Cấm các hình thức khai thác thủy sản tận diệt
Việc khai thác thủy hải sản bằng các phương tiện tận diệt khiến nguồn lợi thủy hải sản bị giảm sút nghiêm trọng. Chính vì vậy, từ cuối năm 2018, Bộ NN-PTNT đã ban hành Thông tư số 19 (ngày 15-11-2018) về việc hướng dẫn bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản với nhiều nghề, ngư cụ bị cấm sử dụng.
Theo lộ trình chuyển đổi, từ năm 2021-2022, Đồng Nai cấm hoàn toàn phương tiện và ngư cụ hoạt động nghề te, nghề đáy, nghề lồng xếp, nghề đăng và tất cả các ngư cụ có sử dụng điện.
Biểu đồ thể hiện số lượng phương tiện, ngư cụ bị cấm khai thác và cần chuyển đổi tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh căn cứ theo Thông tư số 19/2018/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT (Thông tin: Bình Nguyên - Đồ họa: Hải Quân)
Nhiều nghề và ngư cụ bị cấm
Theo Thông tư số 19, nghề và ngư cụ cấm sử dụng, khai thác thủy sản được xác định bởi một trong các tiêu chí gồm: nghề, ngư cụ gây nguy hại, hủy diệt nguồn lợi thủy sản, hệ sinh thái thủy sinh đã được đánh giá tác động; nghề, ngư cụ thuộc danh mục cấm theo quy định của tổ chức quản lý nghề cá khu vực mà Việt Nam là thành viên hoặc không phải là thành viên nhưng có hợp tác.
Đối chiếu các nghề, ngư cụ hiện có trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, các nghề, ngư cụ cấm khai thác trên địa bàn tỉnh bao gồm các nghề: lồng xếp, đăng, đáy, te và tất cả các ngư cụ có sử dụng điện. Số lượng phương tiện, ngư cụ cấm khai thác tại các thủy vực trên địa bàn tỉnh là 745 trong tổng số 1.759 phương tiện đang hoạt động, chiếm tỷ lệ 42%.
Dựa trên kết quả điều tra, đánh giá thực tế, Đồng Nai đã quy định khu vực cấm các phương tiện trên đánh bắt có thời hạn từ đập Trị An qua sông Đồng Nai, sông Nhà Bè đến cửa sông Soài Rạp. Thời gian cấm khai thác từ ngày 1-6 đến 30-8 hằng năm. Căn cứ trên dự án điều tra, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản và xây dựng quy hoạch phân khu chức năng và bảo vệ đa dạng sinh học khu hệ các vùng đất ngập nước hồ Trị An. Cụ thể, khu vực cấm khai thác thủy sản là khu vực bảo tồn nằm trên vùng hồ Trị An gồm 2 vùng bảo vệ nghiêm ngặt là khu vực Sa Mách và khu vực Hồ Phụ. Đây là 2 khu có đặc trưng là nơi cư trú của các giống, loài thủy sản với các điều kiện phù hợp trong các giai đoạn phát triển khác nhau như trứng, ấu trùng, cá con, giai đoạn sinh trưởng, giai đoạn phát triển cá trưởng thành và cá bố mẹ tồn tại.
Theo cơ cấu lại các nghề, phương tiện khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, 4 nghề nằm trong danh mục cấm khai thác gồm nghề lồng xếp, te, đăng, đáy sẽ cắt giảm hoàn toàn. Về thời gian, đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh không còn các nghề này hoạt động và chuyển dịch sang các nghề, ngư cụ được phép hoạt động theo quy định. Đối với các nghề lưới cào, lưới kéo là những nghề có tính sát hại tương đối lớn về môi trường, nguồn lợi thủy sản… do đó không được chuyển đổi sang các nghề này trong thời gian tới.
Ghe te đánh bắt cá sẽ bị cấm (ảnh chụp trên hồ Trị An thuộc xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu). Ảnh: Lê Quyên.
Để tạo sinh kế cho người dân, khi cắt giảm số lượng phương tiện đang hoạt động bằng ngư cụ trong danh mục cấm, Nhà nước sẽ hỗ trợ để chuyển đổi sang các nghề khác như: lưới rê, câu giăng, lưới rùng, lưới chài, lưới vây, lưới giựt, vó và một số nghề khai thác khác không nằm trong danh mục nghề cấm khai thác và đảm bảo ngư cụ có kích thước mắt lưới phù hợp với quy định.
