TIN THỦY SẢN

Dự án phát triển công nghệ sản xuất tôm sú cỡ lớn ở Brunei

Bộ trưởng Pehin Dato Haji Yahya (giữa) – Bộ Tài nguyên chính và Công nghiệp Brunei mới đây đã đến thăm dự án nuôi tôm sú cỡ lớn. Chú thích: Cảnh hệ thống thu hoạch tôm bằng máy ở phía sau.

Một dự án 5-năm được thực hiện ở Brunei Darussalam để phát triển công nghệ tiên tiến phục vụ cho sản xuất tôm sú cỡ lớn.

 Dự án đã thiết lập một phòng thí nghiệm chẩn đoán bệnh toàn diện, sản xuất các đàn giống sạch bệnh, bắt đầu lai giống chọn lọc đến thệ hệ thứ 5, phát triển thức ăn hiệu suất cao và thiết kế ao nuôi thân thiện môi trường và hiệu quả. Sự kết hợp các công nghệ này đã và đang giúp cho khả năng sản xuất tôm sú cỡ lớn có hiệu quả và có thể đi đến một sự hồi sinh loài tôm này ở  Châu Á. Trong những năm cuối 1960 và 1970, các nhóm tiên phong trên khắp thế giới đã cố gắng để ứng dụng các kỹ thuật nuôi tôm do Tiến sĩ Motosaku Fujinaga triển khai ở loài tôm địa phương tại Nhật. Hầu hết các nỗ lực đó đã chứng tỏ không thành công.

Ở Đài Loan, tiến sĩ I. Chiu Liao đã chọn tôm sú Penaeus monodon trong số vài loài tôm nuôi tốt nhất vì loài này đẻ nhiều trứng, phát triển với tốc độ nhanh nhất, thích nghi tốt với thức ăn nhân tạo và quy mô ao nuôi thâm canh. Nhóm nghiên cứu của ông đã triển khai các kỹ thuật cho tôm trưởng thành sinh sản, nuôi tôm post và nuôi tôm thương phẩm trong các ao có sục khí với thức ăn chế biến. Từ đó đưa đến một ngành nghề phát triển nhanh và Đài Loan đã trở thành trung tâm của công nghệ nuôi tôm ở khu vực châu Á.

Tôm sú được phân bổ rộng khắp Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, vì thế các trại ương giống trong khu vực có thể dễ dàng bắt được tôm cái từ biển. Vì thế, công nghệ Đài Loan đã được chuyển giao khắp châu Á và tôm sú đã trở thành loài tôm nuôi chiếm ưu thế. Theo thời gian, tôm cái hoang dã dần dần đã bị nhiễm nhiều loại bệnh khác nhau và các trang trại sản xuất tôm sú đều bị sụp đổ.

Sau dịch bệnh hội chứng virút đốm trắng năm 1990, loài tôm thẻ chân trắng Litopenaeus vannamei cải tiến gien, sạch bệnh (SPF) đã được đưa vào Châu Á. Năng suất ao tăng cao và nông dân khắp Châu Á nhanh chóng chuyển đổi từ tôm sú nhiễm bệnh sang tôm thẻ sạch bệnh. Việc chuyển đổi này đã trở nên phố biến và dẫn đến tôm cