TIN THỦY SẢN

“Cù lao cá ”

Ông Bảy Cam giới thiệu số chỉ đươn lưới. Phương Kiều

Phường Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) có diện tích tự nhiên khoảng 3.260 ha, dài chừng 17 km. Trước và sau năm 1975, Tân Lộc nổi tiếng là trung tâm tiểu thủ công nghiệp về mía đường. Nhiều năm qua, Tân Lộc được tôn vinh với mỹ danh: “cù lao cá”.

Hết thời Xóm Câu

Nhiều năm trước, nghề nuôi cá tra hầm Tân Lộc nở rộ, đi khắp 22 km đường xương sống qua 7 khu vực, nơi nào cũng nghe tiếng máy bơm xình xịch suốt ngày đêm cùng những chiếc xe tải vận chuyển cá liên hồi. Nghề nuôi cá tra hầm phát đến mức nhiều chủ hầm sắm ca nô như người trên bờ sắm xe gắn máy làm phương tiện giao thông. Nhưng nhiều năm nay, cá tra hầm xuống dốc thảm hại, nên không khí ồn ã bán mua cá chẳng còn.

Tân Lộc có Xóm Câu ở khu vực Phước Lộc. Ông Đỗ Trung Ngôn, Phó chủ tịch kinh tế UBND phường Tân Lộc, cho biết xưa kia đây là nơi người dân sống bằng nghề câu cá ngát. Lưỡi câu cá ngát bự cỡ ngón tay trỏ. Cụ thể hơn, ông Nguyễn Chỉnh (còn gọi Chín Chỉnh, Chín Quân, sinh năm 1930) là người cố cựu và sống nghề câu nhiều đời tại đây cho biết xóm này có từ lâu đời. Năm 18 tuổi, ông Chỉnh đã theo cha mẹ làm nghề buông câu bắt cá trên sông cái Lai Vung. Đây là khúc sông Hậu chảy qua địa phận cù lao Tân Lộc và huyện Lai Vung (tỉnh Đồng Tháp).

Ông Chỉnh nhớ lại, thuở đó ban đêm khúc sông này sáng rực đèn câu của rất nhiều ghe xuồng, dù Xóm Câu chỉ có chừng 10 gia đình theo nghề. Ngư dân lúc đó sống chủ yếu bằng câu các loại cá: úc, lăng, kết... Nở nụ cười, ông Chỉnh nói cá mắc câu nhiều “vô thiên”, bán sống khỏe re. Nhưng cá bông lau thì khác. Cá bông lau xuất hiện khi có cấn chướng, gió chướng sòng cá nhiều.

Người có tay nghề câu cá bông lau bằng mồi thuốc bí truyền. “Câu ngang” dứt khoát “đi không về rồi”. Cho nên người ta nghĩ cách lưới hoặc cào cá bông lau, cá sửu. Bủa cá bông lau, cá sửu đâu phải lúc nào cũng được, phải sắp chuyến chờ “tài” mới được quyền ra khơi, vậy mà lưới cá bông lau vẫn đặc ngừ trên sông.

Hết mùa cá bông lau, cá sửu, người ta đánh lưới cá mồm, cá cơm. “Hừng trời, phải đông dân mới có sức kéo một lưới nặng cả trăm ký cá. Tháng 6 âm lịch, đông ken nhất từ tháng 10 âm lịch tới Tết Nguyên đán, cá mè vinh và cá he dính lưới đỏ ngừ, chừng 3-4 tấn”.

Nghề cá Xóm Câu thịnh nhất những năm 1970 rồi sau đó ngày càng lụn bại. “Cá tìm đường sống, người Xóm Câu cũng tìm đường sống”, ông Chỉnh cho biết nhiều năm nay con cái những gia đình làm nghề truyền thống này đều đã bỏ nghề, người đi làm công nhân, kẻ làm mướn, đặc biệt những gia đình có ghe thì đi chở mướn. “Chở mướn không sợ lỗ, chắc ăn nhứt trong thời buổi khó khăn này”, ông Chỉnh nhấn mạnh, rồi thêm: “Xóm Câu vẫn còn một số người lén lút đi cào cá bằng máy. Bị bắt coi như phá sản”.

Xóm Lưới tồn sinh

Xóm Lưới Rạch Miễu (khu vực Tân Mỹ 1) vẫn còn hoạt động nghề cá. Cũng như Xóm Câu, xưa kia, hơn nửa thế kỷ trước, Xóm Lưới cũng lèo tèo chừng chục hộ sống bằng nghề hạ bạc. Xóm Lưới bây giờ chừng 50 hộ, có 30 hộ giữ nghề ông cha. Các hộ kia chuyển sang làm những ngành nghề khác, đỡ cực hơn.

Đường vô Xóm Lưới lót đan đủ một chiếc xe chạy giữa hai bên cánh đồng nằm thấp bên dưới, rất nguy hiểm với người lạ. Bước qua cầu ván, trước mắt là những căn nhà dù bằng gỗ hay xây tường, cái nào cũng khang trang, tương đối tiện nghi. Một phụ nữ ngồi đươn lưới trước hàng ba nhà cho biết giờ này (3 giờ chiều) người ta đi bủa lưới hết rồi, chỉ còn phụ nữ và lão ngư.

