TIN THỦY SẢN

Bình Định: Tạm ngưng đóng mới tàu cá

Đóng mới tàu cá vỏ gỗ tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn). Đoàn Ngọc Thuận

Hướng đến phát triển nghề biển bền vững, từ năm 2019, tỉnh Bình Ðịnh tạm ngưng cấp phép đóng mới tàu cá, giữ ổn định số tàu hiện có, giảm dần số lượng tàu cá ven bờ theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản.

Cơ sở đóng tàu gặp khó

Toàn tỉnh hiện có 8 cơ sở đóng mới, sửa chữa tàu cá được cấp phép. Việc tỉnh ta tạm ngưng cấp phép đóng mới tàu cá khiến nhiều cơ sở đóng tàu gặp khó. Trung bình mỗi năm các cơ sở này đóng mới khoảng 200 - 300 tàu, với 99% là tàu vỏ gỗ.

Ông Lê Văn An, Giám đốc Công ty TNHH Thành An (TP Quy Nhơn), cho biết: “Trước đây mỗi năm chúng tôi đóng mới 10 - 15 tàu cá vỏ gỗ. Vài năm trở lại đây, giảm còn 5 - 7 tàu. Năm nay, sau khi đóng xong 2 tàu vỏ gỗ được cấp phép năm ngoái, chúng tôi chỉ làm dịch vụ sửa chữa vì không còn được đóng mới; thợ đóng tàu buộc phải đi tìm việc khác”.

Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (thuộc Công ty CP Thủy sản Hoài Nhơn) trung bình mỗi năm đóng mới hơn 100 tàu cá vỏ gỗ, nhưng năm 2019 chỉ đóng 35 tàu đã được cấp phép từ năm trước. Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, những năm gần đây, nhu cầu đóng mới tàu cá của ngư dân ít dần. Nay thêm việc tỉnh cấm đóng mới, doanh thu của đơn vị giảm mạnh. Đơn vị chỉ còn làm dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng tàu cá vỏ gỗ, tàu vỏ thép. “Khó khăn thì tìm hướng khắc phục để phát triển chứ xu hướng phát triển hiện đại, bền vững là không thể đảo ngược”, ông Hiếu nhìn nhận.

Đang trông coi con tàu vỏ gỗ của gia đình đóng mới tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, ngư dân Lâm Công Đệ, ở xã Tam Quan Bắc trình bày: “Tôi đề nghị Nhà nước xem xét cấp phép cho tàu dưới 15 m nhưng lâu nay đã hoạt động ổn định tại vùng khơi tiếp tục được hành nghề; hoặc mở lối để ngư dân cải hoán, đóng tàu mới để tiếp tục làm nghề. Tàu cá dù là dưới 15 m nhưng vẫn là một tài sản rất lớn, vay ngân hàng tiền tỷ mới có mà đóng, 5 - 10 năm sau may ra mới trả hết nợ. Nhà nước ban hành chính sách mới cũng nên tính toán đến lợi ích của ngư dân. Ví dụ năm nay ra lệnh tàu dưới 15 m không được hoạt động ở vùng khơi, thì phải có thông báo từ vài năm trước để ngư dân còn biết mà định liệu kế hoạch đầu tư. Ban hành chính sách năm trước, sang năm sau đã cấm thì ngư dân trở tay không kịp”.

Khó cũng phải thực hiện

Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), khi có tàu cá bị chìm hoặc xả bản, nếu chủ tàu đó không làm nghề nữa thì ngành Thủy sản sẽ xem xét, lựa chọn để cấp phép cho ngư dân khác đóng mới tàu cá theo số hạn ngạch dư ra. Đối với các tàu cá được phê duyệt theo chính sách Nghị định 67, Nghị định 17 thì vẫn tiếp tục được đóng mới. Chi cục đã tham mưu Sở NN&PTNT, UBND tỉnh ban hành Quy định tiêu chí đặc thù và quy trình xét duyệt hồ sơ đề nghị cấp văn bản chấp thuận đóng mới, cải hoán, thuê, mua tàu cá trên biển, tàu cá hoạt động trong vùng nước nội địa tỉnh nhằm quản lý, giữ ổn định số lượng tàu cá trong tỉnh.

Được biết, việc tạm ngưng cấp phép đóng mới tàu cá được thực hiện theo hạn ngạch giấy phép khai thác thủy sản đã công bố với số lượng tàu hiện có được thống kê nhằm từng bước hiện đại hóa nghề cá, phát triển bền vững hơn. Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT cấp bổ sung hạn ngạch cho 723 tàu cá của ngư dân trong tỉnh đang hoạt động tại vùng khơi nhưng có chiều dài dưới 15 m để cải hoán, đóng mới. Sau khi Bộ NN&PTNT cấp bổ sung hạn ngạch thì Sở sẽ rà soát lại tàu thuyền để cấp phép cho ngư dân tiếp tục cải hoán, đóng mới tàu cá, nhưng việc đóng mới chỉ nhằm thay thế tàu cũ theo số hạn ngạch được cấp chứ không phải phát triển thêm số lượng tàu. Việc tạm ngưng đóng mới tàu cá sẽ ảnh hưởng nhiều đến các cơ sở đóng tàu, nhưng dù có gặp khó khăn thì các cơ sở này cũng phải thực hiện vì đây là quy định của Nhà nước.

Đoàn Ngọc Thuận Báo Bình Đinh