TIN THỦY SẢN

Doanh nghiệp TĂCN thủy sản: Khổ vì "giấy phép con"

BÙI NGUYỄN

26 DN TĂCN thủy sản phía Nam đã cùng ký tên gửi đơn lên Bộ NN-PTNT cho rằng, Tổng cục Thủy sản đưa ra một số thủ tục mới trái luật trong việc cấp giấy phép lưu hành sản phẩm, khiến DN thêm khốn đốn trong bối cảnh kinh tế suy thoái.

Cách quản lý lạ của TCTS đang khiến DN thức ăn thủy sản gặp khó

THỦ TỤC MỚI… VƯỢT QUYỀN?!

Theo tìm hiểu của PV, để quản lý TĂCN, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị định: số 08/2010 về quản lý TĂCN và số 08/2011 về xử phạt vi phạm hành chính về TĂCN. Sau đó Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư số 66/2011 quy định chi tiết một số điều của Nghị định 08. Các văn bản trên đã có hiệu lực thi hành từ năm 2011.

Sau khi Thông tư 66 ra đời, các DN sản xuất thức ăn thủy sản gặp rất nhiều khó khăn vì cấp thừa hành là Tổng cục Thủy sản (TCTS) hơn 1 năm qua đưa ra nhiều thủ tục mới vượt quyền. Cụ thể, TCTS đã cho ra đời Công văn 707 (hướng dẫn tạm thời đăng ký) đã tăng thêm nhiều thủ tục trái luật so với Thông tư 66 của Bộ NN-PTNT. Một DN (giấu tên) đặt nghi vấn: “Tại sao TCTS yêu cầu sản phẩm phải có phiếu kiểm nghiệm/phân tích sản phẩm và việc lấy mẫu, gửi mẫu phải do cơ quan nhà nước về chất lượng hàng hóa thủy sản thực hiện? Trong khi Cục Chăn nuôi không hề có những yêu cầu này đối với thức ăn cho động vật trên cạn, thì TCTS lại vượt quyền Thông tư 66 của Bộ NN-PTNT là sao?”.

Để cụ thể hơn sự trái khoáy, các DN phân tích: Đơn cử chỉ riêng 1 sản phẩm bổ sung thức ăn động vật thủy sản có thể chứa tới gần 10 chất vitamin và gần 10 loại khoáng chất. Trong khi đó, chi phí kiểm nghiệm cho 1 chỉ tiêu (1 hoạt chất) từ 400.000 – 500.000 đồng, tức tổng chi phí kiểm nghiệm cho 1 sản phẩm dạng này phải mất từ 8 – 10 triệu đồng. Hiện mỗi đơn vị sản xuất từ 30 – 40 sản phẩm, có nghĩa chi phí cho khâu kiểm nghiệm là khổng lồ. Trong khi đó theo Luật hàng hóa, cơ sở sản xuất phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất và khi lưu thông trên thị trường được thanh tra Sở NN-PTNT và QLTT các địa phương lấy mẫu kiểm định. Căn cứ theo tiêu chuẩn ghi trên nhãn sản phẩm hàng hóa và kết quả kiểm nghiệm, họ sẽ tiến hành xử lý theo quy định.

Ngoài ra, DN thắc mắc không biết cơ quan kiểm tra, chứng nhận nhà nước về chất lượng hàng hóa thủy sản là cơ quan nào? Hiện tại có gần 300 cơ sở sản xuất nhóm sản phẩm này và mỗi cơ sở đăng ký vài chục sản phẩm. Trong khi đó, TCTS đến nay vẫn chưa tổ chức họp các DN để hướng dẫn chi tiết thủ tục đăng ký. Vậy là DN cứ rối như canh hẹ, trong khi TCTS dửng dưng thì thanh tra các địa phương liên tục thu giữ các sản phẩm trên thị trường (vì chưa có tên trong danh mục ban hành dù lỗi không ở DN), đồng thời tiến hành xử phạt 5 – 20 triệu đồng/lần.

BẮT GỬI MẪU “BAY” 2.000 KM KIỂM NGHIỆM!

Nhiều DN khi tiến hành kiểm nghiệm mẫu thức ăn thủy sản cho biết, khi họ gửi mẫu đếm Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II (521/1 Hoàng Văn Thụ, P.4, Q.Tân Bình, TPHCM) và lấy kết quả gửi ra cho TCTS (trực tiếp là Trung tâm kiểm nghiệm, khảo nghiệm và kiểm định nuôi trồng thủy sản – cơ quan thụ lý hồ sơ đăng ký thức ăn thủy sản vào danh mục) thì không được chấp nhận.

Một DN khẳng định: “Đây là điều hết sức phi lý vì Trung tâm kiểm nghiệm thuốc thú y Trung ương II được Bộ NN-PTNT trực tiếp giao nhiệm vụ kiểm nghiệm chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hóa chất và thức ăn dùng trong nuôi trồng thủy sản, TĂCN. Vậy tại sao TCTS lại cho mình cái quyền không công nhận kết quả, mà lại bắt DN gửi mẫu ra tít Hà Nội, cách xa gần 2.000 km để kiểm nghiệm? Trong khi đó, có tới 80% DN TĂCN thủy sản đóng ở phía Nam thì việc làm này đúng là quá kỳ lạ, không thể hiểu nổi!”. Vì thế, Thanh tra Bộ NN-PTNT và Thanh tra TCTS cần làm rõ vấn đề này.

Theo tìm hiểu của PV, thực tế những yêu cầu vượt giới hạn của TCTS không góp được nhiều trong việc nâng cao chất lượng, sản phẩm thức ăn phục vụ cho ngành chăn nuôi thủy sản, đồng thời cũng không làm lành mạnh hóa thị trường mặt hàng này. Thực ra, đây không khác gì các loại “giấy phép con” để TCTS có nhiều quyền năng hơn, trong khi các DN thì điên đảo vì tốn đủ loại chi phí và thời gian để thực hiện.

Theo tìm hiểu của NNVN, lãnh đạo Bộ NN-PTNT đã nhận được đơn kiến nghị của 26 DN TĂCN thủy sản và đang chỉ đạo bãi bỏ Công văn 707 có nhiều thủ tục vượt quyền của TCTS. Tuy nhiên, các DN cho rằng cần phải có biện pháp chế tài xử lý những việc làm gây phiền nhiễu của các đơn vị thừa hành, nếu không sẽ tạo thành “nếp” hoặc “thói quen” thiếu trách nhiệm!        

BÙI NGUYỄN nongnghiep.vn