Xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc: Ưu tiên qua đường biển
Thủy sản là một trong số ít mặt hàng vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng xuất khẩu ở thị trường quan trọng là Trung Quốc. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong vấn đề xuất xứ hàng hóa, gian lận thương mại. Nếu không có những biện pháp kịp thời, rất có thể chúng ta sẽ mất lợi thế cạnh tranh.
Vướng mắc trong đăng ký danh sách xuất khẩu
Thị trường Trung Quốc từ 2015 đến nay đã nổi lên thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới với nhu cầu đa dạng, chất lượng yêu cầu ngày càng cao. Từ năm 2012, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu quan trọng của thủy sản Việt Nam, có mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định hơn so với các thị trường khác.
Theo báo cáo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), 8 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc đạt 560,9 triệu USD (tăng 5,7%), hiện có 680 doanh nghiệp chế biến thủy sản của Việt Nam trong danh sách được phép xuất khẩu vào Trung Quốc.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hiện nay, xuất khẩu (XK) thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc qua đường biển có nhiều thuận lợi, vì chi phí giảm, tính ổn định cao (ít rủi ro về thanh toán), không phải qua nhiều trung gian, cũng như tránh rủi ro về vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng lô hàng.
Tuy nhiên, hiện, các doanh nghiệp XK sang Trung Quốc đang gặp vướng mắc vì việc đăng ký bổ sung các sản phẩm XK của Việt Nam vào Danh sách các sản phẩm được chấp thuận nhập khẩu vào Trung Quốc vẫn còn khó khăn.
Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản đã có nhiều văn bản gửi phía Trung Quốc đề nghị xem xét, bổ sung một số loài như nghêu, cua biển, tôm hùm, ghẹ, bổ sung một số dạng sản phẩm như tôm thẻ, tôm sú ướp đá đã có bằng chứng thông thương, cũng như hướng dẫn hoàn thiện các thủ tục đăng ký để bổ sung các sản phẩm mới như cá rô phi, cá hồi, cá cờ, cá thu... vào danh mục được phép XK sang Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.
Đó là chưa kể, thời gian qua, các doanh nghiệp Trung Quốc đang chuyển qua mua nhiều hơn tôm Ấn Độ và Ecuador, do các nước này có cỡ tôm lớn, giá rẻ và lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất.
Bên cạnh những khó khăn từ phía thị trường Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam cũng chưa nghiêm túc nhìn nhận đúng thị trường khiến việc XK có đôi lúc bị đình trệ. Theo ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, thời gian qua, Hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã phản ánh về việc một số lô hàng thủy sản Việt Nam xuất khẩu qua các cửa khẩu do cơ quan này phụ trách kèm theo chứng thư giả.
“Trước tình hình này, dự kiến, đoàn công tác của Việt Nam sẽ sang làm việc tại Bắc Kinh thời gian tới để trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về việc phối hợp cấp chứng thư điện tử, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại giữa hai bên và tăng cường phối hợp chống gian lận thương mại” - ông Hòa nói.
Tránh phụ thuộc một thị trường
Theo ông Trần Đình Luân - Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), các xung đột thương mại chưa có dấu hiệu kết thúc sẽ tác động không nhỏ tới các chính sách thương mại, cán cân xuất nhập khẩu. Các rào cản kỹ thuật của thị trường XK ngày càng nhiều với các quy định chặt chẽ hơn về truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm; cạnh tranh thương mại ngày càng khốc liệt... cho thấy XK thủy sản trong thời gian tới sẽ đối mặt với nhiều khó khăn.
Một khó khăn khác của ngành là tình trạng nuôi thủy sản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là trong khai thác chưa nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão…), bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến sản phẩm thủy sản khai thác còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong khai thác thủy sản còn hạn chế, tổn thất sau thu hoạch còn cao, chất lượng nguyên liệu thủy sản khai thác giảm do bảo quản, dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp.
Trước những diễn biến khó lường của thị trường Trung Quốc, Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) kiến nghị Chính phủ cần xây dựng chiến lược XK thủy sản sang Trung Quốc với từng ngành hàng chủ lực để đảm bảo tính ổn định, bền vững, tránh lệ thuộc vào thị trường.
Chính sách thương mại mậu biên vẫn quan trọng trong thương mại với Trung Quốc, vì vậy cơ quan quản lý hai bên cần có chính sách công khai, minh bạch để doanh nghiệp 2 bên nắm bắt, điều chỉnh kịp thời, tận dụng chính sách mậu biên XK sang Trung Quốc.
Doanh nghiệp cần cải thiện điều kiện cơ sở sản xuất thủy sản, nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm sản phẩm XK để đăng ký vào danh sách doanh nghiệp XK sang Trung Quốc, ưu tiên XK chính ngạch qua đường biển, vì cước phí rẻ hơn trước, thuế nhập khẩu chính ngạch giảm và tránh được rủi ro về thanh toán, vì không phải qua nhiều trung gian. Doanh nghiệp cũng cần cập nhật và tận dụng hình thức kinh doanh thương mại điện tử để chào hàng tại Trung Quốc, vì thương mại điện tử đang phát triển mạnh, người dân nước này thích mua sắm trực tuyến.