TIN THỦY SẢN

Cà Mau sẽ có vùng sản xuất lúa - tôm hữu cơ tập trung, quy mô lớn

Các đại biểu tham quan mô hình lúa hữu cơ tại Ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình. Đặng Duẩn

Lúa hữu cơ có nhiều ưu điểm: ít bị sâu bệnh, ít tốn công lao động, lúa đứng không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, do không sử dụng phân hoá học nên tôm thẻ, tôm càng xanh đều phát triển tốt.

Chiều 17/12, Sở NN và PTNT phối hợp với UBND huyện Thới Bình tổ chức hội nghị sơ kết mô hình lúa  - tôm hữu cơ liên kết 4 nhà tại Ấp 5, xã Trí Lực, huyện Thới Bình.

Năm 2018, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Lương thực Tấn Vương - An Giang tổ chức thực hiện thí điểm mô hình lúa - tôm hữu cơ liên kết 4 nhà tại 2 xã Trí Lực và Tân Lộc Bắc (huyện Thới Bình), với tổng diện tích trên 51 ha, có 40 hộ tham gia. Việc áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA, EU, JAS đã mang lại năng suất ước đạt 4-4,5 tấn/ha.

Các giống lúa được trồng chủ yếu: Một bụi đỏ, một bụi bờ đìa, tài nguyên và các giống lúa thơm chất lượng cao ST20, ST24, RVT. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, lúa hữu cơ phát triển tốt hơn so với vô cơ với các ưu điểm như: ít bị sâu bệnh, ít tốn công lao động, lúa đứng không bị đổ ngã. Bên cạnh đó, do không sử dụng phân hoá học nên tôm thẻ, tôm càng xanh đều phát triển tốt.

Được biết, hiện giá thu mua lúa hữu cơ trên địa bàn xã Trí Lực ở mức hơn 7.200 đồng/kg, riêng những hộ tham gia vào mô hình thì được công ty thu mua cao hơn 500 đồng/kg. Mô hình này đang nhận được sự hướng ứng khá tốt của nông dân.

Với thành công bước đầu, trong thời gian tới, Cà Mau sẽ rà soát lại vùng sản xuất tôm - lúa ở các địa phương; đánh giá, lựa chọn vùng đủ điều kiện về hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, đất đai, nguồn nước... đủ điều kiện để xây dựng trước vùng sản xuất lúa - tôm hữu cơ tập trung, quy mô lớn.

Đặng Duẩn Báo Cà Mau