TIN THỦY SẢN

Bình Định thực hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả

Các mô hình nuôi trồng thủy sản góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: NT NT

Trong năm 2023 Trung tâm Khuyến nông tập trung triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng đa dạng hóa các đối tượng nuôi, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị sản phẩm, gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị đã góp phần hạn chế rủi ro bệnh dịch, cải thiện môi trường sinh thái vùng nuôi, tạo ra các sản phẩm an toàn sinh học, nâng cao giá trị kinh tế, đem lại thu nhập ổn định và bền vững cho người nuôi.

Trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm xây dựng thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong lồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm. Anh Bùi Văn Nhị (xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh) được hỗ trợ 50% kinh phí giống, thức ăn và các vật tư thiết yếu, anh thả 5.000 con giống thát lát cườm cỡ 6 – 10 cm/con, sau 8 tháng thả nuôi, ước tính còn lại khoảng 4.250 con cá thương phẩm với kích cỡ trung bình 450 gam/con, ước lãi khoảng 40 triệu đồng. So với các giống cá hiện đang nuôi tại hồ Định Bình, đây là giống cá có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, cá lớn nhanh và chống chịu được bệnh tốt.  

Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cho hay: Trong những năm qua, Trung tâm đã phối hợp triển khai nhiều mô hình nuôi cá nướt ngọt thương phẩm như cá thát lát cườm, cá chình, cá rô đầu vuông,… đã đem lại thu nhập ổn định, nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh đó, Trung tâm đã hỗ trợ các hộ dân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với giá cả hợp lý, tạo đầu ra ổn định, giúp các hộ dân yên tâm trong việc phát triển nghề nuôi cá. 

Tại các huyện Phù Cát và Tuy Phước, tận dụng hệ thống các ao nuôi có cây ngập mặn, Trung tâm triển khai thực hiện mô hình nuôi ghép tổng hợp tôm, cua, cá trong ao sinh thái cây ngập mặn nước lợ góp phần tạo ra một hình thức nuôi mang lại hiệu quả kinh tế, giảm thiểu đáng kể lượng chất thải từ hoạt động nuôi tôm ra môi trường xung quanh, hạn chế dịch bệnh và ô nhiễm môi trường, phát triển nghề nuôi đa đối tượng bền vững, thân thiện với môi trường. 

Trung tâm xây dựng thực hiện mô hình nuôi cá thát lát cườm thương phẩm trong lồng gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm

Ông Nguyễn Thanh Hổ, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh, huyện Phù Cát, cho biết: Đây là mô hình nuôi tương đối đơn giản, phù hợp với điều kiện ao nuôi tại địa phương, thu nhập mang lại không cao bằng so với nuôi tôm thâm canh nhưng ổn định, bền vững và ít bị ô nhiễm môi trường ao nuôi hơn. Sau khoảng 5 tháng nuôi có thể tiến hành thu hoạch tôm, cua, cá (tôm sú 20 g/con, cua xanh 250 g/con, cá chua 400 g/con), ước tính lợi nhuận cho một vụ nuôi có thể lên đến 200 triệu đồng/ha. 

Với mô hình nuôi cá chình thương phẩm, Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện tại xã quanh khu vực đầm Trà Ổ như xã Mỹ Đức, Mỹ Châu và Mỹ Thắng với diện tích 500 m2/ao nuôi. Mô hình triển khai tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đem lại thu nhập ổn định cho người nuôi, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đáp ứng nhu cầu cá chình thương phẩm ngày càng cao của thị trường. 

Anh Võ Thành Phúc tại xóm Cù Lao, thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, cho hay: Khi được Trung tâm Khuyến nông 50% kinh phí về con giống, thức ăn, men vi sinh và các vật tư thiết thiết để triển khai mô hình, tôi mạnh dạn 500 con giống cá chình kích cỡ đồng đều từ 100 gam/con trở lên. Sau 9 tháng nuôi, anh ước tính còn lại khoảng 465 con, trọng lượng trung bình 0,82 kg/con, tổng sản lượng cá chình là 381 kg. Tương tự, tại thôn Hòa Tân, xã Mỹ Đức, ông Phan Văn Cu thả 500 con giống cá chình, sau 9 tháng thả nuôi, cá lớn nhanh, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh, tỷ lệ sống cao đạt 91%, trọng lượng cá trung bình đạt 0,8 kg/con, ước tính sản lượng 364 kg/500 m2 ao nuôi.  

Mô hình nuôi cá chình triển khai tạo ra sản phẩm có giá trị cao

Ông Đào Duy Nguyên, Chủ tịch UBND xã Mỹ Đức, chia sẻ: nguồn giống cá chình có sẵn tại địa phương được các hộ dân vớt, thu mua về ương dưỡng, thuần hóa, thích nghi với các yếu tố môi trường sinh thái, nên việc nuôi thương phẩm cá chình khá phù hợp cho bà con. Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ chỉ đạo các hội đoàn thể tổ chức tập huấn, thông tin, tuyên truyền, vận động bà con nông dân tham quan, học tập để từng bước nhân rộng mô hình này trên địa bàn xã. 

Theo Thạc sỹ Lê Tấn Phát, Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông), cho biết: Trong những năm qua, Trung tâm Khuyến nông tập trung xây dựng các mô hình khuyến ngư theo đúng chủ trương, định hướng của ngành và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Nhờ vậy, các mô hình triển khai hạn chế được rủi ro do dịch bệnh gây ra, năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trước đây, sản phẩm an toàn, giá trị được nâng cao, nghề nuôi trồng thủy sản ngày càng ổn định và bền vững hơn.

NT