TIN THỦY SẢN

Chăm sóc và quản lý các loài cá nuôi nước ngọt

Thường xuyên kiểm tra sức khỏe cá nuôi. Ảnh minh họa Vũ Thị Hiên

Trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt, ngoài khâu cải tạo ao, chọn và thả giống, việc chăm sóc và quản lý đàn cá nuôi đóng vai trò hết sức quan trọng quyết định đến năng suất và hiệu quả kinh tế của cả vụ nuôi. Để chăm sóc và quản lý vật nuôi thủy sản nước ngọt tốt hơn, bà con cần thực hiện một số biện pháp sau:

1. Chăm sóc

- Tạo nguồn thức ăn tự nhiên cho cá bằng 1 trong các cách sau:

+ Sử dụng chế phẩm sinh học ủ cùng với một số nguyên liệu như cám gạo, rỉ mật để gây màu tạo nguồn thức ăn tự nhiên.

+ Bón phân hữu cơ (phân lợn, phân gà, phân trâu bò) đã được ủ kĩ với 5 - 10% vôi bột trong 15 - 20 ngày sau đó cho vào bì, đục lỗ xung quanh bì  để cho phân phân hủy dần, khi kiểm tra thấy phân phân hủy hết chỉ còn lại cặn bã thì vớt lên tránh ô nhiễm ao nuôi. Tùy theo mầu nước ao nuôi để bà con bổ sung phân gây mầu nước, lượng bón gây mầu 1 lần với lượng 8 -10kg/100m2.

+ Phân vô cơ: NPK bón 0,3 – 0,5 kg. Tuy nhiên khả năng giữ màu của phân vô cơ kém, lại dễ thấm theo nước, vì vậy hạn chế bón, chỉ nên sử dụng trong trường hợp ao khó gây màu nước.

+ Phân xanh: cứ 10-15 ngày/1 lần, các loại cây xanh được bó thành bó với lượng 20-30kg/100m2, sau 1 tuần cây xanh sẽ thối rữa thì vớt xác cây lên bờ. Phân xanh có tác dụng làm tăng chất dinh dưỡng trong nước.

Chú ý: lượng phân bón phụ thuộc vào số lượng, cơ cấu đàn cá nuôi, vùng nước và thời tiết, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường ao nuôi hoặc thiếu thức ăn làm cho cá gầy đi, phát triển chậm.

- Thức ăn cho cá:

+ Thức ăn tự chế biến: Sử dụng một số những nguyên liệu tự nhiên sẵn có để phối trộn chế biến thành thức ăn cho cá như: cám gạo, ngô, đậu, bã rượu, phụ phẩm lò mổ…. Thức ăn tự chế biến phải được phối trộn nấu chín giúp cá tiêu hóa và hấp thụ thức ăn tốt.

+ Thức ăn công nghiệp: Được sản xuất tại nhà máy, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cho sự phát triển của con nuôi. Dạng viên nổi dễ kiểm soát lượng cho ăn tùy theo kích cỡ cá để lựa chọn cỡ thức ăn và độ đạm phù hợp. Độ đạm phải đảm bảo từ 18 -  30%.

- Cho ăn: Hàng ngày cho ăn 2 lần với tỷ lệ cho ăn dựa tính theo % khối lượng cơ thể (khoảng 3 - 7% trọng lượng tổng đàn cá), cần điều chỉnh thức ăn khi thời tiết thay đổi, tình trạng môi trường ao nuôi và tình trạng sức khoẻ cá nuôi.

 - Làm khung tre nổi với diện tích khung tùy thuộc vào diện tích ao, cứ 100m2 ao thì làm 1m2 khung, cố định một chỗ cho cá ăn và cố định thời gian cho ăn trong ngày. Từ đó, biết được sức ăn của cá để điều chỉnh cho phù hợp

- Trong quá trình cho ăn cần thực hiện theo 4 định:

+ Định số lượng thức ăn

+ Định chất lượng thức ăn

+ Định vị trí cho ăn

+ Định thời gian cho ăn

2. Quản lý

- Hàng ngày kiểm tra ao ít nhất 1-2 lần để phát hiện các hiện tượng bất thường của cá nuôi, đặc biệt chú ý vào ban đêm và sáng sớm khi lượng ôxy hòa tan trong nước ao thấp cá dễ nổi đầu.

- Kiểm tra bờ bao, cống cấp thoát nước xem có bị rò rỉ hay không để kịp thời tu sửa.

- Thường xuyên giữ nước ao có màu xanh nõn chuối hoặc vỏ đỗ là tốt nhất.

- Những ngày thời tiết nắng nóng, nhiệt độ cao hoặc mưa rào trời âm u thì phải dừng bón phân và giảm lượng thức ăn cho ăn hàng ngày xuống từ 30 - 50%.

- Định kì 20 - 25 ngày thay nước 1 lần với lượng nước bằng 1/3 lượng nước có trong ao để tạo môi trường tốt cho cá.

3. Phòng bệnh:

- Định kỳ 15ngày/lần dùng vôi té đều khắp mặt ao với lượng 1-2kg/100m2 để ổn định môi trường ao nuôi.

- Định kỳ bổ sung thêm vitamin C với lượng từ 2 - 5g/kg thức ăn vào thức ăn cho cá ăn để tăng sức đề kháng.

- Định kỳ cho cá ăn tỏi tươi xay nhuyễn hoặc thuốc Tiên Đắc với liều lượng phòng 20g/100kg cá/2tuần/1lần cho ăn 3 - 5 ngày liên tục, trị bệnh 50g/100kg cá/1lần và cho ăn 5 - 7 ngày liên tục.

Vũ Thị Hiên TTKN Ninh Bình