Con cá miền Tây, ngày ấy bây giờ - Kỳ 1: “Cú sốc” cá đường
Cá ăn không hết, bán cũng không kịp, người ta phơi khô, làm mắm, nhưng vẫn còn nhiều quá phải đổ cá thành đống cho thối, rồi trộn tro làm phân bón rau màu, cây thuốc lá...
Đó là một trong những hình ảnh ấn tượng mà các tác giả nổi tiếng như Nguyễn Hiến Lê, Sơn Nam, Nguyễn Văn Hầu đã mô tả về đặc sản sông nước miền Tây một thời. Và chuyện ngày ấy bây giờ ra sao?
“Bận đó cá còn bơi lội lềnh cửa sông. Mần lên tui còn cho chòm xóm. Rày sau ai có sức khiêng được bao nhiêu thì khiêng. Tía má tui nói tặng cho bà con ăn làm phước. Tui trả lời thiệt bụng: Chứ mình không cho, để thúi hoắc cả xóm, bà con rầy rà ...”.
Nhiều năm đã trôi qua, ông Huỳnh Văn Tuôi ở ấp Kinh 3, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau, vẫn nhớ mãi một thời cá tôm dồi dào miệt cuối đất phương Nam.
Dân gian còn có cả những câu thơ truyền miệng về đặc sản phong phú này: Bao giờ hết đước Năm Căn/ Ông Trang hết cá, Viên An hết rừng/ Khai Long hết xác cá đường/Mũi Cà Mau đó tao nhường cho bay.
Nhiều vô số kể
Trong ký ức lão ngư 81 tuổi này, cá tôm ngày xưa nhiều đến mức người ta không phải chọn con ngon để ăn nữa, mà chỉ ăn phần gì ngon nhất trong con ngon đó, chẳng hạn như bao tử, bong bóng hay mắt cá.
Quê ông bên bờ sông Rạch Gốc, đoạn cuối của miệt rừng tràm U Minh, rừng đước Năm Căn đổ ra biển. Nhiều loài cá quý cũng tụ về đây.
“Tui nhớ nhất là cá đường, một loài cá đã làm giàu cho nhiều dân nghèo ven biển Cà Mau. Có một người bạn tuy không cùng tía má, không cùng ngày sinh tháng đẻ, nhưng tụi tui đã coi nhau như anh em ruột thịt cũng nhờ con cá đường đó”, ông Sáu Tuôi tâm sự.
Khoảng thập niên 1980, ông Sáu Tuôi vừa là chủ tịch xã Tân Ân vừa là ngư dân nổi tiếng miệt này. Lúc đó Cà Mau rộ lên những mùa cá đường, loài cá quý mà chỉ cần bán cái bong bóng trong bụng nó người ta cũng sắm được vàng lượng.
Nhớ thời kỳ này, ông kể không hiểu do kỹ thuật đánh bắt chưa tận diệt như bây giờ hay do môi trường nước còn trong lành mà cá đường thuở đó quần tụ thành từng đàn nhiều vô số kể. Chúng còn bơi tận vô trong sâu các cửa sông Cà Mau.
Sau mỗi mùa tết, ngư dân địa phương lại khai mở hội cá đường để tập trung đánh bắt loài cá này, đó cũng là cơ hội làm giàu của những người dân nghèo ven biển...
Hơn năm đời sống dưới tán rừng bên bờ sông Rạch Gốc, ông Sáu Tuôi nhìn luồng cá đường theo con nước từ biển vào, nghĩ phải tìm thêm cách khai thác loài cá quý này.
Lúc đó, ở vùng Tân Ân chưa ai rành kỹ thuật đóng đăng cá đường trên sông. Bản thân ông Sáu Tuôi cũng chỉ thạo nghề chài lưới hay đâm cá bằng xà búp (một loại chĩa nhọn) từ cha mình truyền lại.
Dân đi buôn đường sông lúc rảnh rỗi trà dư tửu hậu kể chuyện miệt Rạch Giá có những người rất giỏi nghề đăng cá ở cửa sông. Kỹ thuật này nương theo con nước tự nhiên, vừa ít tốn công sức lại có thể bắt được nhiều cá còn sống...
Nghe chuyện thú vị của họ, ông Sáu Tuôi quyết định khăn gói qua miệt Rạch Giá để xem tận mắt. Tình cờ ông gặp ngay ông Diện, một “tay tổ” nghề này. Hai ngư dân mới gặp nhau đã nhanh chóng kết giao, chia đôi ly rượu đế bày tỏ bụng dạ mình.
Được ông Diện chỉ cặn kẽ, còn cho xem tận mắt các đăng cá ở kênh Cái Sắn, nhưng ông Sáu Tuôi vẫn quyết mời người bạn mới quen qua xứ Cà Mau.
Ông Sáu Tuôi chưa dứt lời, nhận liền cái gật đầu hào hứng của bạn. Họ giong ghe hơn một ngày đêm thì về đến Cà Mau. Ông đưa bạn ra luôn cửa sông Rạch Gốc để coi con nước lên xuống, dò luồng cá đường vào.
