Chích cá trên sông Sài Gòn
Cả nhóm mấy chiếc ghe quần thảo trên sông Sài Gòn. Đến luồng cá, họ tung cần phóng điện xuống. Chỉ chớp mắt, cá lớn, cá nhỏ phơi bụng trắng mặt sông...
Tờ mờ sáng 28-8, một nhóm ghe máy của nhóm ông Tính, chuyên dùng kích điện chích cá, tôm, lươn, đã xuất hiện dọc hai bờ sông Sài Gòn (khu vực P.Thạnh Lộc, Q.12, TP.HCM).
Những nam thanh niên đứng trên ghe liên tục bóp nhả cần phóng điện xuống mặt nước, phát ra những tiếng “tạch... tạch” khiến từng đàn cá lớn nhỏ nổi lên mặt nước giãy chết.
Tung hoành
Cả nhóm quần thảo ở đoạn sông này khoảng 30 phút thì ghe của họ cũng đánh được lưng đáy nhiều loài cá, lươn. Được một lúc, lượng cá trên sông cũng giảm hẳn. Thấy vậy ông Tính móc điện thoại trong túi quần ra gọi.
Khoảng hai phút sau, từ xa một chiếc ghe máy lao tới với tốc độ khá nhanh. Chiếc ghe chạy như kẻ chỉ giữa dòng sông, tạo thành những đợt sóng đánh dạt mọi thứ từ giữa dòng sông vào hai bờ...
Nhiều lần chứng kiến cảnh tương tự, ông Thành, người dân câu cá tại khúc sông này, cho biết khi lượng cá ở hai bờ bị chích điện cạn dần, những người chích điện sẽ đánh một chiếc ghe máy chạy với tốc độ cao nơi giữa sông như người đàn ông nói trên.
Họ làm như vậy để đánh dạt các con cá giữa sông vào hai bờ để tiếp tục bị chích điện.
Ông Thành kể: “Để tận diệt tất tần tật các loài cá trên sông, họ thường sử dụng loại ghe “lạnh”, là loại ghe có máy kích điện sử dụng hai cực âm (dây nguội) nối thẳng từ bộ kích điện xuống sâu đáy sông.
Ghe này chuyên săn lùng những loài cá da trơn như cá trê, cá lăng thường lặn ở đáy sông; nó chạy đến đâu, các loại cá này nổi lên đến đó, những tay chích cá chỉ cần dùng vợt vớt lên là thu chiến lợi phẩm...”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhóm của ông Tính không chỉ chích điện bắt cá dọc dòng sông Sài Gòn mà còn len lỏi vào các kênh rạch lớn nhỏ ở khu vực Q.12, huyện Hóc Môn, Củ Chi... để chích cá.
“Ở đâu có nhiều cá thì tụi tui đến đánh bắt” - một tay chích điện trong nhóm ông Tý hào hứng nói.
Còn ông Hải, quê Đồng Tháp, cho biết nhóm của ông thường chích cá trên sông Sài Gòn, từ P.13 (Q.Bình Thạnh) đến tận xã Bình Mỹ (H.Củ Chi), và tới cả khúc sông giáp ranh tỉnh Bình Dương...
“Nhóm của tui có khoảng 10 gia đình từ tỉnh Đồng Tháp lên Sài Gòn, bắt cá và sống trên ghe. Ban đầu, tụi tui sử dụng lưới để bắt cá. Nhưng sau đó thấy không “làm lại” với những nhóm chích cá đến từ Bình Dương, Biên Hòa. Vì vậy, tụi tui mới chuyển sang dùng kích điện chích cá.
Khu vực ven sông Sài Gòn (đoạn P.13, Q.Bình Thạnh) là nơi tập kết của tụi tui. Sau khi chích cá nhiều nơi về, tụi tui tập trung ở đây để bán cá cho các đầu mối” - ông Hiền nói.
Một thanh niên vừa chích cá đem về điểm tập kết này chốt giá: cá lớn, nhỏ đều 40.000 đồng/kg. Anh này khẳng định cá tuy bị chích điện nhưng “sẽ không chết”, rất tươi.
