TIN THỦY SẢN

Chuẩn bị nguồn nguyên liệu cá tra

Ngành cá tra đòi hỏi lao động có tay nghề được đào tạo chính quy Ngô Chuẩn

Trước tiềm năng lớn của thị trường thế giới, An Giang đã quy hoạch vùng nguyên liệu cá tra ổn định, có tính toán mở rộng để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

Việc nuôi cá tra phải hướng vào chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, tiến tới xây dựng thương hiệu cho ngành cá tra Việt Nam.

Tập trung vào những địa phương có lợi thế

Năm 2017 được xem là 1 năm thành công của ngành thủy sản Việt Nam nói chung, ngành cá tra ĐBSCL nói riêng. Tại An Giang, khi giá cá tra tăng lên mức kỷ lục (trên dưới 29.000 đồng/kg), trong khi giá thành nuôi được kéo xuống mức 19.500-20.000 đồng/kg, lần đầu tiên, người nuôi cá tra đạt tỷ suất lợi nhuận từ 40-50% kể từ sau thời “hoàng kim” của loài thủy sản đặc hữu vùng ĐBSCL.

Trong bối cảnh tác động biến đổi khí hậu, nguồn thủy - hải sản tự nhiên sụt giảm, dự báo năm 2018 và những năm tiếp theo, thị trường xuất khẩu cá tra tiếp tục rộng cửa. Do vậy, ngày 28-7-2018, UBND tỉnh đã có Quyết định số 2281/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết nuôi, chế biến cá tra trên địa bàn tỉnh An Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, việc phát triển nuôi, chế biến cá tra phải theo định hướng thị trường, gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến, tiêu thụ theo hướng hiện đại hóa, tạo sản phẩm có khả năng cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, chú trọng áp dụng công nghệ cao (CNC), trước hết phải thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nuôi tốt (GAP, VietGAP), tạo sản phẩm đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ môi trường…

Theo quy hoạch, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích mặt nước nuôi cá tra đạt 1.000ha (30ha CNC), đến năm 2030 là 1.430ha (180ha CNC). Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản An Giang cho biết, các vùng được quy hoạch nuôi cá tra tập trung ven sông Hậu, sông Tiền và cù lao. Theo đó, TP. Long Xuyên được quy hoạch 340ha mặt nước năm 2030 (30ha CNC), gồm các phường: Bình Đức, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, Mỹ Hòa và xã Mỹ Hòa Hưng. Đến năm 2025, huyện Châu Thành có 155ha nuôi cá tra, trong đó có 5ha CNC (tăng lên 30ha CNC vào năm 2030). Tại xã Bình Thủy (Châu Phú), diện tích nuôi cá tra đạt 190ha năm 2025 (5ha CNC), tăng lên 200ha năm 2030 (30ha CNC). Tại huyện Chợ Mới, đến năm 2025, diện tích nuôi cá tra đạt 215ha (5ha CNC), tăng lên 290ha năm 2030 (30ha CNC). Tương tự, ở huyện Phú Tân đạt 110ha năm 2025 (2ha CNC), tăng lên 180ha năm 2030 (5ha CNC). Ở Thoại Sơn, có 125ha năm 2025 (3ha CNC), tăng lên 135ha năm 2030 (5ha CNC). Giai đoạn 2025-2030, huyện An Phú duy trì ổn định 30ha nuôi cá tra, còn TP. Châu Đốc giữ mức 20-25ha. Đối với TX. Tân Châu, diện tích nuôi chủ yếu tập trung ở xã Vĩnh Hòa, phấn đấu năm 2025 đạt 25ha (5ha CNC), tăng lên 75ha vào năm 2030 (30ha CNC).

Tăng tốc giai đoạn 2025 - 2030

Trên cơ sở diện tích tăng từ 1.000ha (năm 2025) lên 1.430ha (2030), sản lượng dự kiến cũng tăng từ 300.960 tấn lên 472.500 tấn, sản lượng chế biến từ 170.000 tấn tăng lên 220.000 tấn. Ông Trần Phùng Hoàng Tuấn cho biết, sản lượng chế biến sẽ hướng mạnh vào xuất khẩu với tỷ lệ trên 90%, còn lại tiêu thụ nội địa từ 10.000-15.000 tấn/năm. “Giá trị xuất khẩu cá tra năm 2025 dự kiến đạt 380 triệu USD và tăng lên khoảng 600 triệu USD năm 2030. Việc tăng giá trị xuất khẩu dựa trên tăng sản phẩm giá trị gia tăng (GTGT) cũng như đơn giá bán bình quân các mặt hàng. Theo đó, tỷ lệ sản phẩm GTGT đạt từ 8-10% vào năm 2025 và 15-20% vào năm 2030” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Trong số các thị trường xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp An Giang, EU và Trung Quốc là những thị trường tiêu thụ lớn. Tuy nhiên, các thị trường mới nổi khác đang có mức tăng trưởng tốt, sẽ được tỉnh tập trung mở rộng. Dự báo xuất khẩu cá tra An Giang sang thị trường Trung Quốc đạt 14.000 tấn (31 triệu USD) năm 2025, tăng lên 25.000 tấn (60 triệu USD) năm 2030. Đối với EU, năm 2025 đạt 23.000 tấn (60 triệu USD), năm 2030 là 26.000 tấn (91 triệu USD); còn Mỹ tăng từ 3.000 tấn (9 triệu USD) lên 5.000 tấn (18 triệu USD). Với việc mở rộng tự do thương mại trong khối ASEAN, cá tra An Giang đặt kỳ vọng xuất khẩu vào thị trường này đạt 64 triệu USD năm 2025, tăng lên 89 triệu USD năm 2030. Một thị trường tiềm năng khác là Brazil cũng sẽ tăng từ 18 triệu USD (2025) lên 30 triệu USD (2030)…

Năm 2030, dự kiến có khoảng 38.000 lao động tham gia nuôi và chế biến cá tra tại An Giang. Nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển ngành chế biến cá tra theo hướng hiện đại, sẽ có từ 50-80% trong số 34.000 lao động tham gia vào khâu chế biến sẽ được tập trung đào tạo chính quy (thay vì chỉ tập huấn ngắn hạn hoặc truyền nghề như hiện nay).

Ngô Chuẩn Báo An Giang