Đỏ mắt tìm cá mùa lũ
Những ngày giữa tháng 10-2012, lũ đã đạt đỉnh và bắt đầu rút, thế nhưng công việc mưu sinh bằng nghề bắt cá mùa lũ của nhiều người dân ĐBSCL vẫn thất bát nặng. Từ vùng rốn lũ ở Đồng Tháp đến đầu nguồn sông Tiền giáp biên giới Campuchia, cá mùa lũ trở nên khan hiếm hơn mọi năm.
Trên các cánh đồng vùng rốn lũ thuộc huyện Tam Nông và Hồng Ngự (Đồng Tháp) vào những ngày này, khi nước lũ bắt đầu lấp xấp bờ ruộng, hàng ngàn chiếc dớn (một loại lưới cước, mắt lưới nhỏ) giăng như ma trận, phủ trắng các cánh đồng. Theo chân những người đi bắt cá đồng, từ vùng Tân Phước (Tiền Giang), cuối nguồn vùng lũ Đồng Tháp Mười cho đến Đồng Tháp, đâu đâu cũng có thể chứng kiến hình ảnh trắng xóa của dớn phủ kín các cánh đồng, chưa kể vô số lưới, lọp, lờ... đặt như nấm.
Gặp chúng tôi vào buổi sớm khi đang kiểm tra dớn, ông Nguyễn Thành Lâm (Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) thật thà cho biết không có việc gì làm vào mùa lũ nên đi đặt dớn để bắt cá. Theo ông Lâm, mọi năm cá nhiều, mọi người chủ yếu bắt cá to để bán. Còn năm nay cá khan hiếm quá nên nhiều người đua nhau đặt dớn. “Tui biết đặt dớn bắt cá nhỏ thế này là vi phạm. Nhưng trên đồng đầy dớn, ai cũng đặt thì mình đặt đại để kiếm cái ăn cho gia đình”.
Anh Nguyễn Văn Tổ, trưởng khu vực Giồng Dúi (Hồng Ngự), cho biết do nước lũ thấp hơn năm trước nên việc kiếm ăn của người dân bằng nghề khai thác cá đồng cũng khá vất vả. “Tui để hai, ba ngày mới dỡ dớn một lần nhưng chỉ được vài con cá nhỏ. Nghề đánh bắt cá mùa lũ sắp bị khai tử rồi” - anh Tổ nói.
Với thâm niên 20 năm làm nghề đánh bắt trên kênh Ba Nguyên, giáp biên giới Campuchia và là đầu nguồn lũ, ông Tư Bé (Hồng Ngự) cho biết chưa bao giờ có cảnh khan hiếm cá vào mùa lũ như năm nay. Ngồi cả ngày, giở lưới cả 2-3 lần nhưng ông chỉ bắt được vài ký cá, trong khi mọi năm tha hồ bắt cá to từ sông Mekong theo dòng nước lũ về VN. “Hồi đầu mùa lũ chỉ bắt được cá linh có vài bữa, sau đó tự nhiên mất tích hết, chỉ còn cá trèn, cá lăng, cá chạch, cá lóc thôi. Lần đầu tiên sau 20 năm làm nghề tui mới thấy tình trạng kỳ lạ như vậy” - ông Tư Bé nói.
Tại chợ đầu mối cá đồng Trường Xuân (huyện Tháp Mười), hầu hết quầy kệ hay rổ cá được bày bán chủ yếu là loại cá nhỏ, được khai thác theo kiểu tận diệt. Chị H., một thương lái ở chợ Trường Xuân, xác nhận phần lớn lượng cá ở đây được đánh bắt từ dớn, chủ yếu được bán cho các hộ nuôi cá về làm thức ăn cho cá nuôi. “Trung bình mỗi ngày chợ này tiếp nhận không dưới 1 tấn cá mồi như vậy, còn các loại cá lớn để ăn đã giảm nhiều so với mùa lũ năm ngoái” - chị H. nói.
TS Nguyễn Văn Hảo, viện trưởng Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II (Bộ NN&PTNT), cho biết năm nào lũ nhiều thì có điều kiện để cá di cư lên thượng nguồn, vô đồng ruộng, kênh rạch, sông ngòi để đẻ nhiều. Ngược lại, nước lũ ít thì những điều kiện này sẽ giảm làm cá ít. Tuy nhiên, theo ông Hảo, dù lũ ít và cá giảm nhưng nếu biết cách khai thác tốt cũng không đến nỗi cạn kiệt như hiện nay. “Vấn đề nằm ở chỗ quản lý của Nhà nước. Chúng ta cũng có luật, có áp dụng nhưng gần như không nghiêm. Mà đã không nghiêm thì người dân khó mà chấp hành triệt để được” - ông Hảo nói.
Lũ kém và đập thủy điện làm giảm sản lượng cá Theo ông Kỷ Quang Vinh - chánh Văn phòng công tác biến đổi khí hậu Cần Thơ, cũng như năm 2010, lũ trên sông Mekong năm nay không cao làm sản lượng cá tự nhiên trong vùng bị giảm. Ngoài ra, việc xây các đập trên thượng nguồn cũng là một nguyên nhân quan trọng làm trầm trọng thêm việc giảm sút sản lượng cá của lưu vực. Các đập này có thể ngăn sự di cư để sinh sản của một số loài cá. Cá không sinh sản được do thiếu nước, thiếu thức ăn có được từ mùa nước lũ và do bị ngăn cản dòng thì làm sao sản lượng giữ được bình thường? Mặt khác, việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp gây ô nhiễm môi trường cũng làm ảnh hưởng đến môi trường sinh sống của cá tôm ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa lũ. - QUANG VINH |