Rảo ngược xuôi đến tầm xế chiều thì ông Diện hào hứng hẳn lên: “Cửa này ngó bộ mần đặng à nghen. Nếu tui nhìn không trật, mình xuống đăng ở đây thế nào cũng hốt khẳm”.
Câu nói trúng ruột gan nhau. Tối hôm đó, bà Sáu mần vịt xiêm đãi bạn chồng. Họ chia đôi ly rượu, thề với nhau cùng chí mần ăn. Ông Sáu Tuôi lo kiếm cây gỗ để đóng trụ đăng.
Còn ông Diện ngược về Rạch Giá làm phên lưới và kiếm thêm một số trai tráng thạo nghề qua phụ công. Buổi sáng chia tay, họ hẹn nhau đúng mùa cá đường năm sau sẽ gặp lại ở Cà Mau.
Một ngày hội cá đường ngoài cửa biển Rạch Gốc đầu năm 1984 - Ảnh: Xuân Dũng
“Gom vàng” nơi cửa sông
Ở Tân Ân, ông Sáu Tuôi ngược xuôi đi mua cây gỗ cắm trụ đăng. Xứ Cà Mau không sẵn loại gỗ dài lớn có thể chịu được sóng gió cửa sông nên ông phải tìm mua nơi khác về.
Cả trăm cây gỗ cộng thêm tiền vận chuyển đường xa, vợ chồng ông xoay xong khoản này thì cạn sạch tiền dành dụm. Gỗ chất đống ở bờ sông, ông ngóng bạn theo lời thề hẹn.
Bận thập niên 1980 còn quá khó khăn, đường sá cách trở, điện thoại cũng chưa có, tất cả chỉ trông vào niềm tin và ngóng đợi. Nhiều người đâm lo cho sự mạo hiểm của ông Sáu Tuôi, kể cả ông anh ruột trong nhà.
Ông Năm càm ràm đứa em: “Người ta bán vàng mua gỗ đóng ghe thì còn ghe. Mày mua gỗ để phơi mưa nắng chờ bạn ở xứ mịt mù. Lỡ nó không quay lại thì mày chẻ làm củi hả thằng Sáu?”.
Ông Sáu Tuôi im lặng nhưng ruột gan cũng nóng như lửa đốt. Bà Sáu thương chồng, thắp nhang van vái: “Nếu ổng mà quay lại thiệt như lời hứa, con xin cúng một con heo tạ ơn”.
Thời gian cận ngày hẹn, ông Sáu Tuôi ra vô phập phồng như ngồi trên đống lửa... Bất ngờ sáng sớm 22-2-1985, một chiếc ghe chài biển số Kiên Giang quẹo vô bờ sông trước cửa nhà.
Chưa kịp nhận diện người, ông Sáu Tuôi đã nghe giọng quen quen rổn rảng từ dưới sông: “Anh Sáu có ở nhà hông? Tui mang đăng qua tới rồi nè”.
Ông Sáu Tuôi ứa nước mắt nhào ra đón bạn. Cùng đi với ông Diện còn có 11 bạn ghe từ Rạch Giá qua phụ công. Trên ghe chất đầy các tấm đăng được đan chắc chắn bằng tre già.
Ngay ngày hôm đó, ông Sáu Tuôi và nhóm ông Diện hối hả đóng đăng trên cửa sông Rạch Gốc để kịp mùa cá đường sau tết.
Làm ban ngày không kịp, họ đốt đuốc làm thêm cả ban đêm. Bà Sáu thực hiện lời khấn làm một con heo cúng, nhưng đợi đến khuya vẫn chưa có người về ăn vì tất cả vẫn còn lặn lội ngoài sông...
Đúng ba hôm sau, chiều 25-2-1985, một sự kiện gây sốc ở cửa sông Rạch Gốc. Đăng của ông Sáu Tuôi và ông Diện mới làm được hai cửa nò đã vô 270 con cá đường. Con nhỏ nhất tầm 10kg, còn trung bình 15 - 17kg. Nhiều ngư dân Rạch Gốc đổ xô ra cửa sông coi ông Sáu Tuôi “gom vàng”.
Đó cũng là những cái đăng cá đường đầu tiên được đóng xuống cửa sông này. “Lớp trẻ mần cá bây giờ nghe kể chỉ lác mắt, biểu cha chú nói quá.
Thiệt bụng hồi năm 1986, bà nhà tui bán 1kg bong bóng cá đường được một lượng vàng. Loại bóng lớn cỡ 1kg mỗi cái trở lên còn có giá cao hơn nữa. Họ tranh nhau mua, nghe nói để nước ngoài bào chế ra loại thuốc gì đó”, ông Sáu Tuôi hồi tưởng một thời khó quên...
_________
Cứ bắt được 100 con cá đường, bà Sáu lại tạ lễ một con heo. Bà mua nhiều quá, riết lái heo chuyển sang nghề nuôi heo bán riêng cho bà. Nhờ con cá đường, ông Sáu Tuôi cũng trở thành người giàu khét tiếng Rạch Gốc.
Kỳ tới: 5.700 con cá và 1.000 lượng vàng