TIN THỦY SẢN

Cà Mau: một số khuyến cáo trong nuôi tôm công nghiệp

Hoàng Lâm

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh ở tôm nuôi công nghiệp bùng phát nhanh trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Theo kết quả điều tra ban đầu, một số địa phương có tỷ lệ tôm chết cao là huyện Đầm Dơi và Phú Tân. Tôm bị chết nhiều ở giai đoạn 20 - 75 ngày tuổi, biểu hiện bên ngoài cho thấy, nguyên nhân tôm chết là do bệnh hoại tử gan, đốm trắng.

Ảnh: ao nuôi tôm công nghiệp

Theo nhận định của các cơ quan chuyên môn trong cuộc họp đánh giá tình hình xử lý ô nhiễm môi trường trong nuôi trồng thủy sản tại Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II, tình hình tôm chết sẽ còn diễn biến phức tạp và rất đáng lo ngại, người nuôi tôm không nên thả giống vào thời điểm này. Xuất phát từ thực tế trên, bà con nuôi tôm công nghiệp cần quan tâm một số vấn đề liên quan:

- Do thời tiết còn diễn biến phức tạp, bất lợi cho tôm nuôi, môi trường chưa được cải thiện, ô nhiễm vẫn còn tiếp diễn, khuyến cáo tạm ngưng việc thả giống cho đến cuối tháng 3 đầu tháng 4 âm lịch. Khi tình hình thời tiết ổn định, môi trường được cải thiện mới tiếp tục thả con giống trở lại.

- Khi thả tôm nuôi cần xét nghiệm, chọn lựa con giống có chất lượng tốt, có nguồn gốc rõ ràng, không nên thả con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc. Đặc biệt, phải chọn lựa các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giống có uy tín, bảo đảm chất lượng và phải trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm.

- Không được sử dụng thuốc, hóa chất trong danh mục cấm sử dụng, nhất là các loại hóa chất có chứa thành phần thuốc bảo vệ thực vật vì rất nguy hiểm đối với tôm nuôi và môi trường. Khi sử dụng thuốc, hóa chất phòng, trị bệnh tôm, cần thực hiện đúng theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Sử dụng thức ăn phải bảo đảm chất lượng tốt như: không bị nấm, mốc; thức ăn phải có nhãn mác rõ ràng, bao bì còn nguyên và còn thời hạn sử dụng.

- Khi phát hiện tôm chết, bà con không được tự ý xả thải ra môi trường bên ngoài, nên báo ngay cho cơ quan chức năng xử lý để hạn chế ô nhiễm, lây lan dịch bệnh. Nếu có điều kiện, người nuôi tôm nên tự xử lý bằng hóa chất để tiêu độc, khử trùng trước khi xả ra môi trường để hạn chế ô nhiễm.

- Những ao, đầm tôm bị chết, cải tạo bằng cách sử dụng hóa chất diệt khuẩn (chlorine, BKC, formol,…) và phơi đáy ao ít nhất phải từ 1 - 2 tháng nhằm tiêu diệt mầm bệnh, phân hủy độc tố, cải thiện chất lượng ao, đầm nuôi.

- Trong quá trình nuôi, bà con phải thường xuyên kiểm tra ao, đầm để kịp thời phát hiện những diễn biến bất thường sức khỏe tôm nuôi để có hướng xử lý kịp thời. Khi cần, báo ngay cho cán bộ khuyến ngư cơ sở để được hướng dẫn giúp đỡ.

- Hạn chế tối đa việc sử dụng trực tiếp nguồn nước ngoài sông, rạch đưa vào vuông nuôi. Cần phải chủ động nguồn nước sạch đã qua ao lắng xử lý để cung cấp, thay nước cho ao khi cần thiết.

- Khi phát hiện tôm nuôi có biểu hiện bị bệnh, môi trường không ổn định ngoài tầm kiểm soát của bà con, cần thông báo ngay với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ trong việc xử lý, giảm thiệt hại và phòng chống dịch bệnh lây lan.

ThS Nguyễn Văn Trung, Phó chi cục trưởng Chi cục NTTS Cà Mau

Hoàng Lâm Theo báo Cà Mau 05/03/2012