TIN THỦY SẢN

Đột phá công nghệ cao "xứ rươi"

"Ước gì cho đến tháng mười. Bát cơm thì trắng bát rươi thì đầy". Ảnh GĐ Trung Quân - Võ Việt

Năm 2022, huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) sẽ phát triển 1 liên vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại 3 xã Quang Phục, Tân Kỳ, Tái Sơn.

Khai thác tiềm năng rươi

Theo UBND huyện Tứ Kỳ (Hải Dương), đến hết năm năm 2021 có 6 vùng bảo tồn và khai thác rươi - cáy với diện tích hơn 267 ha, năng suất rươi ước đạt 0,8 tấn/ha, cáy 2,8 tấn/ha, giá trị đạt 300 - 400 triệu đồng/ha. Dự kiến đến năm 2025, diện tích khai thác rươi, cáy của huyện sẽ tăng lên 625 ha.

Ông Hà Văn Bẩy, Giám đốc Công ty TNHH Đặc sản rươi - cáy Hà Tiến, thôn An Định, xã An Thanh (Tứ Kỳ) cho biết: Hiện, trung bình mỗi tháng Công ty chế biến từ 5 - 6 tạ rươi tươi. Thời gian tới, khi người dân mở rộng diện tích khai thác rươi, cáy trong vùng nội đồng, công ty sẽ nâng công suất chế biến lên 1,2 - 1,5 tấn/tháng. Hai sản phẩm chả rươi và rươi niêu Hà Tiến của Công ty đã được cấp chứng nhận OCOP 3 sao.

Ông Bẩy thông tin: Với đặc tính rươi chỉ sống được trong môi trường đất, nước an toàn, không có thuốc bảo vệ thực vật… nên sản phẩm chế biến từ rươi hoàn toàn có thể đáp ứng được mọi yêu cầu về an toàn thực phẩm và xuất khẩu. Giá bán rươi tươi trung bình từ 400.000 - 450.000 đồng/kg (có thời điểm giá bán 650.000 - 700.000 đồng/kg).

Tuy nhiên hiện nay rươi chủ yếu được xuất bán sang thị trường Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, nên công tác tiêu thụ không ổn định, bấp bênh theo sự thay đổi của đầu mối thu mua. Do đó, để việc khai thác rươi phát triển bền vững, cần xây dựng được kênh tiêu thụ bài bản nếu đưa được sản phẩm rươi xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc sẽ thuận lợi hơn rất nhiều cho sản xuất và tiêu thụ.

Ông Đào Văn Soái, Phó Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết: Đến nay, toàn huyện có 10 sản phẩm được chứng nhận OCOP cấp tỉnh. Trong đó, 6 sản phẩm OCOP 4 sao (rươi cấp đông, cáy cấp đông, nấm sò, nấm mỡ, nấm hương, nấm đồng trùng hạ thảo), 4 sản phẩm OCOP 3 sao (gão bãi rươi An Thanh, chả rươi, rươi niêu Hà Tiến, chim bồ câu pháp thảo dược).

Xây dựng liên vùng thủy sản ứng dụng công nghệ cao

Tại những vùng nuôi thâm canh, năng suất đạt bình quân 10 - 15 tấn/ha, cá biệt có hộ sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao năng suất đạt từ 30 - 40 tấn/ha. Đối với cá lồng, có 925 lồng nuôi, sản lượng hơn 2.500 tấn/năm. Cũng theo bà Hà, nhằm đẩy mạnh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, hữu cơ, bảo vệ môi trường…, UBND huyện đã ban hành kế hoạch thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững giai đoạn 2021 - 2025” của UBND tỉnh trên địa bàn huyện Tứ Kỳ.


Khi nuôi tập trung công nghệ cao sẽ dễ dàng tiếp cận được với những đơn vị chế biến uy tín, việc phát triển, xây dựng chuỗi liên kết nuôi gia công, sản xuất tiêu thụ sẽ thuận lợi, bền vững hơn so với việc tự sản xuất và bán cá theo giá trôi nổi trên thị trường hiện nay. Ảnh commons

Theo đó, năm 2022, huyện sẽ phát triển 1 liên vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao tại 3 xã Quang Phục, Tân Kỳ, Tái Sơn với diện tích 296 ha, thu hút 455 hộ tham gia. Hỗ trợ xây dựng mô hình ứng dụng kỹ thuật thâm canh công nghệ cao nuôi trồng thủy sản với quy mô 5 ha tại xã Quang Phục (máy cho ăn tự động, thiết bị theo dõi cảm biến tự động thông minh kết nối với điện thoại, hệ thống quạt nước tự động…).

Ông Nguyễn Đình Toản, Giám đốc HTX Thủy sản Công nghệ cao Tưởng An (xã Quang Phục) hào hướng thông tin: HTX có 25 ha tham gia vào đề án phát triển liên vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao của huyện. Khi tham gia mô hình, HTX đã hoàn toàn thay đổi phương thức nuôi truyền thống trước đây sang sử dụng những thiết bị hiện đại như máy sản xuất thức ăn giúp HTX tạo nên thức ăn riêng biệt cho cá theo công thức dinh dưỡng khoa học, giúp giảm chi phí đầu vào, nhất là trong bối cảnh giá thức ăn chăn nuôi đang tăng cao như hiện nay.

Máy cho ăn tự động giúp giảm 8 - 10% chi phí thức ăn, tăng sản lượng cá thêm 10% so với cách cho ăn thông thường. Ông Toản lý giải, khi cho ăn bằng máy sẽ giúp tiết kiệm được nhân công lao động, hạn chế được việc đổ thẳng thức ăn xuống ao, cá không ăn hết vừa lãng phí vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Máy có chế độ hẹn giờ ăn, đảm bảo khối lượng thức ăn phù hợp nên đảm bảo cho đàn cá được ăn đồng đều, đúng giờ, tăng khả năng hấp thụ nên tốc độ sinh trưởng và phát triển của cá tốt hơn.

Bên cạnh đó, HTX lắp hệ thống camera giám sát kết nối với điện thoại thông minh để giám sát hoạt động của các thiết bị, phát hiện sớm những bất thường khi có thay đổi môi trường trong ao nuôi và các biểu hiện của cá để có hướng xử lý phù hợp, kịp thời. Nhờ đó, trung bình trước đây HTX xuất bán ra thị trường 400 tấn/năm, khi phát triển nuôi công nghệ cao năng suất có thể đạt 800 - 900 tấn/năm. “Khi nuôi công nghệ cao sẽ giúp sản lượng tăng lên so với cách nuôi truyền thống. Chi phí đầu vào như nhau nhưng sản lượng cá tăng cao hơn, từ đó người nuôi sẽ có lãi cao hơn”, ông Toản cho hay.

Bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ chia sẻ: Trên tinh thần 6 dám “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đột phá sáng tạo và dám đương đầu với khó khăn, thử thách" và 5 rõ "rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ hiệu quả, rõ trách nhiệm", năm 2022, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp - thuỷ sản của huyện sẽ phấn đấu tăng 2%; giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng 15%; giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 1,3%, hộ cận nghèo xuống còn 2,4% theo tiêu chí mới; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 92%; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 44,8%... Tứ Kỳ sẽ bứt phá để trở thành một vùng quê đáng sống đúng nghĩa.

Trung Quân - Võ Việt Nông nghiệp Việt Nam