Kỹ thuật nuôi Cua biển

Quản lý cua trong vuông nuôi kết hợp

Châu Quốc Nam

Nhiều năm qua, hình thức nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh cải tiến kết hợp tôm - cua - rừng đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững, giúp nhiều nông dân có cuộc sống ổn định. Thông thường người dân chọn nuôi kết hợp các đối tượng tôm, cua, cá trên cùng đơn vị diện tích vừa tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên sẵn có vừa đảm bảo nhu cầu của thị trường. Để đảm bảo cho cua sinh trưởng và phát triển tốt đạt năng suất, bà con nông dân cần quan tâm một số vấn đề sau:

1. Mùa vụ thả cua

Thực tế cho thấy cua biển sinh trưởng và phát triển tốt ở môi trường nước có độ mặn dao động trong khoảng 15 - 25.  Bà con nên bố trí thả giống vào khoảng tháng 2 - 3, thu hoạch dứt điểm vào khoảng tháng 7 - 8 dương lịch vì trong khoảng thời gian này độ mặn còn thích hợp cho cua phát triển, nếu thả cua trễ vào khoảng tháng 9 - 12 lúc này mưa nhiều làm độ mặn trong các vuông nuôi xuống rất thấp, đặc biệt đối với khu vực sản xuất lúa trên đất tôm như: Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai độ mặn xuống rất thấp nên thả cua vào thời điểm này tỷ lệ sống đạt không cao.

2.  Chọn giống

Có thể chọn giống tự nhiên hay nhân tạo nhưng phải đảm bảo chất lượng. Chọn cua giống phải đồng cỡ, đồng màu, có phản ứng nhanh lẹ, các phụ bộ đầy đủ. Không chọn cua giống có kích cỡ  quá nhỏ không có xác chết trong bể dèo.

Cua giống cho vào khay cua phải phân bố điều, không dồn cục và đổ nước vào cua phải phân tán nhanh và đều trong khay, khả năng đeo bám giá thể tốt.

3. Dèo cua giống

Đa số những hộ nuôi khi bắt cua giống về không ương dèo cua mà thả thẳng vào vuông nuôi nên tỷ lệ sống đạt không cao. Mặt  khác, do diện tích vuông nuôi tương đối lớn nên bà con xử lý các yếu tố môi trường chưa tốt như độ mặn, pH, độ kiềm …nên khi thả cua vào vuông nuôi cua dễ bị sóc gây hao hụt nhiều, khâu diệt tạp chưa tốt khi thả cua bị cá tạp ăn dẫn đến tỷ lệ sống không cao. Để khắc phục vấn đề này trước khi thả cua ra vuông nuôi bà con nên diệt cá tạp và dèo cua trong ao khoảng 15 - 20 ngày để hạn chế cua bị hao hụt.

* Lợi ích khi làm ao dèo:

Khâu chăn sóc và quản lý được dễ dàng, chi phí cải tạo ao thấp, ta có thể đều chỉnh các yếu tố môi trường nước như: độ mặn, pH, độ kiềm ... nằm trong khoảng thích hợp để khi thả cua không bị sốc nước, khống chế địch hại dễ dàng hơn.

Để ương cua trong ao dèo đạt hiệu quả cao bà con cần lưu ý:

+ Tùy theo số lượng giống thả mà bà con xây dựng ao dèo lớn hay nhỏ nhưng phải đảm bảo mật độ ương trong ao dèo không quá 5 con/m2.

+ Ao dèo trước khi thả giống phải được cải tạo kỹ: sên vét bùn đáy ao, bón vôi với liều từ 15-20 kg/1.000 m2, lấy nước vào đầy ao qua lưới lọc hạn chế tôm cá tạp. Sau đó dùng saponin với liều 20 kg/1.000m3 diệt cá tạp, kiểm tra lại các yếu tố môi trường nước điều chỉnh vào khoảng thích hợp như pH (7,5 - 8,5), độ mặn (15 - 25), độ kiềm (80 - 150 mg CaCO3/lít).

