Biến đổi khí hậu tác động lên nuôi trồng thủy sản ở các đảo Thái Bình Dương
Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu và Phát triển tại Pháp (Institut de Reserche pour le Developpement-IRD), tính bền vững của khu vực đánh cá ở Nam Thái Bình Dương có thể bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu.
Viễn cảnh trong tương lai
Một số đảo ở Nam Thái Bình Dương có thể phải chuyển sang khai thác và nuôi trồng thủy sản nước ngọt nếu vùng đánh bắt truyền thống bị suy giảm nguồn lợi. IRD cho biết, do nằm giữa đại dương nên các đảo Thái Bình Dương chủ yếu dựa vào đánh bắt cá phục vụ mục đích kinh tế và an ninh lương thực. Tuy nhiên, do khí hậu toàn cầu nóng lên nên nguồn lợi thủy sản có thể bị giảm trong những năm tới.
Các nhà khoa học đã nghiên cứu phản ứng của sinh khối cá đối với biến đổi khí hậu ở Thái Bình Dương theo dự báo của Hội đồng Liên minh Chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC).
Nghiên cứu của IRD, do Ban Thư ký của Cộng đồng Thái Bình Dương và các đối tác như Pháp, Úc và Mỹ hỗ trợ, đã chỉ ra rằng việc khai thác cá ngừ vằn, vốn chiếm 90% sản lượng khai thác sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo tính toán, việc nhiệt độ nước bề mặt gia tăng ở phía Tây Đại dương sẽ khiến đàn cá ngừ di cư về phía Đông Polynesia. Vì vậy, các khu vực đánh bắt sẽ phải di chuyển ra khỏi khu vực bờ biển Melanesian, quần đảo Salomon và Papua New Guinea. Sự mất mát nguồn lợi cá ngừ trong vùng lãnh hải của các quốc gia này sẽ gây thiệt hại nặng về kinh tế bởi việc khai thác cá mang lại nguồn thu quan trọng cho các quốc đảo nhỏ bé này.
Dọc theo các bờ biển, những loài cá sống trong rạn san hô cũng bị đe dọa bởi nước biển ấm lên sẽ làm cho nhiều rạn san hô bị chết. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng dân số ở hòn đảo này cũng sẽ gây nhiều áp lực lên các hệ sinh thái san hô thông qua việc khai thác, gây thiệt hại và ô nhiễm.
Cũng theo báo cáo, tỷ lệ phục hồi các rạn san hô ở Thái Bình Dương sẽ giảm từ 40% hiện nay xuống còn 10-20% vào năm 2050 và số lượng cá rạn san hô, một nguồn tài nguyên cần thiết cho ngư dân địa phương cũng giảm xuống còn 20%.
Giải pháp
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng cho rằng một số đảo ở Thái Bình Dương có thể chuyển sang khai thác và nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Dự kiến, lượng mưa tăng sẽ làm bề mặt của hồ và các dòng sông tăng khoảng 10% vào năm 2050 sẽ hỗ trợ phát triển nghề cá nước ngọt. Đây cũng là lĩnh vực mà các nhà khoa học đang khuyến khích phát triển.
Đối với sự thiếu hụt nguồn cá, các nhà khoa học đang kêu gọi Chính phủ tạo điều kiện để ngư dân địa phương có thể tiếp cận nguồn lợi cá ngừ, như: sử dụng chà và phao thu hút cá dọc theo các bờ biển. Ngoài ra, có thể khai thác các loài cá khác như: cá thu, cá cơm và cá sác đin (sardine).
Giảm thiểu rủi ro bằng cách bảo tồn các rạn san hô và tối đa hóa cơ hội là một thách thức mà các cơ quan công quyền của các quốc gia nhỏ ở Thái Bình Dương sẽ phải đối mặt trong những thập kỷ tới để đối phó với biến đổi khí hậu cùng với nhu cầu tiêu dùng hải sản ngày càng tăng.