Đồng Tháp hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp
Dự kiến, giai đoạn 2018 – 2025, tỉnh Đồng Tháp hoàn thiện chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao tại địa phương với hoạt động ổn định, bền vững.
Đồng thời, cung cấp cho toàn tỉnh 1,5 tỷ con cá tra giống chất lượng cao.
Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp Hội cá tra Việt Nam cho biết, quy hoạch cá tra giống hay cá tra thương phẩm phải tính tới yếu tố liên kết vùng. Hiện quy hoạch giống cá tra 3 cấp phải đầu tư hạ tầng cho vùng ương gồm: xây dựng hệ thống nước, làm thủy lợi, tính đến đầu vào, đầu ra , hệ thống điện, xử lý môi trường.
Trước đây, người dân tự sản xuất không kiểm soát được, thậm chí vùng không quy hoạch nhưng nhiều hộ dân vẫn làm. Do đó, phải sắp xếp lại sản xuất giống cá tra 3 cấp để ổn định vùng nuôi và phát triển bền vững.
Đồng bằng sông Cửu Long có hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn quy hoạch về sản xuất giống cá tra 3 cấp; trong đó, riêng tỉnh Đồng Tháp thực hiện cấp 2 và cấp 3. Cấp 2 là tham gia giữa doanh nghiệp và cơ sở sinh sản giống cá tra có năng lực.
Cấp 3 gồm các đơn vị nhận cá tra bột từ đơn vị cấp 2 ương dưỡng lên cá hương và lên cá giống để cung cấp cho các doanh nghiệp và trang trại trong chuỗi liên kết theo kế hoạch đặt hàng.
Từ đó, tỉnh tập trung sản xuất có kế hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng ương nuôi giống, tạo giống bố cá tra mẹ, tổ chức, cá nhân ương để liên kết các doanh nghiệp, đảm bảo môi trường, giải quyết thực trạng thừa, thiếu giống cá tra.
Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp hướng đến mục tiêu chuỗi sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao ổn định, bền vững để đáp ứng đủ nhu cầu con giống chất lượng cao tại địa phương và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Theo đó, con giống sẽ có thương hiệu, truy xuất được nguồn gốc.
Thời gian vừa qua, có thời điểm cá tra giống hơn 60.000 đồng/kg , kích cỡ 30 con/kg và đến tháng 7/2018 xuống còn 25.000 đồng/kg. Tình trạng này xảy ra bởi việc phát triển tràn lan giống cá tra trong khi doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đã cơ bản mua đủ con giống để nuôi.
Ông Quốc khuyến cáo trong việc nuôi cá tra giống, người dân không nên khi thấy giá cao lại tập trung nuôi nhiều và không nên nuôi ngoài vùng quy hoạch. Đồng thời, không đào thêm ao mới để nuôi, không nên tận dụng ao nuôi các loại cá khác chuyển sang sản xuất cá tra giống để hạn chế rủi ro cung vượt cầu; nên làm theo định hướng mang tính bền vững là thực hiện sản xuất giống cá tra 3 cấp.
Đồng Tháp là địa phương sản xuất giống cá tra lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với 68 cơ sở sinh sản và 1.160 cơ sở ương giống cá tra với diện tích khoảng 800 ha. Hàng năm cung cấp ra thị trường khoảng 13 tỷ cá bột và 1,2 tỷ cá giống phục vụ nuôi thương phẩm cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh.