TIN THỦY SẢN

Bảo tồn tài nguyên thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ

Rừng ngập mặn Cần Giờ là một quần thể gồm các loài động, thực vật rừng trên cạn và thủy sinh, được hình thành ở hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai – Sài Gòn nằm ở cửa ngõ đông nam TP.HCM, có diện tích 75.740 ha, trong đó vùng lõi 4.721 ha, vùng đệm 41.139 ha và vùng chuyển tiếp 29.880 ha.

Với hệ động thực vật đa dạng, độc đáo, đặc trưng, rừng ngập mặn Cần Giờ đóng vai trò quan trọng trong phòng chống thiên tai, là lá phổi xanh điều hòa thời tiết và cũng là nơi cung cấp nhiều loài thủy hải sản quý giá của khu vực Tây Nam Bộ. Trước đây, rừng ngập mặn Cần Giờ rộng mênh mông, còn có tên là rừng Sác (do người Nam Bộ gọi cây mắm là cây sác). Đây là loài cây ngập mặn sống cùng với các loại cây khác, như sú, vẹt, đước, ô rô, chà là tạo thành một tập đoàn cây ngập mặn. Tập đoàn cây tiên phong lấn biển này thích hợp với những vùng bùn lỏng chưa ổn định ở các bãi bồi cửa sông ven biển. Cây mắm, cây đước đi trước, khi đất bùn được cố định, nước nhạt dần, cây dừa nước phát triển sau cùng trong “đoàn quân lấn biển”.

Vào thế kỷ 17, khi những cư dân Việt đầu tiên vào khai khẩn vùng đất mới Nam Bộ, Cần Giờ có đến 42 ngàn ha rừng nguyên sinh mọc trên hàng trăm gò đất nửa chìm nửa nổi, hoặc chỉ cao hơn mức nước biển một vài mét và hơn 1/4 diện tích vùng Rừng Sác là sông rạch, thế giới động vật rừng Sác thời đó thật khó kiểm đếm hết. Cho đến những năm kháng chiến chống Pháp, ngoài hàng trăm loài chim nước và động vật thủy sinh như tôm, cua, cá, lưỡng cư, nơi đây còn có các loài hổ, khỉ độc, rái nước. Những lúc triều lên, hàng trăm rái nước tập trung trên gò nhỏ. Nhiều người đã chứng kiến những cuộc giao tranh quyết liệt giữa heo rừng và trăn nước, còn loài cá sấu có nhiều vô kể và vẫn được dân địa phương gọi là chúa nước.

Những năm 1962 - 1971, Mỹ tàn phá rừng Sác bằng cách rải chất diệt cỏ, cộng với nạn phá rừng bừa bãi nên các cánh rừng bị hủy diệt, biến nhiều vùng thành các bãi hoang, trảng trống, cây lùm bụi, các loại động vật rừng ngập mặn như chim, tôm, cá cũng biến mất. Năm 1985, nhân dân Cần Giờ và bộ đội quyết tâm trồng lại rừng, hàng chục ha rừng Sác hồi sinh, có đến 60 loài thực vật xuất hiện trở lại, nhiều nhất là cây đước, hàng chục loài chim nước bay về trú chân, trong đó có bồ nông, cò quắm, sếu, diệc, hồng hộc, le le.

Sau 30 năm khôi phục, rừng Sác giờ đây được gọi là rừng ngập mặn Cần Giờ đã phục hồi được trên 30.491 ha rừng, biến khu đất hoang hóa trơ trọi năm xưa thành cánh rừng bạt ngàn xanh tốt, tạo nên cảnh quan tươi đẹp và môi trường sống thuận lợi cho nhiều loài động vật phát triển. Rừng ngập mặn Cần Giờ được các chuyên gia nước ngoài đánh giá cao về công tác trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ở Việt Nam và trên thế giới. Các nhà khoa học lâm nghiệp khôi phục hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ trở về trạng thái tự nhiên đã được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh vào năm 2005.

Rừng ngập mặn Cần Giờ có vị trí địa lý rất đặc biệt, với hệ sinh thái đất ngập nước ven biển, rừng ngập mặn vừa bị tác động của sông và biển. Hàng năm rừng ngập mặn nhận một lượng lớn phù sa từ sông Đồng Nai, cùng với ảnh hưởng của biển kế cận và các đợt thủy triều làm cho hệ động, thực vật nơi đây rất phong phú và đa dạng. Các loại cây trong rừng trở thành nguồn cung cấp thức ăn và nơi trú ngụ cho rất nhiều loài thủy sinh, cá và các động vật có xương sống khác.

Rừng ngập mặn Cần Giờ có 157 loài thực vật thuộc 76 họ, khu hệ động vật không xương sống, thủy sinh có 70 loài thuộc 44 họ (chủ yếu là các loài cua biển, tôm sú, tôm thẻ bạc, sò huyết…); khu hệ cá có 137 loài thuộc 39 họ (với các loài cá: ngát, bông lau, dứa…); khu hệ chim có 130 loài, 47 họ, 17 bộ (bồ nông chân xám, diệc xám, vạc, già đẫy, giang sen…); khu hệ thú có 19 loài, 13 họ, 7 bộ (mèo rừng, khỉ đuôi dài, cầy vòi đốm, nhím…); khu hệ lưỡng thê, bò sát có 9 loài lưỡng thê, 31 loài bò sát (kỳ đà nước, hổ mang chúa, trăn gấm, cá sấu hoa cà…). Đặc biệt 11 loài bò sát có tên trong sách đỏ Việt Nam như tắc kè, kỳ đà nước, trăn đất, trăn gấm, rắn cạp nong, rắn hổ mang, rắn hổ chúa, vích, cá sấu hoa cà. Ngoài ra rừng có nhiều loại cây, chủ yếu là bần trắng, mấm trắng, các quần hợp đước đôi - bần trắng cùng xu ổi, trang, đưng; cây nước lợ có bần chua, ô rô, dừa lá, ráng; đất canh tác nông nghiệp có lúa, khoai mỡ, các loại đậu, dừa, các loại cây ăn quả.

Hiện nay, tình trạng khai thác quá mức nguồn nguyên thiên nhiên đang là những nguy cơ đe dọa hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Bên cạnh đó, việc quy hoạch sử dụng đất chưa hợp lý như các công trình lấn biển làm bãi tắm và du lịch. Vì vậy, để giúp cộng đồng địa phương bảo vệ nguồn tài nguyên, trước hết cần hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và quy hoạch chi tiết các dạng tài nguyên đất đai, sông rạch, rừng ngập mặn, động thực vật, khu du lịch, giao thông… Thực hiện thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục về bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nghiên cứu sinh kế cộng đồng cho cư dân quanh vùng đệm bằng việc khảo sát các đối tượng sống xung quanh; đào tạo kỹ năng làm việc cộng đồng, liên kết các trường dạy nghề đào tạo nghề du lịch và nấu ăn, cùng với các công ty du lịch để triển khai dịch vụ du lịch sinh thái. Thiết lập các chốt bảo vệ rừng ở nơi xung yếu và tất cả các tiểu khu, tạo lập mối quan hệ giữa các lực lượng bảo vệ rừng và nhân dân quanh vùng đệm. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương huyện, xã, các lực lượng vũ trang trên địa bàn để tổ chức cùng tham gia quản lý bảo vệ rừng, làm tốt công tác khuyến lâm, tạo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động qua trồng rừng…

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tuổi Trẻ, 11/06/2014