Nhiều kênh rạch lớn nhỏ đổ ra sông Sài Gòn thuộc Q.12, Hóc Môn, Củ Chi, Thủ Đức... cũng trở thành nơi làm ăn của các tay chích điện. Chiều 7-9, dọc sông Sài Gòn, Đồng Nai thuộc H.Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, Q.9, Q.2..., chúng tôi ghi nhận nhiều ghe vô tư đánh bắt cá bằng điện.
Tại đoạn sông Đồng Nai khu vực gần P.Phú Hữu, Q.9, có nhiều ghe chích điện chạy rần rần vào ban đêm mà trên ghe có cả phụ nữ tham gia. Ba, bốn ghe đi một lượt lùng sục từng đoạn sông.
Lướt ghe đến đâu, những người này cầm cây vợt dài chích điện đến đó rồi vớt cá bỏ lên ghe. Nhiều đoạn sông có đủ loài cá lớn nhỏ bị chích điện còn sót lại nổi lềnh bềnh, một số đã bốc mùi hôi...
Tờ mờ sáng, tại khu vực sông Lòng Tàu, H.Nhà Bè xuất hiện những chiếc ghe nhỏ, gọn, bên trên có 2 - 3 người tay cầm lưới điện.
Ông Út - quê Cần Giuộc, Long An - khoe ghe của ông trang bị loại te điện (loại ghe có trang bị lưới và điện) để đánh bắt cá. Loại này bắt được nhiều cá hơn so với bắt bằng vợt chích điện.
Theo ông Út, te này lấy nguồn điện từ bình ăcquy, nếu hết điện từ bình ăcquy thì lấy điện từ máy nổ và vô tư... thu hoạch cá.
Ngay trên dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè cũng trở thành nơi lui tới thoắt ẩn thoắt hiện của một số tay đánh cá bằng điện. Nửa đêm, đoạn cuối dòng kênh hướng về sông Sài Gòn, một chiếc ghe nhỏ lướt đi, bên trên một người đàn ông cầm vợt điện rà cá.
“Đi giờ này mới dám vì sợ bị bắt. Nhưng chịu rà kỹ thì cũng kiếm được bồn bộn cá” - chủ ghe nói.
Cá phóng sinh cũng không tha
Tại khu vực bãi thả cá phóng sinh ở chùa Kỳ Quang 2 (P.Thạnh Lộc, Q.12) và chùa Diệu Pháp (P.13, Q.Bình Thạnh) thuộc sông Sài Gòn, vào những ngày rằm, nhiều người dân đến đây để thả cá phóng sinh.
Nắm bắt được lịch thả cá, nhóm của ông Tý, ông Thành... lại cho người đưa ghe đến “tận diệt”.
Sáng 29-8, nhóm ghe của ông Tý đảo quanh một vòng trên khúc sông này để lùa cá bơi vào bờ. Ít phút sau, những tay chích cá thọc thẳng vợt xuống sông khiến từng đàn cá lóc, trê, rô phi... nổi lên mặt nước giãy chết.
Nhóm chích cá thản nhiên vớt cá trước sự chứng kiến của những người vừa phóng sinh đứng trên bờ. Nhiều người dân bức xúc kể thi thoảng lực lượng chức năng đến, các nhóm chích cá trên sông này chỉ chạy quanh quẩn tạm lánh, rồi lại tiếp tục... tiêu diệt cá.
Thầy Thích Quang Hòa, chùa Kỳ Quang 2, ngậm ngùi kể khu vực thả cá phóng sinh thường xuyên bị dân đánh bắt cá bằng điện không chỉ vào ngày rằm, lễ mà cả ngày thường.
Để tránh cá phóng sinh bị tận diệt, có người thuê ghe ra tận giữa sông để thả, thậm chí thuê người canh chừng. Chính quyền địa phương cũng nhiều lần xua đuổi, ngăn chặn. Nhưng các ghe diệt cá vẫn tiếp tục hoành hành ngay sau đó...
Việc dùng điện không chỉ tận diệt thủy sản mà còn tiềm ẩn nguy hiểm tính mạng con người. Có thâm niên hàng chục năm đánh bắt cá tôm bằng việc chài lưới, ông Nguyễn Văn Chúc, 58 tuổi, ở Q.Bình Thạnh, kể: “Tôi chỉ bắt cá bằng chài lưới, không dám dùng điện vì chỉ bất cẩn một chút có thể toi mạng”.