Ông Nguyễn Văn Cam (Bảy Cam, 54 tuổi) nhà gần đó bước sang cho biết nhà ông bốn đời sống bằng nghề lưới cá tại xóm này. Già rồi, ông nghỉ, con trai nối nghiệp đang đi lưới cá lòng tong. Đánh cá phải theo con nước (rong hoặc nhảy) mới có thu hoạch cao. Đánh cá lòng tong dùng dàn lưới nặng khoảng 5kg, giá khoảng 5,5 triệu đồng/dàn lưới ¼ phân.

“Bây giờ cuối mùa lòng tong nên cá ít”, ông Bảy Cam và người phụ nữ đươn lưới chắc lưỡi tiếc rẻ: “Phải chi tới sớm một chút sẽ thấy cảnh giũ lưới bắt cá lòng tong”, rồi tiếp: “Từ tháng 3 tới tháng 5 âm lịch, nhứt là vào con nước 16 và 17, 18 thì cá nhiều vô kể. Mỗi ghe ít nhứt cũng được khoảng 40kg cá”. Cả hai phấn khởi nhấn mạnh: “Lúc đó cái xóm này phải gọi là “chợ đêm” mới đúng. Nhà nào cũng sáng đèn. Cả xóm ra đường, người giũ lưới, kẻ cắt đầu cá. Sáng đêm. Vui hết biết”.

Xóm Lưới Rạch Miễu một năm có mấy mùa cá: Mùa cá bông lau bắt đầu từ tháng 11 đến sau tháng Giêng âm lịch, mùa cấn chướng. Rộ nhất là những ngày nước rong, khoảng ngày 10 hoặc ngày 20 âm lịch hằng tháng, trung bình 1 đêm được chừng 6-7 con. Đặc biệt, có con nặng tới 8kg. Dàn lưới bông lau nặng 40-50kg.

Đánh cá bằng ghe tam bản hoặc xuồng 10 be, nhưng ghe 100 giạ (dài 9-10m) “thả” ngon nhất. Ghe nào, xuồng nào cũng gắn máy. Đánh lưới đêm nên có dàn đèn dài khoảng 30m, giữa hai ngọn đèn màu đỏ, đặt rải rác những ngọn đèn màu trắng, tất cả đều là đèn đầu lửa đặt trên miếng mốp, chụp kín bằng vỏ chai nhựa phế thải. Đèn đỏ đặt hai đầu báo cho tàu bè qua lại biết khu vực giăng lưới để tránh.

Cũng là loại “đại ngư” sông Hậu như cá bông lau, cá sửu đánh bắt lai rai từ tháng 6 tháng 7 đến tháng 3 tháng 4 âm lịch năm sau. Cá sửu nặng trung bình 300gr đến 4kg/con, tối đa chừng 10kg/con. Đặc biệt khi nước đục (nước son, nước đổ, từ mồng 5 tháng 5 đến tháng 9 âm lịch), cá sửu “rộ”. Khi nước trong (thời gian còn lại trong năm), họ câu cá sửu bằng mồi kiến non, gián, thuốc ủ… Nước giựt (từ rằm tháng 10 âm lịch đến tháng 11 âm lịch), người “làm” cá linh bằng chài, lưới và vó.

Phía sau Xóm Lưới là rạch Miễu chảy ra sông Hậu, đuôi cù lao Tân Lộc, bên kia sông là bến phà Cả Mít (Lai Vung, Đồng Tháp). Khúc sông này rộng chừng 1km là nơi ngư dân kiếm sống. Nghề cực song khá nguy hiểm. Tuy không có sóng to gió lớn nhưng đây lại là nơi có nhiều tàu bè qua lại. Máy tàu ngoài tạo những con sóng lớn còn là nguyên nhân khiến mật độ cá tập trung kém. Nguy hiểm nhất là xà lan thường chạy vô lưới, cuốn lưới, làm rách lưới. Có ghe bị xà lan cuốn lưới làm chết chìm!

Ngư dân Xóm Lưới ra “khơi” gần như quanh năm. Những ngày mưa bão, sóng gió, ghe nằm bến. Tính ra làm ngày nào ăn ngày đó, có khi thiếu hụt. Được cái, ông Đỗ Trung Ngôn, cho biết các hộ làm nghề lưới cá nếu là thành viên hoặc hội viên một hội đoàn thể nào đó ai cũng được vay tín chấp. Đầu tiên là 10 triệu đồng. Nếu làm ăn khấm khá, số tiền cho vay sẽ nâng lên.

Ông Bảy Cam tâm sự: “Tui có 4 người con đều đã lập gia đình. Ba gái theo chồng. Con trai 26 tuổi, theo nghề ông bà. Vợ nó ở nhà đươn lưới coi con 2 tuổi. Nhìn chung cái nghề này tuy “hạ” nhưng không “bạc” dù bây giờ cá mắm ít ỏi”. Điều ai cũng mong mỏi là con đường vào Xóm Lưới được mở rộng ra.

Phương Kiều Cần Thơ Online