TIN THỦY SẢN

Cá tầm Kon Plông “chết yểu”

Nuôi cá tầm ở Kon Tum Hữu Đức

Nhiều đơn vị ở huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) đầu tư tiền tỷ để nuôi cá tầm chất lượng cao với hy vọng tạo ra những sản phẩm cá tầm sạch, có thương hiệu, nhưng nhiều năm nay không ít đơn vị phải ngưng hoạt động vì không thể cạnh tranh với cá tầm siêu rẻ Trung Quốc…

Hồ cá tầm hoang phế

Điểm nuôi cá tầm của Hợp tác xã (HTX) Cá tầm xã Măng Cành (huyện Kon Plông) được bao bọc xung quanh là rừng rậm và những dòng suối mát. Tuy nhiên, thời điểm này, con đường bê tông dẫn vào hồ nuôi đã bị sạt lở.

Tại các hồ xi măng để nuôi cá, nước đọng ở đáy nhưng không có con cá nào. Hồ chứa có biểu hiện bám rêu, xuống cấp. Khu nhà ở trông coi cũng hư hỏng, bỏ hoang đã lâu. Ông Phan Văn Tỉnh, Chủ nhiệm HTX Cá tầm xã Măng Cành, cho biết trước năm 2013, cá tầm được bán với giá từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Với giá này, nếu đầu tư hiệu quả sẽ có lãi cao. Vì thế, đến năm 2013, HTX được thành lập với 8 hộ tham gia nuôi cá tầm. HTX làm đường, xây 4 hồ nuôi (diện tích 200m2) với tổng kinh phí đầu tư khoảng 1,2 tỷ đồng, dự tính nếu nuôi hiệu quả, sẽ nâng quy mô hồ lên khoảng 5ha. Tuy nhiên, 1 năm sau, việc nuôi cá tầm phải dừng lại vì chưa đạt hiệu quả.

Để vớt vát, một số thành viên HTX chuyển qua nuôi các loại cá khác trên hồ nuôi cá tầm, nhưng cũng không đạt. Đến cuối năm 2016, HTX đành bỏ trống hồ nuôi từ đó đến bây giờ. Phía HTX cũng đã thông báo tạm dừng hoạt động. Tiền đầu tư cơ sở hạ tầng để nuôi cá tầm vẫn chưa thu lại được.


Điểm nuôi cá tầm của HTX Cá tầm Măng Cành ngưng hoạt động vì không cạnh tranh nổi với cá tầm Trung Quốc.

Tương tự, tại HTX nuôi cá tầm, cá hồi ở xã Đắk Long (huyện Kon Plông), sau thời gian đầu tư rầm rộ để nuôi cá tầm, nay hệ thống hồ nuôi cá cũng đang bị bỏ hoang. Theo bà Đào Thị Hương, Chủ nhiệm HTX Đắk Long, HTX được thành lập để nuôi cá tầm vào năm 2011 với 12 thành viên tham gia. Khoảng 3 năm đầu, cá tầm nuôi ra chừng nào là bán hết chừng đó. Thị trường tiêu thụ gồm Đà Nẵng, Gia Lai, Kon Tum. Tuy nhiên kể từ năm 2014, việc nuôi cá tầm không đạt hiệu quả, HTX phải tạm dừng nuôi cá tầm từ đó đến nay. 

Theo ngành chức năng huyện Kon Plông, trong số 4 HTX và 2 doanh nghiệp từng nuôi cá tầm trên địa bàn, hiện chỉ còn 1 doanh nghiệp đang tiếp tục nuôi. 

Cá tầm siêu rẻ Trung Quốc chiếm thị trường

Theo 2 chủ nhiệm HTX cá tầm Măng Cành và Đắk Long, lý do kể từ năm 2014 việc nuôi cá tầm của những đơn vị này phải dừng lại bởi sự xuất hiện của cá tầm siêu rẻ từ Trung Quốc ồ ạt nhập về. Ông Phan Văn Tỉnh, Chủ nhiệm HTX Cá tầm Măng Cành phân tích, việc nuôi cá tầm đòi hỏi kỹ thuật và điều kiện tự nhiên về nước rất khắt khe. Thức ăn của cá tầm rất đắt, từ 30.000 - 40.000 đồng/kg. Nuôi cá tầm mà muốn có lãi thì giá bán ít nhất phải từ 200.000 đồng/kg. Trước năm 2014, cá tầm Trung Quốc chưa nhập về, việc nuôi bước đầu cho hiệu quả, tuy nhiên từ năm 2014, cá tầm Trung Quốc đưa về Việt Nam mà giá bán chỉ từ 80.000 đồng/kg. Cá của HTX ông không thể bán với giá đó, vì nếu bán sẽ lỗ nặng. Cuối cùng không thể cạnh tranh nổi, HTX phải tạm ngưng, chờ tìm kiếm liên kết đầu ra ổn định sẽ quay lại nuôi.

Tương tự, bà Đào Thị Hương, Chủ nhiệm HTX Cá tầm Đắk Long, cho biết thực tế 2 năm đầu, HTX có lãi lớn, nhưng từ năm 2014, cá tầm Trung Quốc nhập về bán với giá quá thấp, dân không biết cứ thắc mắc, sao có chỗ bán 80.000 đồng/kg, trong khi HTX bán với giá gấp 3, gấp 4 lần. Dù giải thích, nhưng cuối cùng cũng không thể thuyết phục khách hàng, dần dần buộc phải tạm đóng cửa hồ nuôi. “Tôi cũng chẳng hiểu cá tầm Trung Quốc nuôi bằng công nghệ gì mà rẻ thế... Tôi đã mang 2 loại cá ra so sánh. Dễ nhận thấy là cá tầm Kon Plông ăn thịt thơm, dai, ngon, còn cá tầm Trung Quốc ăn không ngon...”, bà Hương nói.

Trong khi đó, bà Trần Thị Kim Oanh, đại diện Công ty CP Thủy sản Hoàng Ngư, doanh nghiệp duy nhất hiện còn nuôi cá tầm ở huyện Kon Plông, cho biết khi cá tầm Trung Quốc chưa nhập về, doanh nghiệp bán ổn định với giá 450.000 đồng/kg. Sau khi cá Trung Quốc vào, công ty phải hạ giá bán xuống, lợi nhuận không cao như trước. Cũng nhờ cá tầm công ty có thương hiệu, có đầu ra ổn định nên vẫn đang tiếp tục kinh doanh.   

Ông Lê Tấn Hiển, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum cho biết, điều kiện tự nhiên trên địa bàn rất thích hợp với nuôi cá tầm. Định hướng phát triển của huyện trong thời gian tới là tiếp tục tìm cách duy trì, ổn định phát triển cá tầm.

“Ngành chức năng sẽ đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh, phát triển; kêu gọi thu hút đầu tư các doanh nghiệp về nuôi cá tầm. Ngành chức năng sẽ tìm kiếm đầu ra để các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư”, ông Hiển cho biết.

Hữu Đức SGGP