TIN THỦY SẢN

Bấp bênh những mảnh đời “vật lộn” trên biển

Bữa cơm trên tàu cá của các ngư phủ tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Ảnh: P.Đ Phạm Đoàn

Thời điểm này đang là mùa ra khơi đầu năm nên nhu cầu tuyển ngư phủ ở Bạc Liêu rất lớn. Thế nhưng, do lao động vất vả mà đời sống bấp bênh nên không ít người không còn tha thiết với nghề biển. Hàng ngày, hàng giờ họ phải “vật lộn” giữa biển khơi để mưu sinh, nhưng cái nghèo vẫn đeo đẳng.

Nhảy biển... quỵt tiền

Với các chủ tàu làm nghề đánh bắt xa bờ nhiều năm ở Bạc Liêu thì chuyện những tháng đầu năm chạy đôn chạy đáo tìm ngư phủ cho những chuyến ra khơi không còn là chuyện lạ. Nguyên nhân là lao động biển thiếu hụt và luôn trong tình trạng không có nguồn ổn định. Ông Mai Thành Học (ấp 1, thị trấn Gành Hào, huyện Đông Hải) cho biết: “Đóng mới tàu thì dễ nhưng để thuê mướn được một đội ngũ ngư phủ giỏi thì lại rất khó. Thời điểm này là vào đầu vụ đánh bắt nên các chủ ghe ở đây rất cần lao động đi biển”. Được biết, toàn tỉnh có hơn 7.000 lao động làm nghề biển (bao gồm cả lao động địa phương và ngoài tỉnh). Mặc dù số lao động này nhiều nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu phát triển của ngư trường trong tỉnh.

Do nhu cầu về lao động làm nghề biển cao nên từ đây cũng đã xảy ra nhiều chuyện không hay. Bà Nguyễn Thị Đào, một chủ ghe tại thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) nói: “Phổ biến nhất hiện nay là tình trạng người đi biển mượn tiền của chủ ghe, nhưng đến ngày xuất hành ra khơi thì bỏ trốn. Thậm chí có trường hợp sau khi ghe xuất hành ra khỏi cửa biển thì lao động nhảy xuống biển trốn vào bờ, bất chấp nguy hiểm đến tính mạng... Điều mà các chủ ghe cần hiện nay là có những điểm đầu mối tập trung lao động đi biển để tránh cảnh tranh giành lao động, hoặc mạnh ai nấy thuê mướn để rồi tiền mất mà người cũng bặt tăm”.

Ăn cơm... cùng sóng dữ

Giữa cơn “sốt” lao động nghề đi biển tưởng rằng đời sống ngư dân sẽ được cải thiện, thế nhưng nhiều người lại không tha thiết với nghề. Nguyên nhân chính là vì “làm thuê kiếm sống chưa bao giờ là sung sướng và làm thuê trên biển thì càng gian khổ hơn”, đó là lời tâm sự của nhiều ngư dân đã sống và gắn bó gần cả đời với nghề đi biển ở thị trấn Gành Hào.

Thật vậy, những ai có dịp lênh đênh cùng tàu cá đánh bắt xa bờ mới cảm nhận được sự gian nan của nghề biển. Anh Bùi Văn Hào (một ngư dân đi biển ở thị trấn Gành Hào) cho biết: “Một ngày của ngư phủ thường phải dậy sớm để chuẩn bị đánh bắt, làm việc cả buổi trưa và đôi khi phải thức thật khuya, hứng chịu cái lạnh của những cơn mưa về đêm. Đôi khi gặp sóng to, gió lớn, ăn được bữa cơm cũng là chuyện không dễ dàng. Vất vả là thế nhưng trung bình một ngày trên biển chỉ kiếm được từ 300 - 500 ngàn đồng. Đa số đều “ăn trước trả sau”. Nói tóm lại, làm ngư phủ vừa nguy hiểm vừa gặp nhiều khó khăn, và cuối cùng thì cũng tay trắng hoàn trắng tay”. Cái vòng luẩn quẩn này cứ lặp đi lặp lại từ năm này qua năm khác, gánh nặng “chén cơm manh áo” cứ thế đè lên vai ngư phủ làm thuê…

Ông Cái Hoàng Bảo - Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Đông Hải, cho rằng: “Vấn đề cấp thiết hiện nay là cần có những tổ hợp tác, hợp tác xã làm dịch vụ chuyên cung cấp lao động cho các tàu cá. Qua đó góp phần giải quyết việc làm ổn định cho lao động biển. Đồng thời, tránh được tình trạng sử dụng lao động trái phép, nạn cò mồi lao động. Ngoài ra, về lâu dài việc đào tạo nghề cho lao động biển cũng rất cần thiết, vì trong tương lai nghề biển cần những ngư phủ giỏi, làm chủ được phương tiện tàu thuyền hiện đại”.

Phạm Đoàn Báo Bạc Liêu, 04/03/2016