Bình Định: Mở lớp đào tạo nghề theo xu hướng nuôi tôm công nghệ và chuẩn quy trình
Tại tỉnh Bình Định, nhiều hộ dân nuôi tôm thâm canh đã dần chuyển đổi từ hình thức nuôi truyền thống sang nuôi tôm theo hướng công nghệ cao. Tính đến tháng 4 năm 2022, diện tích thả tôm trên toàn tỉnh đạt 1.728,2 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghệ cao là 29,5 ha chiếm 1,7% diện tích nuôi tôm
Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp Bình Định (Sở Lao động thương binh và xã hội) đã Khai giảng lớp đào tạo nghề Nuôi tôm thẻ chân trắng cho 35 học viên là nông dân tại xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước.
Đối tượng tham gia lớp học là các hộ dân nuôi trồng thủy sản trên địa bàn xã. Các học viên tham gia lớp dạy nghề sẽ được các giảng viên hướng dẫn về kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng trong vòng 02 tháng (dự kiến từ tháng 6 đến tháng 8 năm 2022) bao gồm học lý thuyết kết hợp với thực hành nhằm giúp cho các học viên nắm vững kiến thức và thực hành thành thục sau khóa học.
Ông Hiếu, người có kinh nghiệm hơn 10 năm nuôi tôm ở địa phương cho biết: Về kinh nghiệm nuôi tôm tuy bản thân có thời gian tích lũy, nhưng để có sự trao đổi, kết nối với những chuyên gia, giảng viên lớp học cũng như những hộ nuôi tôm khác thì bản thân chưa có nhiều. Vì vậy, thông qua lớp học, ông mong muốn tất cả học viên nên sắp xếp thời gian phù hợp, tham gia đầy đủ khóa học, giúp nâng cao tay nghề cũng như có sự trao đổi kinh nghiệm thực tế, cùng giúp nhau phát triển kinh tế từ những mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng.
Phát biểu tại Lễ khai giảng lớp học, ông Trần Hữu Hiệu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp cho biết: với chức năng, nhiệm vụ hỗ trợ, tư vấn và đào tạo nghề cho nông dân, Trung tâm thường xuyên tham khảo nhu cầu, nguyện vọng của nông dân về những chủ đề, lĩnh vực cần học tập, nâng cao kiến thức, qua đó áp dụng tốt vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế hộ gia đình. Đây cũng chính là tiền đề để khai giảng lớp dạy nghề. Đặc thù của các học viên đều là những hộ nuôi tôm thường nhật, nên thời gian chủ yếu dành cho việc quản lý chăm sóc ao nuôi của gia đình.
Do đó, Ban tổ chức và giảng viên lớp học sẽ chủ động và linh hoạt sắp xếp thời gian giảng dạy, trao đổi kiến thức với học viên phù hợp nhất. Địa điểm học sẽ vận dụng thực tế tại các ao nuôi tôm hiệu quả trên địa bàn, để học viên có thể vận dụng tốt lý thuyết vào thực tiễn. Mong rằng, sau thời gian 02 tháng tham gia lớp học, tất cả học viên đều nắm vững được kiến thức chuyên môn một cách khoa học và hiệu quả, góp phần phát triển, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho hộ gia đình, đồng thời chung tay góp phần phát triển kinh tế của địa phương.