TIN THỦY SẢN

Đến Lý Sơn xem xương cá voi lớn nhất Đông Nam Á

Những đốt xương sống khổng lồ được lưu giữ trong “hậu cung”

Các bô lão ở Lý Sơn vẫn thường căn dặn lớp hậu duệ rằng, đã là dân biển đảo thì phải khắc cốt ghi tâm chuyện đức Ông (cá voi) rẽ sóng cứu người, nếu không gặp tai ương giữa biển không thể nào thoát nạn. Bởi vậy mà trước những chuyến đi biển dài ngày, các ngư dân đều đến Lăng Tân, nơi lưu giữ thánh cốt của “ngài Nam Hải” để cầu mong sự chở che, bảo bọc.

Mảnh đất lành cho các ngài Nam Hải “lụy” bờ

Ông Dương Pháp ( 84 tuổi, Thôn Đông, xã An Hải) một trong những vị cao niên bậc nhất tại Lý Sơn cho biết: “Tôi nghe ông nội tôi kể rằng trước ngày ông lụy bờ chừng một tháng, Ông có báo mộng cho một người thợ ở huyện Trà Bồng (tỉnh Quảng Ngãi) cùng hai ngư dân tại đảo làm Sở (phần mộ - PV) sẵn cho ông. Nhận lệnh, ba người hì hục đào đất tại cồn đất An Vĩnh, ngôi mộ dài 30 thước, rộng 8 thước, sâu 5 thước sát mép nước nơi hướng tầm nhìn ra biển Đông. Và đúng như dự báo, đúng ngày  mồng 2 tháng 5 âm lịch, chừng 300 năm về trước ngài dạt vào đảo”.

Ông Pháp kể tiếp: “Ngày ông “lụy” vào đây, hàng trăm người dân trên đảo tập trung khiêng rước nhưng ông không chịu đi. Nhiều thợ lặn lặn xuống sâu tận 36 thước mà ông không chịu dịch chuyển. Rồi khi đúng Ngọ, ông mới chịu men theo sóng nước, để người dân đưa xuống phần huyệt đã đào. Mà đúng là ý ngài thật, nội tôi bảo cả một con cá còn sống, dài hơn 25 thước, nặng chừng 50 tấn vậy mà di chuyển hết sức nhẹ nhàng. Sau khi chôn cất, người dân xây dựng Lăng Tân để hằng năm cúng tế ngài. Nhưng điều kỳ lạ thay, đúng 1 năm sau đó, một ngài Nam Hải khác cũng lụy vào bờ để hầu hạ Đồng Đình Đại Vương. Lăng Tân có vua có thần, nên dân làng gọi đó là Sở Đại Vương là vậy”.

Chủ vạn Trần Minh Diệt (70 tuổi, thôn Tây, xã An Vĩnh), chủ tế Lăng Tân cho biết: “Phía sau chánh điện, căn phòng hình chữ U rộng hơn 30m2 là nơi lưu giữ bộ xương cốt của ngài Đồng Đình Đại Vương. Dù đã qua mấy trăm năm, nhưng phần xương của Ngài vẫn vàng ươm, rắn chắc. Theo phong tục của người  Lý Sơn, mỗi năm chỉ có 2 ngày gồm ngày 19 và 20 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), mới được mở cửa “hậu cung” để người quản lăng vào lau chùi bụi bặm bám trên cốt. Những ngày thường, mọi người chỉ được ở ngoài gian thờ bên ngoài hương khói, tuyệt đối không được mở hậu cung”.

Ông Diệt cho biết thêm, vào năm 2012 UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phê duyệt chủ trương phục dựng bộ khung xương cá voi tại Lăng Tân, trong chuyến khảo sát và đo đạc thì các nhà nghiên cứu hết sức ngạc nhiên bởi mỗi xương sườn cá voi dài 3,7m, xương ngà dài 4,7m, đường kính đốt sống 0,41m, chiều ngang xương đầu dài 2,9m, chiều ngang xương rẻ quạt 1,6m,... So với bộ xương cá voi ở dinh Vạn Thủy Tú (Bình Thuận) được sách kỷ luật Việt Nam công nhận là lớn nhất cả nước và khu vực Đông Nam Á, (gồm xương ngà 4,2m, xương sườn 2,7m) thì bộ khung xương cá voi ở đảo Lý Sơn lớn hơn gấp nhiều lần.


Lăng Tân, nơi thờ tự bộ thánh cốt ngài Đồng Đình Đại Vương

Chuyện cá Ông cứu người đã đi vào huyền thoại

Hơn 90 % dân cư trên huyện đảo Lý Sơn sống bằng nghề biển, bởi vậy từ lâu, trong tâm thức người dân, cá Ông là vị thần linh thiêng, nơi gửi gắm niềm tin trong những ngày tháng lênh đênh. Không thể kể hết những trường hợp cá Ông rẽ sóng dữ cứu người, nhưng chuyện cá ông cứu sống thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện cùng 11 ngư dân ở thôn Tây xã (An Vĩnh) trong cơn bão Chanchu năm 2009 được ví như huyền thoại.

May mắn gặp được anh Thiện sau chuyến đi biển dài ngày, trong buổi trà dư tửu hậu, anh kể cho chúng tôi nghe về sự sống sót ly kỳ của anh. Dù mọi chuyện đã qua 5 năm, nhưng anh vẫn nhớ  như in: “Hôm ấy, kết thúc phiên biển đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa, trên đường trở về thì chúng tôi gặp bão. Cố gắng lắm tôi mới điều khiển thuyền đi đúng hướng, dù chỉ còn cách đảo Lý Sơn chưa đầy 7 hải lý thì tàu chết máy, hệ thống chân vịt bị sóng đánh gãy. Con thuyền mất lái, chao đảo trong tâm bảo khiến anh em trên thuyền hoảng sợ. Trong phút lâm nguy đó, cá Ông xuất hiện, ghé lưng vào mạn thuyền dìu cả cả con thuyền vượt qua cơn bão, vào bờ an toàn. Để tri ân ơn cứu mạng của ngài, anh em chúng tôi đã làm lễ tạ ơn, phân công nhau chăm lo nhang khói tại các lăng Ông trên đảo và ăn chay ba tháng liền để thể hiện lòng thành kính”.

Ở Lý Sơn, gặp ai ta cũng dễ dàng nghe thấy chuyện cá Ông cứu người. Ở cái độ tuổi thất thập ông Nguyễn Sướng (thôn Tây, xã An Vĩnh) vẫn còn nhớ như in chuyện mình được cá ngài cứu sống: “Hơn 30 năm trước, tôi chèo thuyền thúng ra khơi câu mực bất ngờ bị dòng hải lưu và gió bấc kéo tung ra biển. Thuyền thúng chao đảo rồi lật úp, tôi đuối sức cũng chẳng bơi được xa. Trong phút giây sinh tử, tôi chỉ biết cầu khấn các Ông giúp đỡ, ý nghĩ vừa dứt thì tôi thấy mình được nâng đỡ. Nằm trên lưng cá Ông tôi mới định thần, bám chặt vào vây, cá Ông từ từ đưa tôi vào vùng nước cạn”. Dõi đôi mắt nhìn ra biển cả, ông Sướng tâm sự: “Dẫu biết ra khơi bão táp mịt mù, hiểm nguy là điều không tránh khỏi, nhưng với đức tin mãnh liệt vào các ngài Nam Hải, chúng tôi luôn yên tâm dong thuyền đi đánh bắt”.  

Người đưa tin, 09/11/2013