Cơ hội thị trường thủy sản ở châu Á đang tiềm năng hơn Mỹ
Giữa nhiều khó khăn do thị trường rộng lớn đầy biến động và hoạt động sản xuất, kinh doanh đối diện nhiều thách thức thì tiềm năng thị trường toàn cầu vẫn rất lớn cũng mở ra không ít cơ hội cho thủy sản Việt Nam trong năm 2023.
Các nước xuất khẩu tôm lớn nhất đến Mỹ năm 2022 (Triệu USD). Ảnh: Tép Bạc
Cơ hội thị trường châu Á tiềm năng hơn Mỹ
Nhu cầu tôm thế giới phần lớn đến từ Mỹ và châu Á, trong đó Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chính tại châu Á.
So sánh cho thấy: Trung Quốc có tốc độ phát triển nhu cầu tiêu thụ tôm nhanh nhất với CAGR 12% trong 4 năm gần nhất, Mỹ đạt 9%, châu Âu chỉ 2%. Số liệu xuất khẩu thủy sản Việt Nam tháng 1/2023 đạt 457 triệu USD, giảm 47% so với tháng trước và giảm 39% so với cùng kỳ.
Năm | 2018 | 2019 | 2020 | 2021 | 2022 |
Việt Nam | 513.98 | 326.11 | 238 | 318.89 | 556.38 |
Trung Quốc | 36.71 | 27.92 | 31 | 34.65 | 38.43 |
Hàn Quốc | 4.8 | 5.33 | 5.1 | 3.87 | 3 |
Norway | 0.94 | 0.3 | 2.7 | 3.72 | 2.04 |
El Salvador | 0.43 | 0.54 | 0.5 | 0.28 | 0.08 |
Nigeria | 0.09 | 0.2 | 0.18 | 0.12 | |
Thái Lan | 0.06 | 0.6 | 0.28 | 0.22 |
Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc giảm mạnh, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan tăng cho thấy nhu cầu từ thị trường châu Á có sự dịch chuyển nhưng vẫn mạnh trong ngắn hạn.
Hiện Nhật Bản là thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2023 mặc dù tăng trưởng vẫn âm so với tháng trước đó và cùng kỳ.
Cơ hội thị trường Trung Quốc
Trong năm 2022, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam sau khi bỏ chính sách đình chỉ nhập khẩu thực phẩm đông lạnh vào tháng 7/2022.
Năm 2023, Trung Quốc có thể sẽ trở thành nước nhập khẩu thủy sản tiềm năng nhất của Việt Nam nhờ nhu cầu hồi phục, vị trí địa lý giáp ranh giảm rủi ro và chi phí.
Diễn biến tiêu thụ của thị trường Trung Quốc: Tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc đã phục hồi đáng kể gần Tết 2023, các doanh nghiệp nhỏ được hưởng lợi nhiều nhất nhờ tiêu thụ thực phẩm tăng 25% so với Tết năm 2022.
Tiêu dùng tại chỗ phục hồi trong khi tiêu dùng trực tuyến vẫn duy trì đà tăng mạnh.
- Về giá trị: Tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc năm 2022 hầu hết các sản phẩm thủy sản đạt giá trị cao nhất trong 5 năm, kỳ vọng tiếp tục sự phục hồi mạnh vào năm 2023.
- Về sản phẩm: Cá đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn (gần 46%) trong tổng sản phẩm thủy sản nhập khẩu của Trung Quốc.
- Về nhu cầu: Sản lượng tôm nội địa của Trung Quốc sụt giảm do thời tiết bất lợi và dịch bệnh ở một số khu vực sản xuất tôm chính khiến thị trường thủy sản Trung Quốc tạm thời phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu.
Qua những thông tin trên, khả năng cao Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tại chỗ sau khi tình hình COVID-19 ổn định trở lại, tạo cơ hội lớn cho thị trường Việt Nam trong năm 2023.
Cơ hội thị trường Hàn Quốc
Cạnh tranh tốt ở phân khúc giá thấp. Việt Nam hiện vẫn đứng đầu trong các nguồn tôm chính cho Hàn Quốc, đồng thời đứng thứ 2 trong nguồn cung mực, bạch tuộc chỉ sau Trung Quốc.
Việt Nam đang cung cấp mực cho Hàn Quốc với mức giá trung bình tương đối thấp 5 USD/kg so với 2 nước cạnh tranh xuất khẩu lớn nhất là Thái Lan 8,68 USD/kg và Indonesia 6,38 USD/kg.
Cơ hội thị trường Thái Lan
Tăng tưởng nhập khẩu đều đặn, cầu tăng trong khi cung giảm. Năm 2022 Thái Lan vẫn tiếp tục là nước nhập khẩu cá tra lớn nhất trong khối ASEAN từ Việt Nam với tốc độ tăng trưởng mạnh trên 50%, cùng với việc mở cửa du lịch khiến nhu cầu tiêu thụ tại Thái Lan tăng.
Từ cuối năm 2022, Thái Lan vẫn đang đối mặt với dịch bệnh tôm lây lan, khiến sản lượng có thời điểm giảm một nửa khiến chính phủ cho phép nhập khẩu khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu trong nước. Cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất sang Thái Lan vẫn tích cực trong năm 2023.
Cơ hội thị trường Nhật
Siết số lượng, bù lại giá tăng cao. Năm 2022, Nhật Bản nhập khẩu bạch tuộc đông lạnh từ Việt Nam tăng 29% về lượng và 18% về giá so với cùng kỳ.
Tuy vậy so với giai đoạn 2016 - 2020, lượng nhập khẩu giảm rõ rệt 27%, trong khi giá tăng thêm 85%, gần gấp đôi so với đầu kỳ.
So với năm 2000, khối lượng nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản giảm 36%, tuy nhiên giá trị vẫn tăng 17% do giá trung bình tăng mạnh 83%.
Từ tháng 12/2022, Nhật Bản cũng thắt chặt kiểm soát IUU tại Việt Nam. Về ngắn hạn, thị trường Nhật vẫn đang ổn định và tăng trưởng tốt, nhưng sẽ không phải là điểm đến tiềm năng trong dài hạn nếu các bất cập về kiểm soát IUU chưa được giải quyết.
Cơ hội thị trường châu Âu
Hưởng lợi về giá và chi phí, khó khăn tiêu chuẩn và hồ sơ. Khối EU27 chiếm khoảng 12% giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam với mức tăng trưởng khá chậm chỉ khoảng 2-4%.
Mặc dù, Việt Nam vẫn đang hưởng lợi từ hiệp định EVFTA giảm chi phí, nhưng thẻ vàng IUU và các yêu cầu cao về chất lượng và hồ sơ xuất khẩu đi châu Âu vẫn là khó khăn của ngành thủy sản.
Cả Anh và khối EU27 đều đang gặp vấn đề lớn với lạm phát gia tăng, ảnh hưởng đến khoảng 15% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong năm 2023, đặc biệt rủi ro trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu có thể xảy ra.
Cơ hội thị trường Nga
Bất ổn chuỗi cung ứng, rủi ro và cơ hội song hành. Khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đến từ Nga.
Tuy có sự hồi phục từ tháng 3/2022 sau khi gián đoạn do xung đột nổ ra, ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản đi thị trường này vẫn đang tiếp diễn.
Ngược lại, việc Mỹ gia tăng các lệnh cấm nhập khẩu từ Nga, đặc biệt là lệnh cấm nhập cá thịt trắng gần đây cũng tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cạnh tranh và hưởng lợi trên thị trường Mỹ.