Bắc Ninh: Hướng đi bền vững cho nghề nuôi cá lồng
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cùng thế mạnh có nhiều dòng sông lớn chảy qua, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng trên sông được nhiều người dân trong tỉnh đầu tư, phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, việc mở rộng các mô hình nuôi cá lồng hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
Lương Tài là một trong những huyện có nhiều hộ nuôi cá lồng, chiếm 1/3 sản lượng cá lồng trên toàn tỉnh với hơn 700 lồng nuôi cá, cho sản lượng mỗi năm đạt 12.000 tấn. Gia đình ông Phạm Văn Bôn, (xã Trung Kênh) là một trong những hộ nuôi cá lồng sớm từ năm 2014. Đến nay gia đình ông có 80 lồng cá, trong đó các loại cá chủ yếu như cá chép, cá điêu hồng, cá trắm cỏ và cá lăng. Với chất lượng nước tốt từ dòng nước sông Thái Bình cùng thời tiết thuận lợi, môi trường nuôi cá tự nhiên, mỗi vụ đạt năng suất khoảng 4 tấn/lồng cá. Sau khi trừ các chi phí mua giống, thức ăn chăn nuôi, nhân công, mỗi năm lãi khoảng 2 tỷ đồng.
Ông Bôn chia sẻ: “Ngay từ khi bắt đầu nuôi cá lồng, tôi tự nghiên cứu, học hỏi, cùng sự hỗ trợ về chuyên môn của Chi cục Thủy sản tỉnh, tôi mạnh dạn đầu tư các lồng cá theo hướng kiên cố, vững chắc. Mô hình nuôi cá lồng trên sông có ưu điểm và hiệu quả hơn hẳn so với nuôi cá truyền thống về chất lượng thịt cá và năng suất mỗi vụ. Đồng thời, vận dụng hiệu quả các kỹ thuật nuôi cá khoa học, kỹ thuật mới, đàn cá ít dịch bệnh, tăng trọng nhanh, phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.
Tại huyện Yên Phong hiện nay có khoảng 110 lồng cá, tập trung vào các loại như cá rô phi đơn tính, chép lai, cá chim trắng, chép ròn… Tuy nhiên, nhiều hộ nuôi cá lồng ở đây đang gặp khó khăn. Ông Nghiêm Xuân Bằng (xã Dũng Liệt), chủ hộ nuôi cá lồng băn khoăn: Thời gian gần đây, nước sông Cầu bị ô nhiễm do rác thải sinh hoạt, rác thải làng nghề và từ các khu công nghiệp, ảnh hưởng đến việc nuôi cá. Quanh khu vực nuôi cá không có biển cắm phao thông báo. Bên cạnh đó, việc lựa chọn nguồn giống tốt, chất lượng đảm bảo, ổn định tại mỗi vụ vẫn đang là “bài toán khó” với các hộ nuôi cá lồng.
Toàn tỉnh có gần 100 hộ nuôi cá lồng với hơn 1.760 lồng, tập trung tại các huyện Lương Tài, Tiên Du, Quế Võ, Thuận Thành, Gia Bình và Yên Phong. Cá lồng được nuôi chủ yếu trên hệ thống sông Đuống, sông Thái Bình và sông Cầu. Các loại cá có giá trị kinh tế cao như cá lăng đen, cá trắm cỏ, cá điêu hồng, cá ngạnh sông, cá trắm cỏ, cá chép, rô phi đơn tính… đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh cũng như các thị trường lớn như Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… Mô hình nuôi cá lồng trên sông cho năng suất cao hơn so với nuôi cá thâm canh trong ao đất, đạt từ 4 đến 6 tấn/lồng/26m2 mặt nước, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trung bình từ 42 đến 60 triệu đồng/lồng nuôi/lứa.
Được cho là một hướng làm kinh tế hiệu quả, phù hợp và mang lại giá trị cao cho người dân, song để phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng, cũng như việc mở rộng quy mô các lồng cá vẫn gặp khó. Một số nguyên nhân được chỉ ra như: do các hộ nuôi chưa nắm bắt đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật về lựa chọn con giống, mật độ nuôi cá thích hợp, cách phòng tránh bệnh thường gặp ở cá lồng; lượng thức ăn dư thừa, chất thải của cá làm ô nhiễm môi trường nước; chưa có biện pháp xử lý cá bị chết làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên diện rộng; tình trạng ô nhiễm nguồn nước trên sông do các tàu thuyền hoạt động, các nhà máy xả thải ven sông và do tình hình mưa lũ thất thường; một số hộ có nhu cầu mở rộng sản xuất lại gặp khó về vốn do chi phí đầu tư ban đầu cho các lồng cá khá cao…
Ông Nguyễn Hữu Trượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá: “Khác với nuôi cá thâm canh ao đất, nuôi cá lồng trên sông đòi hỏi vốn đầu tư cao, hiểu biết về khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và thị trường… Do đó, những chủ hộ có tiềm lực vốn lớn, có năng lực quản lý sản xuất và phân tích thị trường có thế mạnh nuôi cá lồng bền vững, hiệu quả. Hơn nữa, mặc dù có lợi thế nguồn nước tốt nhưng diện tích mặt nước hẹp nên quy mô nuôi lồng cần phù hợp.
Trong thời gian tới, tỉnh chủ trương phát triển, duy trì ổn định khoảng 1.500 lồng cá, tổ chức lớp tập huấn, bổ sung các kiến thức, kỹ thuật nuôi khoa học, các giống cá mới phù hợp… cho các hộ nông dân đảm bảo duy trì ổn định số lượng và chất lượng lồng cá; gắn phát triển nuôi cá lồng với liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu cá lồng trên sông, dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hỗ trợ xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị sản xuất, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Chú trọng quản lý các hoạt động như cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện nuôi cá lồng, quản lý nguồn thức ăn, hóa chất và thuốc phòng trị bệnh, xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tại các vùng nuôi cá lồng tập trung. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ, thông tin thị trường để việc nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, bền vững.