TIN THỦY SẢN

Cá hồi Na Uy giá thành 10USD, sang Việt Nam bán giá gấp 3 lần: Vấn đề đáng suy nghĩ cho thủy sản Việt

Nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL. Ảnh: GreenFeed Việt Nam Nguyên Vỹ

Thủy sản xuất khẩu như cá hồi của Na Uy có giá thành khoảng 10 USD, nhưng bán ở thị trường Việt Nam với giá 30 USD. Đây là vấn đề rất đáng suy nghĩ đặt ra cho thủy sản Việt Nam.

Cá hồi Na Uy và thủy sản Việt Nam 

Câu chuyện của thủy sản Na Uy đã trở thành tâm điểm tại Hội thảo Phát triển chuỗi liên kết, nâng tầm thương hiệu thủy sản Việt Nam, do Bộ NNPTNT phối hợp Báo Tuổi Trẻ, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep) tổ chức taị TP.Vũng Tàu, ngày 31/3.

Na Uy hiện là quốc gia xuất khẩu thuỷ sản đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

Có một đặc điển đáng lưu ý, Việt Nam xuất khẩu thủy sản về sản lượng gấp 3 lần Na Uy (9 triệu tấn so với 2,9 triệu tấn). Thế nhưng, giá trị xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng 2/3 Na Uy (11 tỷ USD so với 15 tỷ USD).

Tại hội thảo, ông Asbjon Warvik Rortveit – Giám đốc khu vực Đông nam Á của Hội đồng thuỷ sản Na Uy, nhấn mạnh đến hiệu quả của việc phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản nuôi trồng Na Uy.

Ông Asbjon Warvik Rortveit cho biết cá hồi, cá thu, cá tuyết là các mặt hàng có giá trị lớn trên thị trường xuất khẩu. Ở Na Uy, sản lượng nuôi trồng thủy sản chiếm 45%, nhưng giá trị mang lại đến 75% so với thủy sản đánh bắt.

Đơn cử trong chuỗi giá trị con cá hồi, Na Uy rất chú tâm vào hệ sinh thái nuôi trồng, và sức khỏe loài cá trong các hoạt động chăn nuôi trên biển.

Việc tiếp theo là tập trung vào chuỗi, nhằm mang đến giá trị cao nhất. Thủy sản xuất khẩu như cá hồi của Na Uy có giá thành khoảng 10 USD, nhưng bán ở thị trường Việt Nam với giá 30 USD.

Ông Asbjon Warvik Rortveit – Giám đốc khu vực Đông nam Á của Hội đồng thuỷ sản Na Uy. Ảnh: Doisongphapluat.com

Chìa khóa thành công của cá hồi Na Uy ở việc áp dụng chặt chẽ các quy định trong phát triển bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. "Sản phẩm thủy sản Na Uy có danh tiếng toàn cầu, và chúng tôi nỗ lực duy trì giá trị này", ông Asbjon Warvik Rortveit cho biết.

Cách nào nâng tầm thương hiệu thuỷ sản Việt Nam?

Ông Nguyễn Hoàng Anh – Chủ tịch Công ty Đầu tư thủy sản Nam Miền Trung, cho rằng câu chuyện rút ra từ bài học của Na Uy là xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thuỷ sản Việt Nam.

Ông Hoàng Anh kể, không chỉ Na Uy mà nhiều nước có nghề thủy sản phát triển, cho thấy cấu trúc chuỗi giá trị của họ rất khác Việt Nam. Các nước rất tự tin về chất lượng khi đưa sản phẩm của mình ra thế giới.

Thủy sản Việt Nam cũng mong muốn phát triển liên kết chuỗi và nâng tầm giá trị nhưng kết quả chưa cao.

Ông Hoàng Anh lấy ví dụ với ngành tôm, trong 10 năm qua, Việt Nam cứ loay hoay quanh mức 3-4 tỷ USD. Với tốc độ trượt giá thời gian qua, rõ ràng người nuôi tôm đang sống trên đống nợ, chứ không bằng giá trị gia tăng.

Cũng theo ông Hoàng Anh, để phát triển chuỗi liên kết và nâng tầm thương hiệu thuỷ sản Việt Nam, trước hết phải bắt đầu từ niềm tin. Đó là niềm tin của tất cả các mắc xích trong chuỗi.

Việc thứ hai, muốn nâng tầm thương hiệu phải ổn định chất lượng, sản lượng, thông qua quy hoạch. Quy hoạch sẽ giúp hiểu rõ việc sản xuất đang theo quy trình nào.

Tại Hội thảo, ông Trần Công Khôi - Vụ phó Vụ Nuôi trường thủy sản (Tổng cục Thủy sản), cho biết thủy sản có đầy đủ quy hoạch ngành, cho từng vật nuôi và ở từng địa phương. Đây là cơ sở cho thủy sản phát triển, nhấ là thủy sản nuôi trồng.

Chế biến tôm xuất khẩu tại một doanh nghiệp tỉnh Cà Mau. Ảnh: Kinh tế nông thôn

Theo ông Khôi, dù luật quy hoạch và đang được các địa phương triển khai, nhưng quy hoạch thủy sản vẫn là cơ sở khoa học để ngành tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, có một thực tế là ngành kinh tế khác phát triển đến đâu thì thủy sản thu hẹp tới đó. Vì thế, ông Khôi mong muốn các địa phương cần quan tâm để cân đối, hài hòa giữa giữa các ngành, như giữa thủy sản với du lịch.

"Khi các tỉnh tích hợp thủy sản vào quy hoạch địa phương, thì sẽ có không gian cho phát triển của ngành này", ông Khôi chia sẻ.

Nguyên Vỹ Dân Việt