TIN THỦY SẢN

Đồng Tháp: Tổ hợp tác nuôi ba ba thương phẩm hoạt động hiệu quả

Baba giống Thành Ngưỡng

Những năm gần đây, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Cao Lãnh thành công với mô hình nuôi các loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, điển hình là mô hình nuôi ba ba thương phẩm ở xã An Bình và xã Nhị Mỹ.

Năm 2005, anh Trần Đinh Toàn ở ấp An Định, xã An Bình thấy một số người nuôi ba ba, nên anh mua về nuôi thử 1.000 con. Qua 18 tháng nuôi, trọng lượng mỗi con trung bình từ 1,2 - 1,8kg, sau khi trừ đi chi phí anh còn lợi nhuận trên 200 triệu đồng. Sau đó, anh Toàn quyết định đầu tư mở rộng với quy mô lớn hơn, kể từ thời điểm đó đến nay, bình quân mỗi năm anh xuất bán từ 2 đến 3 tấn ba ba thương phẩm, lợi nhuận mỗi năm mang lại cho gia đình anh trên 300 triệu đồng.

Từ mô hình nuôi ba ba thương phẩm của anh Trần Đình Toàn đạt được năng suất cao trong nhiều năm liền, bà con trong và ngoài xã cũng bắt đầu học hỏi, chuyển đổi và mở rộng diện tích nuôi ba ba.

Như hộ chị Huỳnh Thị Thủy ở ấp Nguyễn Cử, xã Nhị Mỹ trước đó chị có nuôi 300 con ba ba, nhưng chưa nắm vững kỹ thuật nuôi nên bị thất thoát, lợi nhuận mang lại cũng không cao. Đến năm 2012, chị chọn mua 300 con giống ba ba của cơ sở anh Toàn về nuôi, qua 18 tháng, ba ba phát triển nhanh đạt trọng lượng từ 1,2 -1,5kg/con, chị xuất bán cho tổ hợp tác với giá 285.000/kg, cao hơn giá thị trường từ 10 ngàn - 15 ngàn đồng/kg, trừ đi chi phí chị lợi nhuận được trên 30 triệu đồng. Hiện tại, chị đang tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thả nuôi xoay vòng, với số lượng 1.300 con, hiện ba ba từ 2 đến 12 tháng tuổi và đang phát triển tốt.

Ba ba không phải quá dễ nuôi, phải có giống tốt, tuân thủ kỹ thuật, nhưng nhận thấy ba ba là vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao và phù hợp với điều kiện ở địa phương nên một số nông dân ở xã An Bình, huyện Cao Lãnh đã liên kết thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi và sản xuất ba ba với mong muốn cải thiện cuộc sống, tăng thu nhập cho gia đình. Mặc dù, đây là mô hình tổ hợp tác khá mới nên trong quá trình phát triển còn gặp nhiều khó khăn, nhưng qua hơn nửa năm hoạt động bước đầu tổ hợp tác đã mang lại kết quả khả quan.

Lúc đầu tổ thành lập chỉ có 13 tổ viên, với số lượng nuôi khoảng 20.000 con ba ba, nhưng sau thời gian đi vào hoạt động, Tổ hợp tác nuôi ba ba thương phẩm ấp An Định có 16 tổ viên, số lượng, diện tích ao nuôi và số con giống được thả nuôi tăng lên khoảng 27.000 con. Bên cạnh đó, các tổ viên cũng được tổ hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng ao nuôi, chọn con giống, nguồn thức ăn và xử lý các dịch bệnh trong quá trình nuôi. Nhờ áp dụng đúng quy trình kỹ thuật và bằng kinh nghiệm thực tiễn thông qua mỗi đợt nuôi, nên các hộ nuôi lúc nào cũng có ba ba thịt cung ứng cho thị trường. Ông Nguyễn Tấn Lực - Chủ tịch Hội nông dân xã An Bình cho biết: “Nghề nuôi ba ba ở đây cũng không phải là mới, trước đó có một số bà con nuôi, do có một số hộ nuôi đạt, một số hộ nuôi chưa đạt nên Hội vận động bà con liên kết lại vào tổ hợp tác, sau khi vào tổ thì các thành viên học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với nhau về khoa học kỹ thuật, nhất là khâu phòng trị bệnh, cách chăm sóc bảo quản, nên các hộ nuôi ba ba đạt chất lượng cao hơn so với trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm cũng ổn định về giá cả. Hướng tới, Hội sẽ mở rộng quy mô đầu tư con giống để nâng nguồn thu nhập cho bà con nông dân”.

Với hiệu quả kinh tế mà tổ viên tổ hợp tác ấp An Định đạt được trong thời gian qua, cùng với sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, hứa hẹn sẽ nâng diện tích nuôi ba ba đạt hiệu quả cao trên địa bàn xã trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện tại tổ hợp tác đang rất cần sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật chuyên sâu hơn nữa của các ngành chuyên môn để tạo sự yên tâm lâu dài cho người nuôi ba ba.

Thành Ngưỡng Báo Đồng Tháp