Coi chừng cá nuôi giả cá đồng
Để phân biệt được cá nuôi và cá đồng cũng đơn giản, nhưng người mua phải chịu khó xem kỹ và nhất là đừng sợ dơ tay khi chạm vào cá...
Hiện nay, trên thị trường, giá cá đồng luôn cao hơn so với cá nuôi (cùng loại). Do cá sống trong môi trường tự nhiên, không dùng thức ăn công nghiệp nên thịt cá đồng bao giờ cũng ngọt, dẻo, thơm... hơn cá nuôi. Dù giá cả khá cao, có khi gấp đôi cá nuôi nhưng người nội trợ vẫn quyết định chọn mua cá đồng.
Cá đồng vì thế mà lên đời, hút hàng, không đủ bán. Nắm được tâm lý đó, nhiều tiểu thương buôn bán cá lừa người nội trợ, đánh đồng cá nuôi với cá đồng hòng bán giá cao.
Để phân biệt được cá nuôi và cá đồng cũng đơn giản, nhưng người mua phải chịu khó xem kỹ và nhất là đừng sợ dơ tay khi chạm vào cá. Cá đồng thường có màu tối hơn cá nuôi, do chúng sống ẩn trong bùn đất, rong rêu, lùm cây thối. Đầu cá đồng nhỏ, dài, mình thon, ấn vào thịt săn cứng. Trong khi cá nuôi đầu to, bè ra, mình ngắn, thịt mềm.
Tại sao lại như thế? Nguyên do là cá đồng chịu khó bơi nhiều, tự thân vận động kiếm ăn, vượt nhiều chướng ngại vật nên trong quá trình đi tìm sự sống khiến thân chúng dài, thon gọn, kể cả vây và đuôi. Còn cá nuôi, chỉ chực chờ thức ăn rải xuống, chẳng nhọc công tìm kiếm nên béo như người lười vận động.
Cá nuôi thường có thể chất yếu hơn nên hay nằm im trong thau, chậu hoặc vùng vẫy yếu ớt. Trong đó cá đồng tự nhiên, chúng vẫy mạnh, nhảy vọt lên cao, nếu không kịp bắt có thể lóc xa. Đó là lý do nhiều người dân làng quê đi giăng câu về nhà có cá đồng phải nhốt kỹ trong lu nước bằng cách dằn lên nắp lu một vật thật nặng để cá khó thoát ra bên ngoài.
Một điều nữa, khi chọn mua cá ngoài chợ, nếu nhờ người bán làm cá giúp mà thấy ruột và dạ dày nhỏ đó chính xác là cá đồng. Ngược lại thì là cá nuôi.
Nhân đây cũng khuyên người bán nên đặt vấn đề đạo đức làm tôn chỉ kinh doanh, dù chỉ là tiểu thương hay buôn bán ở chợ "chồm hổm". Bởi nếu một lần bất tín sẽ vạn sự bất tin, khách hàng sẽ tránh xa khi bị lừa đảo. Còn nếu làm ăn đàng hoàng, tất nhiên sẽ tạo được uy tín ở người tiêu dùng, từ đó khách đông, kinh doanh thuận buồm xuôi gió.