TIN THỦY SẢN

Cách sử dụng chất khoáng hiệu quả trong nuôi tôm thẻ

Khoáng đa vi lượng có vai trò quan trọng trong quá trình nuôi tôm. Ảnh: vinayakcorporation Lý Vĩnh Phước

Chất khoáng đóng vai trò quan trọng, cần thiết trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, cần phải hiểu nắm rõ cách sử dụng khoáng để tối ưu hiệu suất nuôi tôm.

Mối liên hệ giữa chất khoáng trong nuôi tôm

Tôm hấp thu chất khoáng, tạo vỏ mới, cân bằng áp suất thẩm thấu, điều hoà pH máu. Quá trình lột và tạo vỏ diễn ra suôn sẻ giúp tôm tăng trưởng nhanh, đề kháng tốt, ít bệnh. Chất khoáng tham gia xúc tác các phản ứng sinh hoá, tôm thiếu khoáng làm phản ứng sinh hoá diễn ra chậm, ảnh hưởng các hoạt động khác như tiêu thụ, hấp thu, chuyển hoá thức ăn. 

Chất khoáng đóng vai trò như thành phần thiết yếu cho các enzyme, vitamin, kích thích tố (hormone), sắc tố, yếu tố cùng tham gia vận chuyển trong quá trình chuyển hóa, chất xúc tác, hoạt hoá enzym. 

Chất khoáng tham gia quá trình trao đổi chất ở tế bào, duy trì trạng thái cân bằng acid-base, tăng cường khả năng miễn dịch, loại bỏ stress, nâng cao khả năng đề kháng bệnh, và chức năng sinh lý khác. Tôm có thể hấp thụ, bài tiết, chất khoáng trực tiếp từ môi trường nước, qua mang, bề mặt cơ thể. 

Chất khoáng có các dạng: khoáng đa lượng (Ca, P, Mg, K), khoáng vi lượng (Cu, Fe, Zn, Mn…), khoáng vô cơ (MgSO4 - sulfat magie, CaCO3 - Carbonat can xi, ZnO -oxide kẽm), khoáng hữu cơ (Metal -Specific Amino Acid- complex; Metal Amino Acid Chelate…


Chất khoáng dùng trong nuôi tôm phụ thuộc loại khoáng, chất lượng khoáng và nồng độ khoáng có trong môi trường nước nuôi tôm, trong thức ăn. Ảnh:

Đâu là nguyên nhân gây thiếu khoáng? 

Các Farm nuôi tôm hiện nay, bà con sử dụng khoáng vô cơ (hợp chất muối vô cơ) là chủ yếu. Các khoáng vô cơ giá thường rẻ, giá trị sử dụng thấp, chứa nhiều tạp chất. Lượng khoáng cần cho tôm trong sản phẩm trên không đủ đáp ứng, dẫn đến tình trạng hàm lượng khoáng tôm hấp thu được rất ít, dù sử dụng tần suất cao trong quá trình nuôi, với khối lượng lớn trong suốt vụ nuôi. 

Phải chăng còn yếu tố nào khác ảnh hưởng đến việc hấp thu khoáng của tôm thẻ chân trắng mà người nuôi đã bỏ qua?

Ngoài những nguyên nhân nói trên, còn phải xét đến nhiều yếu tố khác như :

  • Nuôi tôm mật độ cao, phèn và kim loại nặng trong ao nuôi cao, ao nhiều chất hữu cơ, khí độc cao.
  • Độ mặn trong nước thấp: Khi nuôi ở độ mặn thấp, môi trường thường thiếu khoáng dẫn đến sự chênh lệch giữa áp suất thẩm thấu giữa cơ thể tôm và môi trường ngoài, kết quả là tôm sẽ lấy nước tự động thông qua mang và ruột. Tôm sẽ khó khăn hơn trong việc lấy muối khoáng hòa tan trong nuôi trường nước, vì vậy khoáng phải được bổ sung trực tiếp trong khẩu phần ăn. 
  • Các hạt sét hấp thụ rất mạnh các ion hòa tan của của khoáng, khi ao nhiều sét, nhiều chất lơ lửng dễ gây thất thoát khoáng.
  • Tôm bị bệnh, stress, hấp thu khoáng rất kém. Bổ sung khoáng không đúng thời điểm sẽ ảnh hưởng đến quá trình hấp thu. 
  • Tôm ở giai đoạn khác nhau sẽ có nhu cầu khoáng khác nhau, cần canh chỉnh tần suất và liều lượng khi bổ sung khoáng. 
  • Tôm hấp thu khoáng vô cơ hạn chế do độ tiêu hoá khoáng vô cơ thấp, so với khoáng hữu cơ. Khoáng vô cơ kết hợp chất kháng dinh dưỡng trong thức ăn, hạn chế hấp thu loại khoáng này qua con đường thức ăn. Acid niên mạc dạ dày tôm cao, hấp thu khoáng kém. Hấp thu khoáng chất ở tôm chủ yếu diễn ra ở ruột sau, dạng ion, những ion hoá trị thấp thì tốc độ hấp thu lớn hơn các ion hoá trị cao, gây thiếu khoáng ion hoá trị cao như Ca2+, Mg2+ 

Bổ sung khoáng thế nào cho đúng-đủ?

