TIN THỦY SẢN

Bột lá hương thảo - Cải thiện tăng trưởng, giảm stress cho cá chép

Rosemary có tác dụng cải thiện tăng trưởng, giảm stress đối với cá chép giống Uyên Đào

Bột lá hương thảo hay rosemary có tác dụng cải thiện tăng trưởng và giảm stress đối với cá chép giống.

Hiện nay, cá chép (Cyprinus carpio) là một trong những đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu, tuy nhiên, với sự tăng trưởng nhanh chóng, mật độ thả dày đặc đi kèm theo đó là dịch bệnh truyền nhiễm do những yếu tố có thể như căng thẳng, chất lượng nước giảm, thiếu dinh dưỡng, thu hoạch, phân loại, vận chuyển. 

Đối mặt với tình trạng trên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được rằng thảo dược bao gồm các hợp chất có hoạt tính sinh học cao như alkaloids, hợp chất phenol và steroid đã được áp dụng thành công trong việc thúc đẩy sự thèm ăn, tăng hiệu suất tăng trưởng, khả năng chống stress, chống oxy hóa và cải thiện hệ miễn dịch. 

Rosemary (Rosmarinus offcinalis) là một loại dược thảo thuộc họ Labiatae với hoạt chất chủ yếu bao gồm 1,8-cineole, carnosol, axit carnosic, axit rosmarinic, α-pinene, camphene, giàu chất chống oxi hóa. Việc sử dụng hương thảo còn có thể cải thiện sức khỏe và khả năng miễn dịch của cá chép. Tuy nhiên vẫn chưa có nhiều nghiên cứu chuyên sâu, thông tin cũng như bằng chứng về khả năng ứng dụng của lá hương thảo trong miễn dịch, hoạt động chống oxi hóa, giảm stress vẫn còn khan hiếm. Do đó, trong nghiên cứu này, cá chép (Cyprinus carpio)  được cho ăn với chế độ trong 65 ngày, nhằm mục đích thúc đẩy hiệu quả của việc sử dụng bột lá hương thảo.

Lá hương thảo tươi (Rosmarinus ofcinalis) được thu thập từ Gorgan (tỉnh Golestan, Iran) và vận chuyển đến phòng thí nghiệm. Sau đó lá hương thảo được sấy khô ở nhiệt độ 45oC trong vòng 72 giờ, nghiền thành bột, sàng lọc và trữ trong túi zip ở nhiệt độ 4oC. Sau đó bổ sung với liều lượng lần lượt là 1,2 và 3% bột lá hương thảo vào thức ăn. Cá chép giống được lấy từ một trang trại cá địa phương, sau khoảng thời gian 2 tuần để cá có thể thích nghi với điều kiện thí nghiệm, tổng số lượng 360 con với khối lượng 12.93 ± 0.09 g được thả vào 12 bể có kích thước (70*30*30 cm) để thực hiện 4 nghiệm thức bằng thảo dược với mật độ 30 con/bể, ba lần lặp lại. Cá được cho ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn bằng 2% trọng lượng cơ thể trong vòng 65 ngày. Các bể cá được sục khí liên tục để duy trì chất lượng nước tối ưu.

Kết thúc thí nghiệm, lựa chọn ngẫu nhiên 3 con cá/bể và giữ mẫu ở tủ âm -80oC để phân tích thành phần cơ thể cá. Bên cạnh đó, việc thu mẫu máu cá cũng được thực hiện bằng các sử dụng ống tiêm chứa heparin hay còn gọi là chất chống đông máu (5mg heparin/ml máu), bơm mẫu máu vào lọ vô trùng và ly tâm trong vòng 10 phút. Lượng huyết tương thu được trữ ở âm 70oC.

Kết quả thu được cho thấy chỉ số tăng trưởng của cá chép giống tăng cùng với sự gia tăng nồng độ của bột lá hương thảo trong chế độ ăn lên tới 3% ( nghiệm thức với lượng bổ sung cao nhất ). Cá được bổ sung với 3% cho thấy nồng độ Ig (Immunoglobulin) trong huyết tương cao nhất, tổng protein huyết tương, albumin, globulin, lysozyme cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Superoxide effutase (SOD) và catalase (CAT) là các enzyme chống oxy hóa quan trọng, rất nhạy cảm đối với điều kiện oxy hóa và căng thẳng cao hơn đáng kể trong nghiệm thức bổ sung bột lá hương thảo. Nồng độ cortisol và glucose trong tất cả các nghiệm thức đều bị ảnh hưởng đáng kể do căng thẳng. Tuy nhiên, nhờ vào sự bổ sung bột lá hương thảo đã giúp làm giảm đáng kể sự gia tăng cortisol và glucose - gây ra tình trạng căng thẳng hay stress ở cá.  

Trong khi đó, số lượng bạch cầu trong máu và tổng protein huyết tương, albumin và globulin được biết đến như là những chỉ số phù hợp để đo lường tình trạng sức khỏe của cá. Lysozyme là một chỉ số của hệ thống miễn dịch bẩm sinh ở cá và là một loại enzyme quan trọng có hoạt tính diệt khuẩn. Hoạt động của enzyme này tăng trong giai đoạn cá gặp căng thẳng hoặc bị nhiễm trùng để tăng cường bảo vệ vật chủ, và khi hoạt động của enzyme này giảm đi là một dấu hiệu của việc suy giảm sức khỏe. Theo dõi các thông số miễn dịch, stress và enzyme chống oxy hóa đã đề cập ở trên có thể cung cấp một cái nhìn tổng quát về sức khỏe của cá dưới điều kiện nuôi.

Có thể thấy rằng tất cả các mức độ bổ sung bột lá hương thảo đều có lợi. Các kết quả hiện tại đã khẳng định rằng việc sử dụng bột lá hương thảo như là tác nhân có khả năng thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường các thông số chống oxy hóa và miễn dịch, và giảm thiểu các tác động tiêu cực của căng thẳng chen chúc trên những con cá chép giống thường gặp. Cần nghiên cứu thêm để đánh giá hiệu quả của bột lá hương thảo trong mật độ thả giống và cảm nhiễm vi khuẩn gây bệnh truyền nhiễm.

Uyên Đào