Dự án Khu bảo tồn biển Lý Sơn: Cho ngư dân vay ưu đãi đóng tàu công suất lớn
Nhằm bảo tồn, phát triển hệ sinh thái biển, bảo vệ tốt môi trường biển và nguồn lợi hải sản đang dần cạn kiệt, vào giữa tháng 2.2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn cũng sẽ là điểm nhấn để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho người dân huyện đảo Lý Sơn được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, dự án trên lại ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của gần 700 hộ dân sống trên đảo.
Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền 15 hải lý, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh quan trọng trên biển và đất liền của cả khu vực miền Trung. Diện tích tự nhiên hơn 10km2 gồm có 3 xã An Vĩnh, An Hải và An Bình với tổng dân số 4.000 hộ dân với khoảng 22.000 người. Trong đó, 40% dân số Lý Sơn sinh sống chủ yếu nghề đánh bắt thủy sản.
Giữa tháng 2.2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi có quyết định thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn, nằm trong quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích gần 8.000ha, trong đó có hơn 7.000ha mặt nước biển. Khu bảo tồn được chia thành 3 vùng chức năng (vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng phát triển) và vành đai bảo vệ.
Tuy nhiên theo tính toán, nếu triển khai dự án trên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của gần 700 ngư dân ở huyện Lý Sơn chuyên đánh bắt gần bờ. Ngư dân Nguyễn Tấn Thành - trú thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn - cho biết, nguồn sống của gia đình phụ thuộc chủ yếu vào nguồn đánh bắt hải sản ven bờ. Từ tháng 1 - 6, anh Thành thường lặn bắt ốc cừ hoặc bắn cá ở ven bờ, mỗi đêm thu nhập từ 500 - 600 nghìn đồng, đủ để nuôi vợ và 3 người con ăn học. “Nếu bị cấm khai thác ven bờ thì cả gia đình không biết sống sao. Mấy người có tàu công suất lớn thường đi đánh bắt xa. Còn như tôi do không có vốn để đóng tàu thì phải đánh bắt ở gần bờ” - ngư dân Thành buồn bã. Ngư dân Võ Minh Sơn - trú thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn - khẳng định, nếu được chính quyền địa phương hỗ trợ cho vay vốn ưu đãi thì ông sẽ đóng con tàu công suất lớn để vươn khơi. Được biết, hơn 10 năm nay, nguồn thu chủ yếu của gia đình ông Sơn chủ yếu từ nghề câu mực ở gần bờ, mỗi đêm thu nhập gần 1 triệu đồng.
Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, việc thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn với mục đích bảo tồn, phát triển hệ sinh thái biển, bảo vệ tốt môi trường biển và nguồn lợi hải sản. Khu bảo tồn cũng sẽ là điểm nhấn để phát triển du lịch, tạo điều kiện cho người dân Lý Sơn được hưởng lợi từ các dịch vụ du lịch. Nhưng nếu triển khai dự án sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của gần 700 ngư dân sống bằng nghề đánh bắt gần bờ. Do đó huyện đang nghiên cứu, lên phương án chuyển đổi nghề nghiệp, đảm bảo sinh kế cho số ngư dân bị ảnh hưởng, như đề xuất có cơ chế cho họ vay vốn ưu đãi để đóng tàu có công suất lớn hơn. Những trường hợp ngư dân khai thác bằng các dụng cụ thô sơ như: Lặn bắt hải sản, hái rong biển, câu mực... sẽ có chính sách đào tạo nghề phù hợp. Ví dụ như cho ngư dân làm hướng dẫn viên du lịch, dịch vụ, xe ôm, hoặc hướng dẫn cho khách du lịch đi lặn biển...
“Sắp tới đây, chính quyền địa phương sẽ tiến hành đối thoại, gặp gỡ để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của gần 700 ngư dân bị ảnh hưởng. Đồng thời tiến hành nghiên cứu các phương án hỗ trợ người dân, đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân cũng như trong cán bộ, đảng viên. Nâng cao nhận thức điều kiện tốt nhất cho hoạt động của khu bảo tồn biển” - bà Hương cho hay.