  • Dùng khoáng hữu cơ bậc cao, thay vì dùng khoáng bậc thấp (khoáng vô cơ). 
  • Dùng khoáng hữu cơ (chelate). Chelate gồm 2 phần, một phần mang kim loại gọi là ligandum, phần còn lại là kim loại. Trên bề mặt của ligandum có những acid amin mang điện tích âm, kết hợp với các ion kim loại. Dưới dạng chelate, khoáng không bị phân li thành ion, không tạo thành phức, không hoà tan với axit phytic, axit oxalic hay với các gốc phosphat, sulphat. Sự cạnh tranh hấp thu giữa các chất khoáng với nhau cũng bị hạn chế. 
  • Dùng thuốc tím KMnO4, PAC[Al2(OH)nCl6-n]m hay Al2O3, lắng tụ các hạt sét, phù sa, chất lơ lửng trước khi đánh khoáng xuống ao, hồ nuôi. 
  • Sử dụng chế phẩm sinh học có thành phần vi sinh Bacillus, Thiobacillus, Clostridium, Lactobacillus, Nitrosomonas, Nitrobacteria, kết hợp các enzyme hữu cơ, xúc tác cho quá trình phân hủy của các vi sinh vật như: Protease, Phytase, Lypase, Amyllase, Cellulace, Chitinnase…hạn chế khí độc tăng cao trước khi đánh khoáng. 
  • Giữ ổn định pH bằng phèn nhôm Al2(SO4)3.14H2O, liều 5 kg phèn nhôm/1.000m3 nước, trước khi đánh khoáng. Dùng CaCO3, CaMg(CO3)2, NaHCO3…ổn định kềm trong ao nuôi. 
  • Dùng acid hữu cơ trộn thức ăn, hạ acid niên mạc dạ dày, tăng khả năng hấp thu khi trộn khoáng vào thức ăn cho tôm ăn. 
  • Chọn thời điểm tôm chuẩn bị lột xác đồng loạt 21 – 22g đêm, hoặc 3 - 4 g sáng, đánh khoáng, tăng khả năng hấp thu khoáng cho tôm, hạn chế đánh khoáng ban ngày. 
  • Nuôi tôm độ mặn thấp, cần phối hợp bổ sung cùng lúc khoáng tạt và khoáng trộn cho ăn. 


Thiếu khoáng làm tôm phản ứng yếu, ít búng nhảy khi đưa sàng ăn lên mặt nước. Thân ốp, vỏ mỏng, thô ráp, sần sùi, nhạy cảm với tiếng ồn hơn. Ảnh: mongabay

Tôm thiếu khoáng có các biểu hiện như cong thân, dị hình, biến dạng, đục các đốt cơ, tỷ lệ sống giảm, tăng trường chậm, tần suất lột xác giảm, lột xác dính vỏ. Tôm bị mềm vỏ, thời gian cứng vỏ kéo dài hơn 2 giờ do thiếu khoáng, là cơ hội tốt để virus, vi khuẩn, ký sinh trùng...tấn công, gây bệnh. 

Các biểu hiện thiếu khoáng khác như tôm ăn yếu, tiêu hoá thức ăn chậm, gan xấu, đường ruột không đầy thức ăn, mờ nhạt. 

Nuôi tôm trong môi trường độ mặn thấp, tôm thiếu kali, thường thấy trên cơ thể tôm có những đốm đen nhỏ liti trên vỏ tôm, hoặc đốm trắng đục trên thân, ở trong thịt (đục cơ), trường hợp nhẹ dễ trị, nếu tôm vừa bị đục cơ, cong thân rất khó trị, dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Tôm thẻ chân trắng có tốc độ tăng trưởng nhanh, do tôm lột xác liên tục, nên nhu cầu khoáng chất rất cao. Bà con nên điều chỉnh mật độ nuôi phù hợp điều kiện ao, hồ, khả năng đầu tư, trình độ nắm bắt kỹ thuật...

Lý Vĩnh Phước