Đồng bằng sông Cửu Long: Rộ chuyện bán đất nông nghiệp
Ở vùng nông thôn, đất đai được xem là tài sản để mưu sinh, thế nhưng gần đây xu hướng nông dân bán đất nông nghiệp tăng mạnh. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bán đất nông nghiệp như gia đình có người đau bệnh, làm ăn thua lỗ, thiếu nợ… Đặc biệt hiện nay trồng lúa, nuôi cá tra, heo, gà… càng làm càng lỗ, dẫn đến đất đai không cánh mà bay.
Đất bán tràn lan, giá giảm mạnh
Về các vùng nông thôn ĐBSCL những ngày này đi đâu cũng thấy nông dân cắm bảng bán đất. Ông Phạm Văn Đầm, 67 tuổi, ở ấp Nhơn Thuận 1 A, xã Nhơn Nghĩa A, huyện Châu Thành A (Hậu Giang), tâm sự: “Gia đình có 5 công ruộng nằm ngay mặt tiền quốc lộ 61B, nhưng sản xuất không hiệu quả do lớn tuổi nên khó bám đồng xuyên suốt được. Riêng vụ hè thu này năng suất thấp, cộng giá lúa giảm mạnh, tính ra chẳng được gì. Hơn 50 năm làm lúa nhưng cuối cùng nghèo vẫn hoàn nghèo, đặc biệt mấy năm nay giá lúa bấp bênh quá nông dân chẳng có lời. Vì vậy, xong vụ lúa này tôi kêu bán hết đất để giải quyết một số việc gia đình, số tiền còn lại chuyển sang làm chuyện khác; chính thức chia tay với nông nghiệp”.
Chị Dương Thị Lan, ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A cho biết, gia đình có 2 công ruộng nhưng tới 4 miệng ăn, nên túng thiếu quanh năm. Cuối năm 2012, chồng bị bệnh phải đưa lên TPHCM điều trị tốn hơn 100 triệu đồng nhưng không hết. Nhà nghèo, nợ càng lúc càng nhiều, trong khi bệnh của chồng cứ nặng thêm buộc lòng phải “giải quyết” 2 công đất để xoay xở. Theo anh Nguyễn Văn Hòa, Trưởng ấp Trường Lợi, nếu như trước đây giá đất ruộng từ 90 - 100 triệu đồng/công, nay sụt chỉ còn 60 - 70 triệu đồng/công nhưng rất khó bán. Đất ruộng mất giá là do làm lúa không lời nên chẳng ai tha thiết đầu tư mua thêm ruộng.
Cùng với lúa, nhiều nông dân nuôi cá tra, tôm sú… cũng kêu bán đất tràn lan do thua lỗ. Bà Trần Thị Ngoặt, ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ) nhìn nhận, khoảng 3 năm nay giá cá tra tuột dốc không phanh khiến người nuôi nợ ngập đầu. Hiện tại xứ này khoảng 60% - 70% hộ nuôi cá bỏ nghề và kêu bán đất trả nợ với giá chỉ 100 triệu đồng/công, giảm phân nửa so với 6 năm trước nhưng không ai thèm mua. Tại An Giang, Đồng Tháp… những năm 2006 - 2008 đất nuôi cá tra từ 170 - 200 triệu đồng/công. Hiện giờ đất vị trí đẹp nằm cạnh sông Hậu giảm còn 100 - 120 triệu đồng/công; đất nằm phía trong giá có 70 - 80 triệu đồng/công… Số hộ kêu bán đông nhưng người mua rất ít. Còn ở Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau… hàng loạt hộ nuôi tôm cũng rao bán đất để xử lý nợ nần. Theo ông Phạm Văn Quắn, xã Mỹ Long Nam, huyện Cầu Ngang (Trà Vinh), mấy năm trước tôm trúng giá nên nhiều người mua đất, đẩy giá đất lên cao, đất tăng vùn vụt ai cũng giành mua. Khoảng 2 năm nay tôm bị dịch bệnh chết liên tục đẩy dân nuôi tôm vào cảnh nợ nần phải kêu bán đất. Giá đất tôm rớt còn 40 triệu đồng/công vẫn không bán được.
Nhiều hệ lụy
Thực trạng nông dân kêu bán đất tràn lan khiến chính quyền địa phương các tỉnh ĐBSCL hết sức lo lắng. Ông Hứa Sỹ Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng), cho rằng, sản xuất nông nghiệp không hiệu quả đã đẩy nông dân vào thế khó. Điển hình như dịch bệnh trên tôm bùng phát nhiều vụ liền nhưng các ngành chuyên môn chưa giúp dân phòng trị hiệu quả. Đến thời điểm này ở thị xã Vĩnh Châu chỉ thả nuôi được 4.000ha tôm/25.000ha theo kế hoạch; nhiều nông dân treo ao không dám nuôi hoặc kêu bán đất nhưng chẳng ai mua. Nếu tình hình đình đốn kéo dài, mọi việc sẽ rất xấu. Cùng trăn trở trên, ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Châu Phú, huyện Châu Phú (An Giang), lo lắng: “Đất nuôi cá tra bây giờ nuôi không được bởi hết vốn, còn bán không xong do giá cá quá thấp không ai dám đầu tư. Trong khi ao nuôi cá đào rất sâu nên khó san lấp để trồng lúa hoặc trồng cây khác. Thế là hàng loạt diện tích đất ao cá tra bỏ phế kéo dài gây lãng phí rất lớn”.
Để đất đai có giá trị trở lại và giảm tình trạng kêu bán tràn lan thì việc khôi phục sản xuất làm sao hiệu quả là vấn đề cấp bách đặt ra. Cái khó hiện tại của người nuôi tôm, nuôi cá… là thiếu vốn; trong khi ngân hàng rất ngại với những đối tượng này nên không dám cho vay tiếp. Các đại lý thức ăn và con giống cũng quay lưng với những nông dân nuôi thủy sản thua lỗ nên không chấp nhận bán thiếu, bán gối đầu như trước, làm mọi việc đã khó càng khó hơn. Nhiều hộ nuôi tôm và cá tra ở ĐBSCL kêu than, do không được hỗ trợ để tái đầu tư duy trì sản xuất nên chẳng biết lấy đâu ra tiền để trả nợ, con đường duy nhất là bán đất cũng bất thành. Hơn lúc nào hết, nông dân rất cần ngành chức năng vào cuộc trợ lực tới nơi tới chốn nhằm sớm khôi phục sản xuất, vừa ổn định cuộc sống - vừa tránh làn sóng bỏ quê ra các đô thị làm thuê.
Bài toán “nông nghiệp - nông thôn - nông dân” đang thách thức nghiêm trọng trong điều kiện sản xuất thua lỗ, giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Nhiều nông dân ĐBSCL đã chới với trước cảnh “trồng - chặt” chạy theo thị trường và hậu quả là phải bán đất để trả nợ. Các nhà chuyên môn cho rằng, sản xuất nông nghiệp đang mất lợi thế bởi thiếu chiến lược đường dài, thiếu liên kết, dự báo thị trường… và nông dân là người chịu thiệt đầu tiên.