TIN THỦY SẢN

Xuất khẩu tăng lượng, giảm kim ngạch

Giá cá tra xuất khẩu đang có xu hướng giảm sâu - Ảnh: C.Nhân

Tăng mạnh về lượng nhưng giá trị xuất khẩu (XK) của VN trong 6 tháng đầu năm nay giảm gần 1 tỉ USD do giá hàng XK giảm.

Giá giảm mạnh

"VN có những mặt hàng XK có số lượng lớn như gạo, cà phê nhưng chúng ta lại không đóng vai trò quyết định giá cả. Khi không thể chủ động được giá, khó có thể áp dụng các cách khác để giảm thiểu các rủi ro" - Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản VN (VASEP), cho hay trong 6 tháng đầu năm kim ngạch toàn ngành tăng trưởng 11% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá nhiều mặt hàng XK lại giảm mạnh. Chẳng hạn với cá tra, mức tăng trưởng 6 tháng là 3% so với cùng kỳ, nhưng kim ngạch tháng 6 lại giảm tới 15% so với tháng 5 do giá giảm. Hiện giá 1 kg cá tra của VN ở châu Âu chỉ khoảng 2 USD, tương đương giá 1 chai nước khoáng. Theo ông Hòe, cần nhanh chóng tái cấu trúc lại hoạt động XK, nhất là xây dựng quy chế, điều kiện dành cho các doanh nghiệp (DN) XK, chỉ những DN đủ điều kiện mới được phép XK để nâng cao chất lượng và giá cả.

Tương tự, theo Tổng cục Thống kê, các mặt hàng có lượng tăng, giá giảm mạnh như cao su (lượng hàng XK tăng 41% - giá giảm 31,6%), sắn và sản phẩm của sắn (tăng 73,5% - giảm 16,5%), hạt điều (tăng 44,8% - giảm trên 10%), cà phê (tăng 22,3% - giảm 4,2%)... riêng gạo giảm cả lượng lẫn giá với mức tương ứng là 6% và 12,2%, duy nhất hạt tiêu có đơn giá bình quân tăng 26,4%. Chỉ riêng ở nhóm hàng nông sản, chúng ta đã giảm 916 triệu USD kim ngạch, mặt hàng than đá làm giảm 61 triệu USD... Tổng thiệt hại đối với XK VN gần 1 tỉ USD trong 6 tháng qua.

Bộ Công thương cũng cho biết một thực tế không mấy khả quan khác: Tăng trưởng trong 6 tháng qua của khu vực DN trong nước chỉ 4% (chiếm 38,6% tổng kim ngạch XK) trong khi các DN có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng đến 37,3% (61,4% tổng kim ngạch). Chênh lệch kim ngạch giữa DN VN và nước ngoài ngày càng bị đào sâu và có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Đời sống công nhân, nông dân thêm khó khăn

Theo ông Lê Văn Lợi, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty cổ phần cao su Thống Nhất (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu), ngành cao su đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Trong khi các loại chi phí từ trồng trọt đến sản xuất như phân, thuốc, điện, nước, xăng dầu… đều tăng cao thì giá đầu ra lại giảm mạnh làm ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của DN. Từ đó, ảnh hưởng đến đời sống của công nhân.

“Trong tình hình hiện nay, giá cao su tiếp tục duy trì ở mức thấp dưới 50 triệu đồng/tấn. Hiện nhiều DN đang xuất khẩu với mức giá chỉ từ 46 - 47 triệu đồng/tấn. Chúng tôi đang rà soát lại quy trình sản xuất để cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết”, ông Lê Văn Lợi nói. Tương tự, ông Phạm Thái Bình, GĐ Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ), cho biết XK gạo giảm cả lượng lẫn giá từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng mạnh đến doanh số, thu nhập của công ty. Các DN XK gạo đang gặp rất nhiều khó khăn, tác động dây chuyền đến người trồng lúa. Bây giờ giá lúa có dấu hiệu nhích lên thì các DN lại càng khó hơn vì trước đó đã ký hợp đồng XK với giá thấp.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nếu tình trạng này kéo dài sẽ đẩy DN trong nước vào thế bị thôn tính bởi DN nước ngoài. Khi đó, DN nước ngoài thâu tóm thị trường XK của VN. Đây là một dấu hiệu cần phải xem xét, và nhất thiết phải được điều chỉnh kịp thời.
Khó đạt mục tiêu

Bà Phạm Chi Lan nhận xét, VN có những mặt hàng XK có số lượng lớn như gạo, cà phê nhưng chúng ta lại không đóng vai trò quyết định giá cả. Khi không thể chủ động được giá, khó có thể áp dụng các cách khác để giảm thiểu các rủi ro. Có thể tham khảo cách làm của Thái Lan khi họ có hệ thống kho trữ lúa rất tốt. Họ nắm vững quy luật thị trường, biết được lúc nào bán ra có giá tốt nhất. Hơn nữa, Thái Lan cũng có sự phối hợp nội bộ DN tương đối tốt.

Giá bán của chúng ta không được như mong muốn còn do cơ sở hạ tầng, hậu cần phục vụ cho ngành lúa gạo chưa đảm bảo nên để các chi phí này “ăn” vào giá cả khiến lãi thấp hơn và giá trị của sản phẩm cũng không cao.

Theo bà Lan, giải pháp lâu dài là tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng giá trị hàng hóa, thông qua đầu tư vào sản xuất, chế biến.
Trước tình hình này, Bộ Công thương nhận định sẽ khó có thể hoàn thành kế hoạch XK của năm 2012 là 109,5 tỉ USD khi đến nay, XK chỉ mới chạm mức 69,2 tỉ USD. Nếu muốn đạt kế hoạch, trong 5 tháng cuối năm còn lại phải XK bình quân 9,4 tỉ USD/tháng, một con số khá cao so với thông thường (bình quân kim ngạch XK mỗi tháng đạt 8,85 tỉ USD).

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Bộ Công thương, Thứ trưởng Nguyễn Nam Hải cho biết thêm các mặt hàng nhập khẩu chính của VN là máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất cũng giảm, sẽ kéo giảm năng lực sản xuất trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, trong những tháng cuối năm, giá XK nhóm hàng nông lâm thủy sản khó có thể tăng.

Do vậy, để tăng kim ngạch XK, chỉ có thể dựa vào sự gia tăng về lượng. Thế nhưng việc tăng lượng cũng không đơn giản bởi nguyên phụ liệu sản xuất hạn chế. Đối với nhóm hàng công nghiệp chế biến, nếu các chính sách của Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho DN phát huy tác dụng kịp thời thì tốc độ tăng trưởng các tháng còn lại mới có thể cao hơn các tháng đầu năm.

Thanh niên