Bình Thuận: Tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Bình Thuận có bờ biển dài 192 km, ngư trường rộng lớn hơn 52.000 km², là địa phương có nguồn lợi thủy sản dồi dào, thuận lợi cho việc phát triển kinh tế biển. Hàng năm, tỉnh Bình Thuận có hàng nghìn lượt tàu, thuyền hành nghề lặn hải đặc sản, tập trung nhiều nhất là tại vùng biển huyện Tuy Phong, đảo Phú Quý và thị xã Lagi.
Hàng năm, sản lượng khai thác sò lông tại Bình Thuận gần 2.000 tấn, chiếm hơn 10% tổng sản lượng khai thác hải đặc sản trên vùng biển Bình Thuận. Tuy nhiên, việc đánh bắt quá mức trong thời gian gần đây đang khiến trữ lượng thủy sản ở vùng biển Bình Thuận giảm sút. Vì thế, UBND tỉnh Bình Thuận, các ngành chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn, nhằm khôi phục nguồn lợi thủy sản của tỉnh.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Bình Thuận đã ban hành văn bản cấm tất cả hoạt động khai thác các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ và các loại ốc trên toàn vùng biển Bình Thuận trong thời gian từ ngày 1/4 đến hết ngày 31/7. Đây là thời gian sinh sản của các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ, nếu khai thác thì nguồn lợi hải sản này sẽ cạn kiệt. Song song đó, từ ngày 1/3 đến ngày 30/9 hằng năm, tỉnh cũng cấm nghề bẫy bắt tôm hùm con tại vùng biển Bình Thuận. Ngư dân phải tháo dỡ toàn bộ ngư cụ dùng để bẫy tôm hùm con đã giăng mắc cố định trong thời gian được phép đánh bắt. Hiện nay, UBND thành phố Phan Thiết đang xây dựng lộ trình cấm hoàn toàn việc bẫy tôm hùm con.
Bình Thuận cũng đang triển khai Dự án xây dựng mô hình quản lý cộng đồng về bảo vệ, tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lợi điệp quạt tại vùng biển ven bờ xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Dự án được triển khai từ năm 2013 đến 2015 tại vùng biển Phước Thể trên diện tích 2.628 ha mặt nước biển, với mục tiêu chính là khai thác bền vững nguồn điệp quạt tự nhiên, đồng thời đảm bảo phân phối hài hòa quyền lợi giữa các đối tượng sử dụng, nâng cao thu nhập và đời sống của ngư dân thông qua phương thức đồng quản lý. Từ mật độ 1 con điệp quạt/100m² của năm 2013, đến năm 2016 mật độ điệp quạt đã tăng 136 con/100m². Cùng với việc bảo vệ, phát triển điệp quạt, các loại thủy sản khác cũng theo đó được bảo vệ và phục hồi, một số loài đã bắt đầu xuất hiện trở lại sau thời gian biến mất như: cá rủ rĩ, cá gáy, mú, tu hài, sò lông…, một số rạn san hô bị phá hủy đã bắt đầu sinh sôi trở lại, đáy biển và hệ sinh thái ổn định hơn do không còn tình trạng hoạt động của nghề lưới kéo và chất nổ. Dự án cũng giúp thu nhập các nghề của ngư dân tăng lên, nhất là nghề lặn hải đặc sản tăng khoảng 125-175%, nghề lưới mùng tăng khoảng 50-167%, ngư dân đã quan tâm và ý thức hơn về vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Về quản lý hoạt động khai thác thủy sản, toàn tỉnh Bình Thuận có hơn 7.400 tàu cá, số tàu thuyền làm nghề lưới kéo (còn gọi là giã cào) chiếm tỷ lệ khá cao với hơn 1.000 chiếc. Sự phát triển của nghề lưới kéo và các hoạt động khai thác hải sản bằng lưới kéo không đúng tuyến theo quy định thời gian qua đã tác động xấu đến nguồn lợi, môi trường đáy biển và ảnh hưởng đến các nghề khác hoạt động ven bờ. Trước tình trạng đó, đầu năm 2016, tỉnh Bình Thuận đã ban hành quy định về quản lý hoạt động khai thác của nghề lưới kéo trên vùng biển Bình Thuận. Theo đó, từ ngày 1/4 đến ngày 31/7 hằng năm sẽ cấm nghề lưới kéo có công suất lớn hơn 150 CV/chiếc khai thác thủy sản trên vùng biển Bình Thuận; đồng thời cấm đóng mới phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo bao gồm cả lưới kéo đơn và lưới kéo đôi, không cho phép tàu cá đang hoạt động nghề khác chuyển sang nghề lưới kéo, không cấp mới giấy phép khai thác thủy sản nghề lưới kéo; chỉ cho phép đóng mới thay thế tàu cũ nhằm giữ nguyên cường lực khai thác của nghề lưới kéo.
Để quản lý hiệu quả việc khai thác thủy sản cũng như tăng cường tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác thủy sản trên vùng biển của tỉnh theo đúng quy định; quản lý hoạt động đóng mới tàu cá và cấp giấy phép khai thác thủy sản cho nghề lưới kéo đúng quy định; đẩy mạnh phối hợp với Bộ đội biên phòng quản lý nghề lưới kéo, khai thác bằng chất nổ; kịp thời phát hiện, xử lý để duy trì trật tự trên vùng biển của tỉnh. Tỉnh Bình Thuận sẽ xử lý thật nghiêm hành vi vi phạm của tàu thuyền hoạt động trái phép và áp dụng các biện pháp mạnh trong xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Chi cục Thủy sản Bình Thuận cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đề xuất áp dụng rộng rãi hơn việc phân quyền, phân cấp quản lý khai thác vùng biển ven bờ cho cấp địa phương và cộng đồng; đồng thời, tăng cường đầu tư về con người, phương tiện cho cấp huyện/xã đảm bảo hiệu quả trong quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ sau khi được phân cấp; duy trì tiếp tục hoạt động mô hình dự án đã được xây dựng. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, sự hiểu biết của cộng đồng ngư dân về bảo vệ nguồn lợi điệp quạt nói riêng và thủy sản nói chung, phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc phát hiện, xử lý nhiều vụ việc vi phạm...