10 năm Hùng Vương và giấc mơ “tỷ đô”
Cái tên Dương Ngọc Minh hay bạn bè và đối tác thường gọi ông với cái tên “Minh cá”, “Minh Hùng Vương” trong 10 năm trở lại đây không xa lạ gì với ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt đối với lĩnh vực cá tra, tôm. Hiện Công ty Cổ phần Hùng Vương (HVG) là một trong những doanh nghiệp duy nhất có quy trình khép kín từ con giống, ao nuôi, thức ăn, chế biến đến xuất khẩu. Và HVG đang “căng buồm” tiến ra biển lớn để trở thành doanh nghiệp đầu tiên trong ngành thủy sản Việt Nam cán mức doanh số 1 tỷ USD. Trong những ngày này, để tìm gặp ông không phải dễ, bởi do yếu tố công việc mà ông thường xuyên di chuyển, có ngày ông liên tục đi thăm vùng nuôi ở: Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, An Giang…, lúc thì bay sang nước ngoài cả năm, bảy ngày để đàm phán với đối tác. Đặc biệt, ông đang rất tất bật chuẩn bị từng li, từng tí cho các hoạt động mang dấu ấn 10 năm thành lập HVG được tổ chức vào ngày 27-9 tới đây… Nhân dịp này, ông đã dành cho chúng tôi ít thời gian quý báu để nói về sự thành công của HVG trong 10 năm qua.
Ngày 27-9, HVG kỷ niệm 10 năm, ông có thể chia sẻ cho bạn đọc quá trình phát triển của công ty như thế nào cùng hướng phát triển cho những năm tiếp theo?
Từ ngày thành lập (năm 2003) với doanh số chỉ có 8 tỷ đồng, năm 2013 mục tiêu là 12.000 tỷ đồng. Như vậy sau 10 năm thành lập doanh số tăng gấp 150 lần và lực lượng lao động từ 300 người bây giờ là 15.000 lao động- tăng 50 lần. Con số này thể hiện tính chiến lược và đầu tư đúng hướng của HVG trong vấn đề phát triển ngành thủy sản. Và lợi nhuận của HVG liên tục đảm bảo cho các nhà đầu tư từ năm 2007 đến nay với cổ tức 20%/năm. Với định hướng kinh doanh đúng đắn, mục tiêu của HVG đặt ra 3 năm tới sẽ đạt doanh số 20.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD), là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của ngành thủy sản Việt Nam có một quy trình khép kín từ con giống, ao nuôi, thức ăn, chế biến và xuất khẩu. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, HVG tiếp tục sáp nhập một số lĩnh vực mà HVG đang nắm cổ phần chi phối như: Tôm, Thức ăn gia súc, gia cầm và sẽ thành lập Tổng Công ty Sản xuất thức ăn Thủy sản và Chăn nuôi với mục tiêu là một trong những doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam trong chế biến thức ăn, công suất từ 1-1,2 triệu tấn/năm.
Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế từ năm 2009 đến nay, hầu hết các doanh nghiệp trong nước gặp phải khó khăn. Không có một doanh nghiệp nào trụ được với lãi vay từ 15-20% với thời gian kéo dài đến 5 năm. Tuy nhiên, nhờ có tầm nhìn chiến lược và sự chuẩn bị chu đáo mà thời gian này, HVG đã có những quyết định đúng đắn khi mua cổ phần chi phối ở Công ty Agifish, Công ty Việt Thắng và tiếp tục đầu tư lĩnh vực ngành tôm khi mua lại Công ty Thủy sản Tắc Vân và Công ty Thủy sản Sao Ta,… Trong cái khó ló cái khôn thì HVG là minh chứng cho việc đi tắt đón đầu này.
Để có thể thực hiện được các mục tiêu đưa ra cũng như tham vọng đưa HVG trở thành doanh nghiệp thủy sản “tỷ USD” - Ông có bí quyết gì để thực hiện điều này?
Sự thành công HVG cho đến hôm nay là vấn đề con người: Thứ nhất là đào tạo cán bộ quản lý kế thừa của HVG luôn là khâu quan trọng từ khi thành lập đến nay. Thứ hai là công nhân lao động. Lao động của HVG mang tính chất chuyên nghiệp và ổn định. Xuyên suốt trong thời gian vừa qua, HVG luôn đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động. Hai yếu tố này để giữ chân người lao động thì HVG phải đảm bảo vấn đề nguyên liệu sản xuất mà không phải phụ thuộc vào vấn đề thị trường. Do đó, từ năm 2004 cho đến nay, HVG phát triển đầu tư vùng nuôi trồng dựa trên kế hoạch nuôi trồng và công suất nhà máy của mình để đảm bảo cho việc cung ứng xuất khẩu và đảm bảo công ăn việc làm thường xuyên. Hiện nay, lực lượng cán bộ kế thừa có khả năng thay lãnh đạo của HVG là gấp đôi số lượng người cần thiết, do đó việc phát triển HVG- là người quản lý, trực tiếp điều hành, tôi chỉ đưa ra ý tưởng để các bộ phận tham mưu, thực hiện. Về nhân sự, HVG không phải lo cho vấn đề phát triển lâu dài, vì tất cả các bộ phận của HVG đều có tính chất kế thừa, kể cả có những con người, chính sách chiến lược cho việc sản xuất kinh doanh của công ty.
Đi đôi với sự phát triển của Công ty Cổ phần Hùng Vương đó là trách nhiệm với xã hội của tập thể CB-CNV công ty với việc thường xuyên tham gia tất cả các hoạt động từ thiện như: Quỹ học bổng, xây nhà tình thương, xây nhà tình nghĩa, chương trình mổ tim, tham gia xây dựng nông thôn, xây cầu… Tổng chi phí cho các hoạt động này trong 10 năm của Hùng Vương lên đến trên 50 tỷ đồng bao gồm tài trợ, hỗ trợ các hoạt động từ thiện của các tỉnh ĐBSCL: Kiên Giang, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cà Mau,… trao học bổng trẻ em hiếu học cho các tỉnh miền Trung như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Kon Tum, Quảng Trị, Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng, Quảng Bình…
Ông Dương Ngọc Minh đang trao tiền hỗ trợ cho các nhân vật trong chương trình “Vì ngày mai tươi sáng” do Ban chuyên đề Đài Truyền hình TPHCM thực hiện. ẢNH: HỒNG MINH