Bệnh thối mang trên cá điêu hồng
Bệnh thối mang trên cá điêu hồng khiến cá chết hàng loạt, làm ảnh hưởng đến sản lượng nuôi trồng và gây thất thoát không nhỏ cho bà con nông dân.
Bệnh thối mang là gì?
Bệnh thối mang hay còn gọi là bệnh mang đóng bùn, thường gặp ở nhiều loài cá nước ngọt như cá trắm cỏ, cá chép, mè hoa,...và cá có trọng lượng từ 100g trở lên, với tỷ lệ gây thiệt hại cho người nuôi từ 50 – 70%.
Bệnh xuất hiện vào mùa xuân, đầu hè, mùa thu, thích hợp ở nhiệt độ nước 25-35ºC ở cá nuôi lồng, cá nuôi ao có nhiều mùn bã hữu cơ, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước thấp,..
Nguyên nhân gây bệnh thối mang trên cá điêu hồng
Tác nhân gây bệnh thối mang là vi khuẩn dạng sợi Myxococcus piscicolas (thuộc họ Myxococcaceae). Đây là loại vi khuẩn bắt màu Gram âm, có hình sợi, mềm dễ uốn cong, có hai đầu tròn. Hình dáng đa dạng, có lúc thành nửa vòng tròn và có khi lại là hình chữ U.
Chúng sinh trưởng nhanh trên mặt môi trường đặc, phát triển tốt ở môi trường có pH từ 6,5 - 7,5. Ở nhiệt độ 18 ºC, chúng phát triển chậm nhưng độc tính mạnh, 25 ºC độc tính mạnh và sinh trưởng tốt, 40 ºC tốc độ sinh trưởng và độc tính yếu dần, ở 4ºC vi khuẩn không sinh trưởng.
Dấu hiệu nhận biết
Khi trên cá mắc bệnh sẽ có biểu hiện bơi tách đàn, chậm chạp trên mặt nước, bắt mồi giảm hoặc không bắt mồi.
Da cá chuyển dần sang màu đen, mang rách nát, thối rữa và dính đầy bùn.
Bề mặt xương nắp mang xuất huyết, ăn mòn có hình dạng không bình thường.
Trên các tơ mang thối nát dính đầy bùn.
Ở cá thể nhiễm bệnh nặng, cơ quan nội tạng dính với màng trong khoang bụng của cá và xuất hiện các tơ huyết trong màng ở khoang bụng.
Phòng và trị bệnh thối mang trên cá điêu hồng
Khi phát hiện bệnh, cần tiến hành loại bỏ cá yếu, bệnh ra khỏi khu vực nuôi.
Sử dụng các loại thuốc sát trùng BKC hoặc Benkocid với lượng thích hợp để diệt khuẩn ao nuôi, lưu ý không xử lý nước nuôi cá bằng vôi.
Sau khi ngừng sử dụng kháng sinh khoảng 3 – 5 ngày, cần cân bằng sinh thái ao nuôi bằng cách dùng chế phẩm vi sinh có lợi.
Điều trị bằng kháng sinh Doxycyline (3g) kết hợp Amoxcyline (2g) cho 1kg thức ăn và cho ăn trong 7 – 10 ngày để diệt mầm bệnh bên trong.
Trước mỗi vụ nuôi cần vệ sinh sạch, khử trùng ao nuôi bằng cách sử dụng vôi bột, diệt tạp và khử trùng các dụng cụ nuôi trong các dung dịch sát trùng.
Treo các túi thuốc sát trùng ở các góc bè, đầu dòng chảy để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.
Trước mùa dịch bệnh hoặc khi thời tiết chuyển giao mùa nên trộn vitamin C 30mg/1 kg trọng lượng cá/ngày.
Bảo đảm con giống chất lượng
Cần chú trọng trong khâu chọn giống, có nguồn gốc tại các cơ sở uy tín, chất lượng tốt.
Cá giống trước khi đưa vào ao nuôi cần được thông qua kiểm tra và xác định không nhiễm mầm bệnh.
Thực hiện tốt các kỹ thuật thả cá, lựa chọn thời điểm thả thích hợp (vào sáng sớm hoặc chiều mát, hàm lượng ôxy trong nước nhiều).
Quản lý quy trình cho cá ăn
Cho cá ăn đúng giờ với liều lượng hợp lí, tránh cho ăn quá mắc gây dư thừa thức ăn sẽ dễ gây ô nhiễm môi trường nuôi và làm gia tăng chi phí sản xuất.
Không nên sử dụng thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng thấp hơn nhu cầu của cá.
Chất lượng không đảm bảo làm cá gầy, yếu, sức đề kháng kém, kéo dài thời gian nuôi và cho năng suất thấp, để kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn có thể thực hiện sàng ăn đối với nuôi ao.
Trong khẩu phần ăn, nên bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin C, khoáng chất để gia tăng đề kháng, tạo hệ vi sinh có lợi cho đường ruột giúp cá tiêu hóa tốt hơn, chống sốc cho cá khi gặp các thay đổi của điều kiện môi trường.
Thường xuyên theo dõi, kiễm tra sức khỏe cho cá, trường hợp phát hiện bất thường có thể áp dụng các biện pháp xử lí kịp thời.