Xuất khẩu thủy sản - Chưa hết khó khăn
Xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn trong 5 tháng đầu năm 2013 khi phải đối mặt hàng loạt rào cản thương mại như thuế chống phá giá vào thị trường Mỹ tăng gấp hàng chục lần; Nhật Bản, Hàn Quốc kiểm tra gắt gao dư lượng hợp chất trifluralin hóa học trên tôm và nhu cầu nhập khẩu thủy sản của một số thị trường lớn như Châu Âu, Mỹ… đều giảm mạnh.
Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm 2013 đạt trên 2,2 tỷ USD, giảm 5,6% so với cùng kỳ năm 2012. Kim ngạch ba thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giảm từ 2-6% so với cùng kỳ năm 2012. Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, việc trong tháng 4 vừa qua, Nhật Bản dỡ bỏ quy định kiểm tra dư lượng trifluralin đối với 100% lô tôm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường này đã khiến cho nhiều doanh nghiệp (DN) bớt căng thẳng. Tại một số thị trường mới như Trung Quốc, Thái Lan... nhu cầu nhập khẩu có dấu hiệu tăng trở lại. Tuy nhiên, các DN xuất khẩu vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn như thuế chống bán phá giá cá tra tại thị trường Mỹ chưa có hồi kết; dịch bệnh trên tôm nuôi đang diễn biến phức tạp với gần 50.000ha tôm bị bệnh; giá thu mua nguyên liệu bấp bênh, sản xuất không có lãi khiến một bộ phận nông dân phải "treo ao"... Năm tháng đầu năm 2013, nuôi trồng thủy sản (NTTS) cả nước đạt 992 nghìn tấn, giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2012 khiến cho việc thu mua nguyên liệu của các DN khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, thông tin cảnh báo về dư lượng hóa chất trong thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường mới vẫn còn cao, không những làm giá trị xuất khẩu giảm mà còn ảnh hưởng tới uy tín của ngành thủy sản nước ta. Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (NAFIQAD) Nguyễn Như Tiệp cho biết, mặc dù các ngành chức năng đã đẩy mạnh việc khuyến cáo người dân không được sử dụng chất cấm trong NTTS nhưng trên thực tế, một số cơ sở vẫn lén lút sử dụng. Trong tháng 4-2013, các ngành chức năng đã phát hiện hai mẫu cá tra và một mẫu cá lóc ở tỉnh Trà Vinh nhiễm dư lượng enrofloxacin. Thời gian qua, Cơ quan Thanh tra thực phẩm Canada (CFIA) còn phát hiện trong sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này có 103 lô hàng có dư lượng chất fluoroquinolones; Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Australia (DAFF) cũng phát hiện 39 lô hàng thủy sản Việt Nam nhiễm dư lượng fluoroquinolones...
Theo các chuyên gia trong ngành thủy sản, mặc dù nhu cầu nhập khẩu thủy sản của một số thị trường có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng các DN vẫn cần nghiên cứu và tìm hiểu nhu cầu của từng thị trường để định hướng xuất khẩu cho phù hợp, trong đó chú trọng đầu tư vào nâng cao chất lượng. Các DN cần đổi mới công nghệ sản xuất cũng như nâng cấp các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà máy chế biến, kho bảo quản và kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào. Các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc khuyến cáo người dân không sử dụng hóa chất trong NTTS để bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, dự báo hết quý II năm nay xuất khẩu thủy sản sẽ khởi sắc vì nhu cầu sử dụng thực phẩm vào dịp cuối năm sẽ tăng cao. Vì vậy, ngoài các thị trường truyền thống, các DN nên mở rộng tìm kiếm thị trường mới thông qua các kỳ hội chợ thủy sản quốc tế hằng năm; đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ với công ty nước ngoài, tăng cường trên cả hai phương diện từ việc xuất khẩu sản phẩm lẫn nhập khẩu trang thiết bị công nghệ. Để phát triển bền vững, các hộ nuôi trồng cũng như DN cần đẩy mạnh việc áp dụng nuôi theo phương thức an toàn sinh học, bảo đảm chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.