Báo động tình trạng giã cào: Cần xử lý nghiêm
Vụ tàu cá bị tàu giã cào kéo chìm hôm 5.5 càng khiến nhiều ngư dân ở tỉnh Quảng Trị lo lắng và hoang mang khi họ liên tục bị tàu giã cào làm mất lưới, gây nguy hiểm đến tính mạng...
Hiện nay việc quản lý hoạt động của tàu giã cào đang bị buông lỏng. Theo TS Nguyễn Việt Thắng – Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam: “Nghề đánh bắt giã cào từ lâu đã bị hạn chế phát triển vì đánh bắt giã cào không phân loại hải sản, cá lớn cá bé đều bắt tất, nó tận diệt nguồn lợi hải sản. Tuy là loại hình đánh bắt hạn chế phát triển, nhưng trong nhưng năm qua hoạt động đánh bắt của tàu giã cào không được kiểm soát chặt, không có lực lượng chuyên ngành quản lý kiểm soát”.
Ông Thắng chia sẻ: “Trước đây chúng ta có pháp lệnh bảo vệ nguồn lợi, có hẳn Chi cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi ở các địa phương, có lực lượng chuyên ngành đi kiểm tra, họ được phép bắt và phạt trực tiếp những tàu giã cào đánh bắt sai quy định. Lực lượng này làm rất tốt nên không để tàu giã cào không hoành hành như hiện nay. Sau khi Luật Thủy sản ra đời, lực lượng này không còn nữa, bỏ trống kiểm soát khu vực kiểm ngư ven bờ, thay vào đó là thanh tra chuyên ngành nông nghiệp, thủy sản. Lực lượng này mỗi lần đi tuần tra là phải có lệnh, có kế hoạch, tuần tra định kỳ, hơn nữa họ không được phạt trực tiếp trên biển nên cũng rất hạn chế. Lực lượng yếu, mỏng nên không đủ sức để kiểm soát làm ảnh hưởng đến các loại tàu nhỏ đánh bắt ven bờ”.
Cần thành lập Chi cục kiểm ngư
Đề cập đến việc quản lý tàu giã cào hoạt động trên biển, ông Nguyễn Văn Trung – Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết: “Các địa phương đều có đơn vị thanh tra chuyên ngành thủy sản, thuộc Sở NNPTNT họ có tàu tuần tra kiểm tra xử lý các vụ vi phạm do tàu giã cào đánh bắt sai tuyến, vi phạm hoạt động trên biển. Trung ương có lực lượng kiểm ngư phối hợp lực lượng biên phòng, hải quân cùng kiểm tra giám sát hoạt động của tàu cá nói chung và tàu giã cào nói riêng, nếu phát hiện vi phạm, lực lượng này sẽ xử lý ngay”.
Theo ông Nguyễn Văn Trung, trong bối cảnh hiện nay, để hạn chế những hậu quả của tàu giã cào gây ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương cần tăng cường hoạt động tuần tra, đồng thời tuyên truyền giáo dục cho ngư dân nắm được các luồng tuyến mà tàu giã cào được phép hoạt động.
Tuy nhiên lực lượng chuyên ngành tổ chức tuần tra, kiểm tra nhưng khi lực lượng chức năng vừa rời đi thì các tàu giã cào lại tiếp tục khai thác trái phép. Đối với nghề giã cào, ông Trung cho rằng không cấm hoạt động, tuy nhiên cũng chỉ cho đánh từng vùng từng tuyến theo quy định. Chủ trương của Bộ NNPTNT là dừng không cho phát triển thêm các tàu giã cào, tiến tới cấm nghề đánh bắt này, vì đánh bắt giã cào làm tận diệt nguồn lợi thủy sản. Trong bối cảnh hiện nay, để hạn chế những hậu quả của tàu giã cào gây ra, lực lượng thanh tra chuyên ngành địa phương cần tăng cường hoạt động tuần tra, đồng thời tuyên truyền giáo dục cho ngư dân nắm được các luồng tuyến mà tàu giã cào được phép hoạt động.
Đồng tình quan điểm đó, TS Nguyễn Việt Thắng cho rằng: “Địa phương cần tích cực hơn trong việc thanh tra chuyên ngành các loại tàu giã cào. Hiện nay trong thời kỳ đang sửa đổi Luật Thủy sản, chúng ta cần ủng hộ phương án có Chi cục Kiểm ngư tại các tỉnh thành ven biển. Chi cục Kiểm ngư có nhiệm vụ như kiểm ngư trung ương nhưng làm ở gần bờ, ven bờ, lực lượng này được quyền thực thi pháp luật, bảo vệ nguồn lợi bảo vệ ngư dân, ai vi phạm thì xử lý ngay trên biển”.
Không dễ xử lý
Theo ngư dân Nguyễn Văn Việt (trú xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định), đánh bắt giã cào là nghề khai thác tận diệt, được ví như “hung thần” trên biển cả. Bời nghề này, khai thác thủy hải sản ven bờ, dựa trên nguyên lý “lọc nước lấy cá” và kéo sát đáy vùng nước tầng trên khiến các sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, gây cạn kiệt nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, giã cào gây hư hỏng ngư lưới cụ của các ngư dân hành nghề khai thác ven bờ khác. Gần đây, tại vùng ven biển huyện Hoài Nhơn (Bình Định), cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý quyết liệt, nên nghề giã cào hoạt động rất ít.
“Nghề giã cào là nỗi khiếp sợ của ngư dân, hoạt động bằng cách cho 1 tàu (giã cào đơn) hoặc 2 tàu công suất lớn (giã cào đôi) chạy song song và kéo theo một tấm lưới phía dưới gắn thanh sắt nặng nên có thể cào sâu tận đáy. Đặc biệt, mắt lưới của lưới tàu giã cào thường rất nhỏ nên sẽ tận thu hết thảy cá tôm lớn nhỏ, không hải sản nào thoát được. Những nơi tàu giã cào đi qua, ngoài hải sản bị mắc lưới, hệ sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cũng cạn kiệt. Chưa hết, tàu giã cào còn cuốn luôn cả lưới, ngư cụ của ngư dân địa phương đang hành nghề đánh bắt hải sản ở ven biển”- ngư dân Việt cho hay.
Ông Đinh Thành Tiến- Chủ tịch UBND xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định), cho biết, năm 2016, xuất hiện tình trạng tàu giã cào ở Phú Yên ra khai thác tại Bình Định, cách bờ biển xã Cát Khánh khoảng 7km, đã gây ảnh hưởng đến việc mưu sinh của ngư dân. “Sau khi có phản ánh của ngư dân, địa phương đã phối hợp cùng với cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, xử lý. Trong năm nay, vẫn chưa nghe ngư dân phản ánh về tình trạng khai thác giã cào”- ông Tiến thông tin.
Ông Trần Kim Dương- Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NNPTNT Bình Định) cho hay: “Trong thời gian qua, chúng tôi xử lý việc vi phạm nghề đánh bắt giã cào rất ít. 3 năm gần đây, chỉ xử lý được vài trường hợp, không đáng kể. Riêng năm 2017, vẫn chưa xử lý vụ việc nào liên quan đến nghề giã cào. Tuy nhiên, việc xử lý tàu giã cào đang gặp khó khăn, bởi theo quy định thì nghề giã cào không được khai thác ven bờ. Nhưng khi tuần tra gặp phương tiện giã cào, việc xác định khu vực đó, tàu được phép khai thác hay không rất khó... Phương tiện khai thác của nghề này rất thô sơ nên khi bị phát hiện thì tẩu tán rất nhanh”.