TIN THỦY SẢN

DN Xuất khẩu cá tra: Đau đầu vì luật Farm bill

Giá cá tăng nhưng diện tích nuôi có xu hướng co lại. Hình minh họa Huỳnh Khởi/Diễn đàn DN

Với những quy định ngặt nghèo của Luật nông trại (Farm Bill) - Mỹ có thể áp dụng từ 1/9 tới, các DN xuất khẩu cá tra VN đang dè dặt khi ký kết hợp đồng mở rộng diện tích nuôi.

Theo thông tin từ Hiệp hội chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), có thể từ 1/9/2017, Mỹ chính thức đưa cá tra vào danh mục một loài cá da trơn trên lãnh thổ Mỹ (trước đây, họ gọi ca tra là pangasius, không chịu gọi là catfish) dù sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu sẽ phải chịu sự giám sát của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), gọi tắt là Luật nông trại (Farm Bill).

Ông Nguyễn Chí Thảo, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK thủy sản Cần Thơ cũng tỏ ra lo lắng: Hầu hết các DN xuất khẩu hiện nay đều đã tổ chức được vùng nguyên liệu với quy trình nuôi đảm bảo chất lượng nên việc truy suất nguồn gốc không đáng lo, quy trình chế biến cũng đạt chuẩn. Tuy nhiên, luật Farm bill lại có những quy định ngặt nghèo khác như khi vận chuyển cá về nhà máy bằng ghe thì không được sử dụng nước sông mà phải là nước qua xử lý và khi đưa cá về nhà máy thì phải gom hết nước trong lúc vận chuyển cá để xử lý, đây quả là việc rất khó thực hiện. Ngoài ra còn nhiều quy định khắt khe khác mà các DN xuất khẩu cũng rất đau đầu.

Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 1,7 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ 2015. Trong đó, thị trường Mỹ chiếm 23%; thị trường Trung Quốc và Hong Kong chiếm 17%. Về thị trường đã có sự thay đổi về cơ cấu tỷ trọng theo hướng giảm ở thị trường EU, ASEAN, tăng ở thị trường Mỹ và thị trường mới như Trung Quốc và Hồng Kông, tiếp đó là các nước Trung Đông và Nhật Bản.

Theo nhận định của Hiệp hội cá tra Việt Nam: nếu để xuất khẩu sụt giảm mạnh ở thị trường Hoa Kỳ vì những rào cản của quy định mới và thuế chống phá giá cao thì có nguy cơ xuất khẩu cá tra không hoàn thành mục tiêu 1,7 tỷ USD như kế hoạch đề ra.

Huỳnh Khởi/Diễn đàn DN