Doanh nghiệp thủy sản khốn đốn vì lãi vay, giá nguyên liệu
14 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thủy sản có doanh thu sụt giảm và lợi nhuận thấp hơn cùng kỳ.
Trong kỳ có 8/14 doanh nghiệp có doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ trong đó đáng chú ý nhất là mức sụt giảm của Hùng Vương (HVG), đây là quý kinh doanh thứ 3 trong niên độ tài chính của HVG, HVG chỉ có 3.514,7 tỷ đồng doanh thu thuần giảm mạnh 47% so với cùng kỳ, thủy sản An Giang (AGF), thủy sản Bến Tre (ABT) và Imcomfish (ICF) cũng có mức sụt giảm mạnh của doanh thu khoảng gần 30%.
Ở chiều ngược lại, Vĩnh Hoàn (VHC) tăng trưởng doanh thu 13%, Sao Ta (FMC) đạt mức tăng trưởng 34%, đáng chú ý Tập đoàn Sao Mai (ASM) có mức tăng trưởng về doanh thu lên tới 110%, cao gấp 2 lần cùng kỳ, trong đó doanh thu đến từ sản xuất thức ăn cho cá, đạt gần 490 tỷ đồng, chiếm 55% tổng doanh thu; ngoài ra còn ghi nhận thêm 41,5 tỷ đồng doanh thu thương mại về xuất khẩu cá.
Gặp khó vì giá nguyên liệu tăng cao, chi phí lãi vay
Có thể thấy, khó khăn của ngành thủy sản có một phần là do giá nguyên liệu tăng cao. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá cá tra bắt đầu tăng từ trước Tết Nguyên đán 2017 và đạt mức cao nhất trong vòng 7 năm vào tháng 4/2017. Theo đó, giá nguyên liệu đầu vào (cá tra) liên tục tăng, trong khi giá bán không tăng tương ứng, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ông vua cá tra VHC giảm mạnh. Tại Hùng Vương (HVG), nguyên nhân là do doanh thu từ thức ăn chăn nuôi giảm do không đủ nguồn cung cấp cá giống, nông dân buộc phải cắt giảm sản lượng nuôi trồng, nhu cầu tiêu thụ thức ăn từ đó giảm theo.
Ngoài ra, một vấn đề cũng đã được nhiều chuyên gia đề cập đến đó là vấn đề liên quan đến chi phí lãi vay, Chế biến và Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Cà Mau (CMX) với khoản vay đến 450 tỷ đồng ngắn và dài hạn tại NH phải chi trả lãi vay hơn 13 tỷ đồng trong 6 tháng qua. Thủy sản An Giang (AGF) cũng khốn đốn vì lãi vay khi nợ vay tính đến 30/6/2017 là 874 tỷ đồng và trong niên độ 9 tháng chi phí lãi vay lên tới gần 42 tỷ đồng. Thủy sản Hùng Vương (HVG) có tổng vay và nợ thuê tài chính hơn 8.147 tỷ, vay nợ nhiều đã đẩy chi phí tài chính tăng cao và bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp này.
Với kết quả này tính đến hết quý 2, tỷ lệ hoàn thành mục tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp thủy sản cũng ở mức rất thấp, trong đó riêng HVG và ICF thua lỗ trong 9 tháng và 6 tháng kinh doanh thì khả năng hoàn thành mục tiêu kinh doanh là kém khả quan, hay như AGF cũng mới chỉ hoàn thành được chưa đến 10% kế hoạch cho dù cũng đã đi qua được tới 9 tháng của niên độ tài chính.