Cá trôi Mrigal
Phân loại
Đặc điểm
Danh pháp đồng nghĩa: Cirrhinus mrigala (Hamilton, 1822)
Cá trôi Mrigal : Là loài rất phổ biến tại Pakistan, Ấn độ và một nguồn thực phẩm rất quan trọng trong vùng. Cá được du nhập và thả nuôi tại Việt Nam. Cá khai thác thương mại dài trung bình 40 cm, tuy nhiên có thể lớn đến 1m.
Thân dài mình dầy dẹp bên, thuôn về phía đuôi. Đầu dài, hơi nhọn. Miệng ở phía dưới, hướng ngang và hơi uốn cong. Rạch miệng kéo dài đến đường thẳng đứng trước mũi. Mõm hơi nhô ra, có hoặc không có các lỗ mút mõm. Phía trước mũi hơi lõm. Mũi ở giữa mõm và mắt. Mắt trung bình ở hai bên và nửa trước của đầu. Đỉnh đầu nhẵn. Hàm và môi có một rãnh nông. Có hai đôi dâu: Một đôi nhỏ ở mõm, một đôi ở góc hàm rất nhỏ. Rãnh sau môi dưới thu hẹp ở hai góc, ngắt quãng ở giữa. Phía trong hàm dưới có đốt nổi rõ ràng. Hàm phủ chất sụn. Răng hình vát chéo. Mang trong hẹp liền với eo, lược mang dạng hình sợi ngắn. Khởi điểm vây lưng trước khởi điểm vây bụng, gần mút mõm hơn tới gốc vây đuôi. Vây lưng không có tia gai cứng, viền sau hơi vây ngực chưa chạm vây bụng, vây bụng chưa tới vây hậu môn. Vây đuôi chẻ hai, các thuỳ bằng nhau. Lỗ hậu môn ngay trước vây hậu môn. Đường bên hoàn toàn, cong xuống tới vây lưng thứ tư, sau đó chạy thẳng từ ở giữa thân đến cuống đuôi.
Lưng màu xám nhạt, viền sau vẩy xám. Phần hông và bụng trắng bặc. Môi và da mõm trắng, viền mắt màu đỏ thau. Các vây xám nhạt hoặc vàng da cam.
Phân bố
Phân bố ở Ấn độ, Bangladesh, Pakistan, Mianma.
Được nhập về Việt Nam năm 1984 do Uỷ ban quôc tế về sông Mêkông thực hiện theo chương trình hợp tác nghiên cứu cá nước ngọt. Lúc đầu được lưu giữ tại Viện NCNT Thuỷ Sản II, TP Hồ Chí Minh. Đến tháng 6/1986 cá được chuyển ra Viện NCNT Thuỷ Sản 1, cho đẻ thành công năm 1987 và hiện nay là một trong những đối tượng nuôi ở nước ta.
Tập tính
Cá Mrigal có khả năng thích ứng rộng với điều kiện môi trường, sống được trong điều kiện môi trường ôxy thấp, được nuôi trong các ao, ruộng đầm, hồ chứa, sông cụt và được nuôi trong môi trường nước lợ có nồng độ muối thấp (Nguyễn Công Dân, 1991).
Cá Mrigal là loài ăn tạp phổ thức ăn rộng chủ yếu là mùn bã hữu cơ và thức ăn tinh 82%, Thực vật thượng đẳng 13,8%, động vật phù du 3%, tảo 1,2% có khả năng ăn thức ăn nhân tạo.
Sinh sản
Cá Mrigal ở Ấn Độ nuôi trong ao năm thứ nhất đạt 0,6-0,9kg, năm thứ 2 đạt 2,4kg, năm thứ 4 đạt 4kg (Hora và Pillay, 1992). Theo kết quả nghiên cứu của Nguyễn Công Dân (1991) cá Mrigal nuôi ở miền Bắc-Việt Nam sinh trưởng chậm ở năm đầu, sinh trưởng nhanh từ năm thứ 2, đạt giá trị thương phẩm ở năm thứ 2 khi nuôi từ cá bột. Ở Đồng bằng sông Cửu Long cá bột Mrigal sinh trưởng nhanh, sau 1 năm đạt kích cỡ thương phẩm. Cá Mrigal nuôi năm thứ nhất đạt khoảng 700-900g, năm thứ 2 đạt khoảng 1,3-1,8kg, đặc biệt cá có tốc độ tăng trưởng nhanh vào mùa mưa. Lớn gấp 2 lần trôi ta. Vào mùa đông khi nhiệt độ nước xuống thấp dưới 20oC, cá Mrigal ăn ít và tăng trưởng chậm (Phạm Văn Thành và Bùi Lai, 1998)
Tuổi thành thục của cá Mrigal thường là 2+ tuổi, nặng 1-1,5kg,cá biệt có những cá thể thành thục ở 1+ tuổi, nặng 250-350g (Nguyễn Công Dân, 1991). Cá Mrigal nuôi ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long có tuổi thành thục là 15 tháng(Phạm Văn Thành và Bùi Lai). Mùa vụ sinh sản của cá Mrigal vào mùa mưa từ tháng 7 đến tháng 8 (Hiralal chaudhuri và Singh, 1984). Ở Việt Nam mùa vụ sinh sản của cá Mrigal thường bắt đầu giữa tháng 5 đến tháng 8, đẻ rộ nhất vào tháng 5 đến tháng 6 (Nguyễn Công Dân,1991)
Nuôi trong ao giàu dinh dưỡng sau 1 năm cá đạt 1,0-1,2kg/con; cá có kích cỡ lớn nhất là 12kg. Thành thục ở năm thứ 3 (2+ tuổi). Cá đẻ trứng trôi nổi.
Mùa vụ sinh sản: từ tháng 4-5 và kéo dài đến tháng 9.
Hiện trạng
Ấn độ và Bangladesh là 2 quốc gia sản xuất nhiều nhất, Lào, Thái Lan và Myanmar cũng là những nước nuôi nhiều cá mrigal.
Tài liệu tham khảo
1. http://nbc.org.vn/chi-tiet-bai-viet/587/ca-mrigal.html
2. http://www.marinespecies.org/aphia.php?p=taxdetails&id=280191