Ào ạt tăng lồng bè ven đảo Lý Sơn
Vùng mặt nước biển ven đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên với cách nuôi tự phát như hiện nay đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Lê Văn Đôi, Phó phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn H.Lý Sơn, nghề khai thác đánh bắt thủy sản ở Lý Sơn phát triển khá mạnh, ngư dân đất đảo có nhiều kinh nghiệm đánh bắt ở vùng biển xa. Trong khi đó, dù có nhiều tiềm năng nhưng nghề nuôi trồng thủy sản ven bờ biển đảo Lý Sơn chỉ mới hình thành từ năm 2012.
Kẻ cười, người khóc
Thời điểm này, một vài ngư dân đất đảo khăn gói vào các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa học hỏi kinh nghiệm nuôi tôm hùm trong lồng bè, sau đó về địa phương đầu tư vốn thả nuôi vùng ven bờ biển quanh đảo, mang lại lợi nhuận cao. “Trong vụ đầu thả nuôi, nhiều hộ dù chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng đã thu lãi rất cao.
Trung bình, mỗi hộ dân bỏ ra 1 tỉ đồng thả nuôi tôm hùm, sau hơn 1 năm rưỡi thu lãi 700 - 800 triệu đồng là chuyện bình thường”, ông Đôi nói.
Không chỉ nuôi tôm hùm mà những hộ dân nuôi cá bớp cũng thu lãi khá. Ông Lê Minh Hà thổ lộ: “Vụ đầu tiên gia đình tui thả 1.100 con cá bớp. Sau 10 tháng nuôi, cá cho thu hoạch, trừ hết chi phí còn lãi hơn 500 triệu đồng”.
Thấy việc nuôi trồng thủy sản ven đảo hấp dẫn, từ năm 2015 dân đảo Lý Sơn bắt đầu đổ xô đầu tư vốn làm lồng bè thả nuôi tôm hùm, cá bớp. Đến thời điểm này, toàn huyện thả nuôi hơn 60 bè với khoảng trên 1.000 lồng tập trung ở khu vực biển phía tây nam vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn. Thế nhưng, chính việc nuôi tự phát theo kiểu “bà con nuôi được thì mình cũng nuôi được” đã khiến nhiều hộ méo mặt. Trường hợp của ông Phù Của là một ví dụ. Cuối năm 2015, gia đình ông đầu tư lồng bè thả nuôi 2.100 con tôm hùm giống. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm nuôi nên tôm cứ chết dần, lỗ mấy trăm triệu đồng. Ông Của cho biết thêm ngoài tôm hùm, gia đình ông còn thả nuôi 2.150 con cá bớp nhưng vào ngày 11.6 vừa qua, khi cá có trọng lượng từ 2 - 3 kg/con thì bỗng dưng bị chết sạch. “Dù bán vớt vát số cá chết được khoảng 200 triệu đồng nhưng gia đình vẫn bị thiệt hại hơn 500 triệu đồng”, ông Của buồn bã.
Theo thống kê của Phòng Kinh tế hạ tầng nông thôn H.Lý Sơn, không chỉ gia đình ông Của mà toàn huyện có 14 bè, với hơn 14.500 con cá bớp bị chết, tổng trọng lượng khoảng 21,759 tấn, thiệt hại hơn 3,2 tỉ đồng. “Nguyên nhân cá chết hàng loạt đã được các cơ quan chuyên môn xác định là ảnh hưởng nguồn nước nóng đi qua gây thiếu ô xy, làm cá nổi lên mặt nước trong thời gian 30 phút rồi chết”, ông Đôi nói.
Cá bớp nuôi trong lồng bè ven đảo Lý Sơn
Thiếu vốn triển khai quy hoạch
Theo UBND H.Lý Sơn, việc nuôi trồng thủy sản ven đảo bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế nhưng tình trạng người dân phát triển tự phát tràn lan như hiện nay làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường sinh thái, dễ phát sinh dịch bệnh và khó khăn trong tránh trú cho lồng bè khi có thiên tai xảy ra.
Do vậy, để phát triển nuôi trồng thủy sản gắn kết chặt chẽ với chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thành một nghề sản xuất hàng hóa có chất lượng, giá trị cao, đảm bảo môi trường sinh thái, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động giao thông và du lịch biển, chính quyền H.Lý Sơn đã phê duyệt quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản giai đoạn từ nay đến 2025, với tổng nhu cầu vốn đầu tư khoảng 286 tỉ đồng huy động từ nguồn ngân sách, do người dân và doanh nghiệp đầu tư.
Theo đó, đến năm 2025, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện là 50 ha, sản lượng đạt 70 tấn, giá trị trên 100 tỉ đồng, chiếm 8 - 10% tổng giá trị sản xuất ngành thủy sản của huyện. “Định hướng của địa phương là tập trung đẩy mạnh nuôi tôm hùm ở những khu vực biển có điều kiện thuận lợi, còn những nơi khác thì hỗ trợ người dân nuôi các loại rong biển và nhuyễn thể”, bà Phạm Thị Hương, Phó chủ tịch UBND huyện, nói và cho biết thêm địa phương cũng đề ra các biện pháp kiểm soát mức độ tăng quy mô lồng nuôi hằng năm, bình quân mỗi năm chỉ tăng lên 200 lồng.
Cùng với việc quy hoạch quy mô diện tích, số lượng lồng nuôi cho từng loài cụ thể, H.Lý Sơn còn đưa ra các giải pháp nuôi trồng, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và xây dựng khu tránh trú bão cho lồng bè nuôi thủy sản neo trú, các điểm thu gom rác thải tránh gây ô nhiễm môi trường khu vực nuôi. “Việc phê duyệt quy hoạch là cơ sở quan trọng để địa phương phát triển nghề nuôi trồng thủy sản ven đảo. Tuy nhiên, cái khó nhất là nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng quá lớn, hơn 153 tỉ đồng, trong khi nguồn ngân sách địa phương lại eo hẹp nên huyện rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước”, bà Hương kiến nghị.
Theo bà Phạm Thị Hương, qua khảo sát, các cơ quan chức năng xác định bờ biển ven đảo có 7 khu vực đảm bảo được yêu cầu phát triển nuôi trồng thủy sản. Các khu vực này đều đạt thông số về độ sâu mực nước, khoảng cách từ bờ đến khu vực nuôi, địa hình đáy biển, tốc độ gió, sóng biển, không nằm trên các tuyến giao thông thủy, khu vực du lịch biển, quốc phòng, an ninh.