Đề xuất giải pháp phát huy tiềm năng phế phụ phẩm tôm, cá tra
Kết quả điều tra công bố đầu năm 2024 đã đưa ra được bức tranh về tiềm năng phế phụ phẩm trong chế biến tôm và cá tra là rất lớn nhưng sử dụng hiệu quả chưa cao, như Tép Bạc đã thông tin. Để phát huy tiềm năng to lớn, nâng cao hiệu quả kinh tế cho ngành tôm và cá tra, góp phần phát triển kinh tế xanh, đơn vị điều tra là Cục Chất lượng Chế biến và Phát triển thị trường cùng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã đề xuất một số giải pháp.
Đầu tư và tổ chức
Với ngành hàng tôm nước lợ: Đầu tư cơ sở chế biến khô đầu vỏ tôm quy mô công nghiệp với công nghệ sấy nghiền tiên tiến, năng suất cao tại các tỉnh nuôi tôm tập trung như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng…để tiêu thụ sản lượng lớn mỗi ngày, xử lý kịp thời nâng cao chất lượng. Đầu tư cơ sở phù hợp tại các vùng sản xuất, chế biến tôm đông lạnh có sản lượng thấp ở ven biển Miền Bắc và Miền Trung để nâng cao hiệu quả kinh tế thay vì dùng làm thức ăn tươi trực tiếp cho chăn nuôi dễ gây ô nhiễm môi trường và gây bệnh cho vật nuôi.
Xây dựng thêm các cơ sở trích ly, tinh luyện chitin, chitosan đạt chuẩn quốc tế ở các trung tâm nuôi, chế biến tôm lớn tại ĐBSCL để nâng cao GTGT cho phế phụ phẩm, đáp ứng nhu cầu nội địa và xuất khẩu của các ngành y, dược, mỹ phẩm, công nghiệp sợi dệt, chất xử lý môi trường có kim loại nặng cao. Đẩy nhanh áp dụng các công nghệ đã được nghiên cứu thành công để sản xuất ra dịch protein thủy phân từ đầu tôm phục vụ chăn nuôi, trồng trọt và sản xuất hương vị tôm phục vụ ngành chế biến thực phẩm.
Việt Nam hàng năm sản xuất khoảng 20 triệu tấn thức ăn chăn nuôi nên nhu cầu bột cá với hàm lượng protein cao lên đến hàng triệu tấn. Cần tăng cường sử dụng bột tôm chế biến thức ăn chăn nuôi để thay thế một phần nguyên liệu bột cá nhập khẩu.
Với ngành hàng cá tra: Đầu tư thêm (hiện chỉ có tập đoàn Sao Mai) cơ sở chế biến mỡ cá tra có công nghệ tiên tiến tinh luyện thành dầu ăn cao cấp, tốt cho sức khỏe con người tại các cơ sở chế biến cá tra lớn hoặc các khu vực tập trung nhiều nhà máy chế biến cá tra. Đầu tư thêm (hiện chỉ có công ty Vĩnh Hoàn và Nam Việt) cơ sở chế biến da cá tra thành sản phẩm gelatin và colagen đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và nội địa ngày càng tăng của các lĩnh vực mỹ phẩm, y, dược, thực phẩm, nước uống, nhiếp ảnh… và thực hiện mục tiêu “zero waste” trong quá trình sản xuất chế biến cá tra.
Tăng cường chế biến vụn thịt cá, dạ dày, bong bóng cá, da cá tạo ra các sản phẩm thực phẩm ăn liền có GTGT cao như chả giò, snack. Tận dụng phân cá, máu cá làm phân sinh học hữu cơ, phát triển kinh tế tuần hoàn trong hệ sinh thái cá tra nâng cao giá trị và bảo vệ môi trường.
