Kỹ thuật nuôi Lươn đồng

Kỹ thuật ương nuôi lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo

Ks. IVan - Trung tâm Giống Thủy sản An Giang

Lươn là đối tượng nuôi phổ biến ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng những công trình nghiên cứu về loài thủy sản đặc biệt này còn rất ít. Bước đột phá của An Giang là chuyển giao công nghệ sinh sản bán nhân tạo đến một số hộ dân tại các vùng nuôi chuyên canh tương đối thành công và nghề sản xuất giống lươn bắt đầu hình thành từ năm 2012. Lươn giống tại các cơ sở sản xuất khi xuất bán thường có kích cỡ từ 3 -5 gam/con trong khi lươn giống ngoài tự nhiên khi bố trí vào bể nuôi thường có kích cỡ trung bình từ 25 – 40gam/con.

Nhằm tạo điều kiện cho hộ nuôi “làm quen” dần con giống nhân tạo, Trung tâm Giống Thủy sản An Giang xin đưa ra biện pháp kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo. Quy trình nuôi chia làm 2 giai đoạn:

- Giai đoạn 1: Ương giống đạt kích cỡ 25-30 gam/con

- Giai đoạn 2: Nuôi thương phẩm đạt kích cỡ 150 -250 gam/con

1. Xây dựng bể nuôi

- Bể ương giống được xây dựng khu vực có mái che, thoáng mát, tránh ánh nắng gay gắt, hạn chế sự chênh lệch nhiệt độ trong ngày và không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh..

- Bể nuôi là loại bể nổi có hình chữ nhật có diện tích 1- 5m2/bể; vật liệu xây dựng bể là bạt cao su lót loại 2 mặt hoặc xây bằng gạch và xi măng tùy theo điều kiện của nông hộ; chiều cao bể là 0,3 - 0,4m. Đáy bể có độ dốc nghiêng về phía ống thoát nước để loại bỏ các chất cặn bả trong bể khi thay đổi nước.

- Phương tiện hỗ trợ: Moteur bơm nước, ống cấp thoát nước (đường kính 21 mm), co, val khóa thích hợp.

2. Điều kiện môi trường nuôi

- Bố trí dây nilon trong bể nuôi dựa theo vách bể để tạo nơi trú ẩn cho lươn. Dây nilon được cột lại thành búi dài khoảng  40 -50cm và bố trí chiếm 30- 40% diện tích đáy bể.
- Mức nước trung bình từ 7-10cm; mật độ bố trí 200 -300 con/m2
- Nguồn nước sử dụng không bị ô nhiễm bởi các loại chất thải công nông nghiệp và kim loại nặng

Bảng: Chỉ tiêu của các yếu tố môi trường nước ương

Độ mặn pH Nhiệt độ Oxy NH3 – NH4
< 5‰ 6,5 - 8 25 -32 0C 2mg/lit < 3mg/lit

3. Quản lý và chăm sóc

- Loại thức ăn sử dụng là thức ăn tươi sống (trùn quế, cá tạp, ốc, hến..…) phối trộn thức ăn công nghiệp 26 -30% đạm với tỷ lệ 70% thức ăn tươi sống và 30% thức ăn công nghiệp. Khẩu phần ăn 10- 15%/ tổng trọng lượng lươn nuôi/ngày và tần suất cho ăn 2 lần/ngày (sáng – chiều). Định kỳ bổ sung men tiêu hóa, premix, vitamin C chống sốc 2 lần/tuần nhằm tăng cường sức đề kháng cho lươn trong giai đoạn này.

- Thường xuyên theo dõi lượng thức ăn thừa trong sàn sau khi cho ăn 1 giờ nhằm điều chỉnh lượng thức ăn thích hợp. Định kỳ 1 tuần/lần nên tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi tăng lượng thức ăn: tăng 15 - 25%  so với lượng thức ăn của kỳ trước.

- Định kỳ 2 tuần/lần phân cỡ lươn giống nhằm nâng cao tỷ lệ sống và hạn chế sự cạnh tranh mồi trong cùng một quần đàn.

- Chế độ thay nước 1 ngày/lần; hòa nước muối tạt khắp bể với liều lượng 30 - 50 gram/m2 đáy bể trước khi cấp nước vào bể.

- Thời gian ương dưỡng ước khoảng 60-75 ngày, kích cỡ đạt 25-30 gam/con; tỷ lệ sống ước khoảng 60 - 80% tùy thuộc vào điều kiện chăm sóc của hộ nuôi.

- Tạm ngưng cho ăn 1 ngày trước khi chuyển sang bể nuôi thương phẩm, phân cỡ và bố trí vào bể nuôi với mật độ thích hợp tùy thuộc vào loại giá thể sử dụng. Tùy theo điều kiện từng vùng hộ nuôi sử dụng các loại giá thể khác nhau: đất, bao chứa đất- gạch, chà, mùn bã thực vật, dây ni lon…..

4. Những bệnh thường gặp

Trong giai đoạn này lươn bắt đầu chuyển từ trùn chỉ sang loại thức ăn phổ thông (thức ăn công nghiệp phối trộn với thức ăn tươi sống như cá tạp, ốc, hến…) nên thường xuất hiện hiện tượng lươn bỏ ăn và suy nhược. Trong trường hợp này, nên bổ sung thêm premix, trùn quế vào khẩu phần thức ăn từ 15-25% tổng trọng lương thức ăn, Ngoài ra còn xuất hiện một số bệnh như xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn … Biện pháp khắc phục trong giai đoạn này:

- Cần lưu ý chênh lệch nhiệt độ trong bể (không quá 30C) khi thay đổi nước hoặc ngày đêm do mức nước trong bể thấp.

- Thường xuyên tắm muối với liều lượng 2-3% và bổ sung vitamin C chống sốc sau khi thay đổi nước (2 ngày/ lần)

- Chỉ sử dụng hóa chất sát khuẩn và  kháng sinh khi cần thiết (xuất huyết toàn thân, nấm thủy mi, xuất huyết hậu môn…) theo liều lượng ghi trên bao bì.

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Lươn đồng

Đặc điểm sinh học Lươn đồng - Monopterus albus
  1. Kỹ thuật sản xuất lươn giống bán nhân tạo bằng thức ăn viên
  2. Kỹ thuật ương lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo
  3. Kỹ thuật cơ bản cần lưu ý khi nuôi lươn không bùn sử dụng thức ăn viên công nghiệp
  4. Kỹ thuật nuôi lươn tại nhà
  5. Kỹ thuật nuôi lươn trong bể bạt với con giống nhân tạo sử dụng nước ngầm
  6. Kinh nghiệm sinh sản giống lươn đồng
  7. Kỹ thuật nuôi lươn không bùn
  8. Kỹ thuật nuôi lươn thương phẩm
  9. Kỹ thuật ương nuôi lươn giống từ nguồn sinh sản bán nhân tạo
  10. Hiệu quả mô hình nuôi lươn đồng thương phẩm trong bể bạt