+ Do đặc tính của cua hay ăn thịt lẫn nhau, trong ao dèo nên đặt giá thể để cho cua trú ẩn, giá thể được bố trí khắp ao dèo.

+ Trong quá trình ương cua trong ao dèo, ta nên bổ sung thức ăn cho cua. Có thể cho cua ăn cá tạp có sẵn ở địa phương, cá được hấp chín, làm nhuyễn tạt đều khắp ao với liều 0,5 - 1 kg cho 1.000 con cua giống.

4. Mật độ thả cua 

Để cua không cạnh tranh thức ăn với tôm sú và không ăn lẫn nhau bà con nên thả cua với mật độ: 1 con/20m2, Tôm sú: 1 con/m2.

5. Chăm sóc và quản lý

Khi chuyển cua ra vuông nuôi để đảm bảo cua sinh trưởng và phát triển tốt bà con cần lưu ý vấn đề sau:

Thả tôm sú trước từ 1 - 1,5 tháng trước khi thả cua.

Để hạn chế cua thất thoát ra vuông nuôi: Bờ bao phải đảm bảo chắc chắn không bị mọi, rò rỉ nhằm tránh nước bị rò rỉ trong suốt thời gian nuôi. Chiều rộng mương tối thiểu phải đạt từ 2 - 3m, chiều sâu mương đạt 1,2 - 1,5 m để giữ được mức nước mặt trảng khi nuôi đạt từ 0,5 m trở lên để đảm bảo các yếu tố môi trường trong vuông nuôi được ổn định, tạo điều kiện cho cua lên trảng tìm thức ăn. Trên bờ vuông nên để cỏ không nên dọn trống, dùng lưới rào kỹ những chỗ có nguy cơ thất thoát cua như: chỗ lấy nước vào, những đoạn bờ dễ sạt lở.

Định kỳ theo dõi các yếu tố môi trường nước để điều chỉnh vào khoảng thích hợp cho cua phát triển tốt. Trong vuông nuôi phải có chỗ để cua trú ẩn và lột xác sinh trưởng (dưới mương bao nên đặt chà, trên trảng có thể trồng năng tượng  mật độ vừa phải để làm nơi trú ẩn cho cua).

Trong vuông phải có đủ thức ăn cho cua ăn (Có thể thả thêm cá phi, ốc… vào vuông để cho cua ăn). Định kỳ 15 - 20 ngày thay nước 01 lần, mỗi lần thay 20 - 30% lượng nước trong vuông  để kích thích cho cua hoạt động, ăn nhiều, lột xác tốt.

Thường xuyên kiểm tra bờ, cống, rào chắn để kịp thời sửa chữa, trách để cua thoát ra ngoài.


Thu hoạch cua theo hình thức nuôi tôm - cua - rừng- Ảnh Thanh Thiện

Tài liệu tham khảo

Kỹ thuật nuôi Cua biển

Đặc điểm sinh học Cua biển - Scylla paramamosain
  1. Kỹ thuật sản xuất giống cua biển
  2. Kinh nghiệm quản lý chăm sóc trong mô hình nuôi ghép cua với cá dìa
  3. Một số kinh nghiệm nuôi ghép cua với cá dìa (Phần 1)
  4. Yêu cầu kỹ thuật nuôi Cua biển giống Scylla paramamosain
  5. Chuẩn bị và cân đối thức ăn cho cua biển nuôi
  6. Quá trình sinh sản và phát triển của cua biển
  7. Lecithin tăng tỉ lệ sống Cua giống từ giai đoạn ZOEA 3 đến Cua 1
  8. Kỹ thuật nuôi cua thương phẩm từ giống nhân tạo trong ao đất - Phần 2
  9. Kỹ thuật nuôi cua thương phẩm từ giống nhân tạo trong ao đất
  10. Kỹ thuật nuôi cua trứng theo hướng an toàn sinh học