuất khẩu phải tính đến chiến lược cho sản phẩm của mình” - ông Doãn Tới thông tin.

Ngoài sản phẩm cá tra, đối với mặt hàng gạo, các nước nhập khẩu cũng đang đòi hỏi chất lượng sản phẩm nâng lên. Cụ thể, nếu trước đây gạo vào các thị trường truyền thống, do chất lượng ở cấp thấp nên giá chỉ ở quanh mức 400 USD/tấn thì năm 2018 vừa qua, chất lượng hạt gạo được nâng lên, độ đồng đều cao, gạo ít bạc bụng, tỷ lệ hạt hư hao ít nên doanh nghiệp xuất được mức giá bình quân lên đến 504 USD/tấn. Xuất khẩu gạo, cá tra, rau quả từ đầu năm 2019 đến nay gặp khó khăn, điều này đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường. Đồng thời, nông dân trong tỉnh cũng cần nhận thức rằng, muốn sản phẩm xuất khẩu được tốt nông dân cần chú trọng về mặt chất lượng, tiếp tục hạ giá thành để nâng sức cạnh tranh của sản phẩm.

“Ngoài xuất khẩu gạo, cá tra gặp khó, quý I-2019, xuất khẩu rau, quả ra thị trường thế giới cũng gặp khó khăn so cùng kỳ năm 2018, giá trị kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này giảm 9,3%. Những thị trường lớn như Trung Quốc, ngoài yêu cầu hàng hóa phải xuất qua đường chính ngạch, sản phẩm vào nước này phải dán mác, nguồn gốc và bao bì đóng gói theo quy chuẩn mà họ đưa ra, chứ không làm đơn giản như từ năm 2018 trở về trước…” - Ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) thông tin

Minh Hiển Báo An Giang