TIN THỦY SẢN

Đánh bắt bãi ngang vào vụ

Ngư dân các vùng bãi ngang hối hả soát lưới, dong thuyền ra khơi đánh bắt vụ chính. Bài, ảnh: Mỹ Hoa

Mùa xuân, tiết trời thuận lợi. Biển yên, sóng hiền nên ngư dân các vùng bãi ngang xem đây là vụ làm ăn chính của mình trong năm. Chẳng thế mà sau những phiên khai xuân đầy cá, bà con nơi đây lại hăng hái dong thuyền ra khơi…

“Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, thế nhưng với ngư dân các vùng bãi ngang ven biển (đánh bắt gần bờ) thì tháng Giêng lại là thời điểm họ bước vào vụ làm ăn chính trong năm. Lý do là sau Tết Nguyên đán, thời tiết dễ chịu, ít có mưa bão lớn. Biển vì thế cũng êm dịu hiền hòa nên cá mực về nhiều. Hơn nữa, ngư dân đánh bắt gần bờ thường sở hữu tàu thuyền công suất nhỏ, ngư lưới cụ đơn sơ nên “chỉ những khi biển đẹp,  thì chúng tôi mới dám ra đó kiếm gạo”, lão ngư Tư Chính ngụ thôn Minh Tân Bắc, xã Đức Minh (Mộ Đức) cho hay. Nói đoạn, lão ngư ở tuổi lục tuần này liền nhặt mấy tấm lưới săm soi, rồi mang chất lên chiếc thuyền nhỏ có công suất chưa đầy 20 CV đang nằm trên cát. Ông bảo mấy hôm rồi biển động, cả tàu lẫn người đều phải nằm bờ, nay biển êm nên tranh thủ chuẩn bị ra khơi.

Trong khi lão ngư Tư Chính ra biển quăng lưới về đêm thì anh Nguyễn Hậu lại chọn lúc 3 giờ sáng. Lý do mà anh Hậu đưa ra là thời điểm trên, biển vừa hiền mà cá lại “đang ngủ” nên dễ bắt! Không biết kinh nghiệm này đúng được bao nhiêu phần trăm nhưng tầm 8 giờ sáng, tức chỉ sau 5 giờ đồng hồ bủa lưới là anh mang về 10 - 15 kg đủ các loại cá trích, cá ông già, cá kẽm, cá chai, cá ngân... để vợ mang ra chợ Đức Minh “đổi” lấy vài trăm nghìn. Mà theo tiết lộ của anh Hậu thì ở đây, ngoài số ít tàu công suất trên 40 CV có thể ra khỏi vùng lộng (5-7 ngày) để đánh bắt cá nục, các ngừ xanh, thì phần lớn bà con ngư dân ở đây ra khơi bằng thúng, thuyền nhỏ nên đi suốt ngày đêm, kéo dài từ 8 giờ sáng hôm trước đến 4 - 5 giờ sáng hôm sau. “Vậy mới có cái để ăn, rồi nuôi con nữa chứ!”, anh Hậu hóm hỉnh nói.

Còn tại làng chài Tịnh Kỳ (Sơn Tịnh) những ngày này cũng tấp nập thúng, lẫn tàu lớn, thuyền nhỏ ra vào biển. Trong số ấy, lượng thuyền thúng chuyên đánh bắt thủy hải sản khu vực bãi ngang có vẻ đông nhất, nhộn nhịp nhất.

Chẳng là sau những chuyến khai xuân đầy ních cá cơm thì bà con tin rằng năm nay, cá mực sẽ rủ nhau vào bờ nhằm bù đắp cho khoản thất thoát trong vụ đánh bắt năm 2013, là năm có quá nhiều đợt mưa bão và áp thấp nhiệt đới hoành hành. Vì điều này nên dù trúng cá cơm, ngư dân vẫn không cho phép mình ngơi nghỉ, dù là Tết, mà tranh thủ lúc trời hửng nắng, biển ngừng động là hối hả buông neo, dong thuyền tranh thủ ra khơi.

Ngư dân Phạm Trung Thường là người tích cực ra vào thăm biển nhiều nhất (từ ngày mùng 2 Tết đến nay) bảo rằng: “Biển đẹp thế này, mình phải ráng đi chứ qua truông (giai đoạn) là nó lại động, cá nhiều cũng đâu dám ra...”.

Tuy được xem là “cần câu cơm” của người dân vùng bãi ngang ven biển nhưng việc khai thác thủy hải sản gần bờ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy hiểm do tàu thuyền đơn sơ. Hơn nữa, hình thức đánh bắt này được cho là ảnh hưởng không tốt đến môi trường sinh thái biển, nhất là hệ động thực vật gần bờ, vì đây là nơi trú ẩn, sinh sống của những loại thủy sản nhỏ.

Nếu việc khai thác không được ngư dân chọn lọc, tức “bắt mẹ thả con”, thì việc cạn kiệt nguồn lợi, kéo theo nguồn sống của ngư dân vùng bãi ngang suy giảm là điều khó tránh khỏi. Nhưng nói như ngư dân Nguyễn Cương, ngụ thôn Phước Thiện, xã Bình Hải (Bình Sơn) thì: “Nếu không đánh lộng, chúng tôi biết lấy gì sống? Là dân biển, ai cũng muốn có tàu lớn để ra biển lớn chứ đâu thích loanh quanh gần bờ thế này. Thế nhưng kiếm đâu ra vài trăm triệu để đóng tàu lớn bây giờ?". Đây quả là câu hỏi khó tìm lời giải của ngư dân đánh bắt vùng bãi ngang lẫn các ngành chuyên môn trong việc đảm bảo hài hòa lợi ích giữa sinh kế người dân và môi trường biển./.

Bài, ảnh: Mỹ Hoa Báo Quảng Ngãi, 21/02/2014