Ông Chúc nhớ mãi chiều 28-12-2014, đã phát hiện người đàn ông nằm bất động trên xuồng máy trôi sông Sài Gòn đoạn P.13, Q.Bình Thạnh. Bên thi thể người xấu số có dụng cụ chích điện và vài con cá chép.
“Tui lại gần thì thấy ông này đã chết. Họ xác định ông ta tử vong do bất cẩn trong khi chích điện cá” - ông Chúc kể.
Tuy nhiên, ai chết mặc ai, người chích điện cá vẫn tiếp tục ra tay. Do không thể cạnh tranh với dân dùng điện, người chài lưới truyền thống phải bỏ khúc sông lâu nay họ vẫn buông lưới bắt cá mưu sinh để đi xa hơn.
Ông Văn, người chài lưới quê Vĩnh Phúc, nói: “Đánh bắt cá lương thiện thì vất vả hơn. Chúng tôi vừa phải đi xa hơn mà chài lưới cũng hên xui, bữa được bữa mất”.
Quản lý còn buông lỏng
Ông Trương Thanh Tú, phó chủ tịch UBND P.Thạnh Lộc (Q.12), cho biết phường có sông rạch chằng chịt, địa phương gặp khó khăn trong xử lý người dùng xung điện diệt cá.
P.Thạnh Lộc đã tổ chức tuyên truyền không dùng xung điện đánh bắt cá và phát động người dân phát hiện tình trạng này thì báo ngay cho UBND phường xử lý, cụ thể sẽ tịch thu phương tiện ghe cũng như dụng cụ chích cá của các đương sự.
Trong khi đó, ông Trần Đình Vĩnh - chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM - xác nhận gần đây sông Sài Gòn có nhiều nhóm đánh bắt cá bằng điện từ các tỉnh đổ về.
Họ sử dụng ghe máy không đăng ký biển kiểm soát và máy kích điện công suất lớn để đánh bắt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản.
Chi cục nhiều lần tổ chức lực lượng dùng tàu đi vây bắt ở nhiều lưu vực sông Sài Gòn, tịch thu hàng chục máy kích điện của các ghe đánh bắt trái pháp luật.
Theo ông Vĩnh, việc hạn chế ngư dân kích điện đánh cá trên sông Sài Gòn tại nhiều địa phương còn buông lỏng. Chính quyền cơ sở chưa có biện pháp kiểm tra, xử phạt nghiêm.
Vì vậy, nếu chỉ dừng lại ở tịch thu máy kích điện và cảnh cáo, người dân sẽ lại tiếp tục mua máy mới để hành nghề...
Chích điện đánh bắt cá trên sông Sài Gòn - Ảnh: Ngọc Khải
Đủ loại máy chích điện
Một người chuyên sống bằng nghề chích điện cá gần cầu Bình Lợi cho biết: “Đồ nghề này tụi tui tự mua linh kiện về lắp giá hơn 4 triệu đồng. Mỗi ngày đi chích điện vài giờ cũng kiếm được vài trăm ngàn đồng”.
Chỉ vài tuần đi thực tế, chúng tôi đã tiếp cận rất nhiều đầu mối chuyên cung cấp máy chích cá là hàng tự chế hoặc của Trung Quốc.
Tùy chất lượng, tính năng, chúng dao động từ vài trăm ngàn đến gần 20 triệu đồng/máy. Tùy độ sâu cũng như vùng nước (ngọt, mặn, lợ) mà dân bán giới thiệu loại máy tương ứng.
Ông Minh - quê Thanh Hóa, người quản lý trang web www.maykichca... - cho hay ông nhận cung ứng hơn 20 loại máy chích cá khác nhau do Trung Quốc sản xuất. Ông Minh cho biết đã bán nhiều máy chích điện vào TP.HCM và các tỉnh miền Tây, miền Đông Nam bộ.
Còn ông Phong (TP Rạch Giá, Kiên Giang) khẳng định tất cả thiết bị chích điện cá ông cung ứng đều do ông lắp ráp, giá 800.000 - 20 triệu đồng. “Tui chỉ phục vụ dân đánh vợt điện, không dùng cho ghe cào. Loại mắc nhất có thể đánh cá độ sâu 10m” - ông Phong nói.