Sẽ xử lý vi phạm
Theo lộ trình chuyển đổi các nghề cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh, năm 2021-2022, tỉnh cấm hoàn toàn phương tiện và ngư cụ hoạt động nghề te, nghề đáy, nghề lồng xếp và nghề đăng. Định hướng sẽ không còn phương tiện nào sử dụng ngư cụ cấm hoặc sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ ngư cụ cấm.
Đồng Nai khuyến khích ngư dân làm nghề cấm chuyển sang nuôi trồng thủy sản.Trong ảnh: Nuôi cá bè trên sông Đồng Nai (khu vực tại địa bàn H.Định Quán). Ảnh B.Nguyên
Ông Nguyễn Hoàng Hảo, Phó giám đốc phụ trách điều hành Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai (Khu bảo tồn) cho biết, khu Bảo tồn đã phối hợp với Sở NN-PTNT thống nhất về số lượng đối tượng đang làm nghề cấm. Theo hợp đồng của Khu bảo tồn ký với người dân, hiện nay có hơn 400 hộ ngư dân trên hồ Trị An thuộc diện nghề cấm. Thông tư 19 có hiệu lực từ ngày 1-1-2019, tuy nhiên, trên địa bàn Đồng Nai, cụ thể là trên hồ Trị An, thời gian cấm bắt đầu từ năm 2021 và có thể kéo dài sang năm 2022. Thời gian qua, Khu bảo tồn đã triển khai công tác tuyên truyền cho các hộ ngư dân về nội dung này. “Thực tế, có nhiều ngư dân sinh sống ở trên hồ Trị An rất lâu năm nhưng họ không có giấy tờ xác minh sinh sống ở địa phương nên con em họ gặp khó khăn khi đến tuổi đi học. Trong công tác vận động ngư dân chuyển đổi nghề cấm cần quan tâm đến chính sách hỗ trợ giáo dục cho con em các trường hợp này” - ông Hảo kiến nghị.
Ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Đồng Nai cho hay, ở các vùng giáp ranh với tỉnh Bình Dương, TP.HCM, đơn vị đã có quy chế phối hợp khai thác thủy sản với các tỉnh này. Trong đó, công tác kiểm tra, xử lý các hoạt động khai thác trái phép thủy sản được quan tâm thực hiện. Trước khi triển khai Thông tư 19, Khu bảo tồn đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương làm việc với ngư dân. Theo đó, người dân có kiến nghị để đảm bảo về sinh kế, họ mong được tạo điều kiện gia hạn cho khai thác đến hết năm 2020. Tuy nhiên, quy định này nhiều tỉnh đã thực hiện, do đó, Chi cục Thủy sản đề nghị Khu bảo tồn và các địa phương phải triển khai sớm việc cấm các nghề và ngư cụ theo quy định để bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Cùng với việc thực hiện nghiêm quy định tại Thông tư 19, Đồng Nai cũng quan tâm thực hiện các giải pháp bảo tồn nguồn lợi thủy sản như: hoạt động khai thác phải đi đôi với việc bảo vệ nguồn gen các loại thủy sản quý hiếm đang dần bị mất đi; thường xuyên theo dõi sự biến động nguồn lợi thủy sản tự nhiên và có kế hoạch thả bù giống thủy sản để kịp thời phục hồi sản lượng tự nhiên; triển khai thực hiện bảo vệ các bãi đẻ của cá, nơi tập trung các loài thủy sản còn non, nơi cư trú của các loài thủy sản.
Đối với khu vực hồ Trị An, chú trọng đến các khu vực bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái cần cắm mốc tọa độ, xác định ranh giới, biển báo quy định khu vực giới hạn. Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt trên hồ, cần tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý khu vực bảo vệ; tăng cường giám sát, quản lý của lực lượng chức năng trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản chung trong hồ; cấm sử dụng các ngư cụ hủy diệt, khai thác các loài thủy sản quý, hiếm hoặc có nguy cơ bị đe dọa.