Về công tác tổ chức, quản lý: Xây dựng các cụm liên kết gắn chế biến, tiêu thụ phế phụ phẩm với sản xuất và chế biến tôm, cá tra tại các địa phương, các vùng có sản lượng lớn và thuận lợi giao thông, lao động, logistics trở thành động lực tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn cho cả khu vực. Lồng ghép nội dung phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản phế phụ phẩm vào các chiến lược, kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp và kinh tế - xã hội quốc gia. Phân rõ trách nhiệm quản lý và sự phối hợp giữa các bộ, giữa trung ương và địa phương trong quản lý và sử dụng phế phụ phẩm; phân rõ trách nhiệm và sự phối hợp giữa ngành nông nghiệp và môi trường ở địa phương trong quản lý phế phụ phẩm.
Cơ chế, chính sách
Trước tiên, thực hiện chính sách đã ban hành: Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để tăng cường liên kết giữa các bên tham gia, nhất là giữa doanh nghiệp chế biến với người nông dân và hợp tác xã; Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Triển khai vào thực tế cuộc sống các quỹ: Đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (vay ngắn hạn 1,2%/năm; vay trung và dài hạn 4,4%/năm, thời gian vay tối đa 7 năm); Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam.
Xây dựng chính sách mới: Nghiên cứu sửa đổi, nâng cấp thành Nghị định Chính phủ để đáp ứng yêu cầu mới Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp. Cụ thể, có nội dung ưu đãi cao cho lĩnh vực chế biến phế phụ phẩm để tạo ra các sản phẩm có giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường; hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn trong doanh nghiệp chế biến tôm, cá tra.
Có chính sách đột phá khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp (trong đó có thủy sản) với quy mô nhỏ và vừa để tiêu thụ phế phụ phẩm nông nghiệp tại chỗ cho người nông dân và doanh nghiệp. Có chính sách hỗ trợ vốn vay đối với nhóm danh mục máy, thiết bị sơ chế, bảo quản, chế biến và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phù hợp để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chế biến phế phụ phẩm nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.
Đặc biệt, cần có chính sách khuyến khích thu gom chế biến phế phụ phẩm, hình thành các cơ sở kết hợp giữa thu gom và tái chế có liên kết với vùng sản xuất; chính sách hỗ trợ và khuyến khích áp dụng chuỗi giá trị của phế phụ phẩm.
Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm được chế biến từ phế phụ phẩm tôm và cá tra thông qua các hoạt động quảng bá trong và ngoài nước.
Khoa học công nghệ
Các bộ ngành, địa phương ưu tiên kinh phí nghiên cứu khoa học và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực giảm tổn thất sau thu hoạch nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực tái sử dụng phế phụ phẩm tôm, cá tra.
Đầu tư nghiên cứu công nghệ, chế tạo các thiết bị chế biến phế phụ phẩm hiện đại, công nghệ tiên tiến, suất đầu tư hợp lý, phù hợp với quy mô nguyên liệu. Đa dạng hóa các thiết bị, dây chuyền chế biến phế phụ phẩm quy mô nhỏ, HTX, hộ gia đình. Khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia các đề tài, dự án nghiên cứu.
Trước mắt tập trung nghiên cứu và chuyển giao đưa vào sản xuất các sản phẩm tinh chế đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế có GTGT cao từ đầu vỏ tôm và da, mỡ cá tra phục vụ các ngành y, dược, mỹ phẩm. Các sản phẩm phụ gia, gia vị hương vị tôm, nước dùng hải sản, hoặc súp tôm từ đầu tôm. Dịch thủy phân protein tôm và cá tra phục vụ nông nghiệp.
Xây dựng và chuyển giao các mô hình sử dụng phế phụ phẩm hiệu quả, kinh tế tuần hoàn, bảo vệ tốt môi trường thông qua các chương trình khuyến công/khuyến nông. Thí điểm ứng dụng và phổ biến công nghệ xử lý và tái sử dụng phế phụ phẩm.
Kiến nghị thay kết luận
Đề nghị Chính phủ và các bộ ngành, địa phương quan tâm ban hành các chính sách, chương trình hỗ trợ mang tính đột phá về cơ chế để các doanh nghiệp, người dân tiếp cận được công nghệ tiên tiến, vốn ưu đãi, mặt bằng, nhân lực, thị trường. Từ đó, phát triển ngành chế biến, tái sử dụng phế phụ phẩm tôm và cá tra có hiệu quả kinh tế cao.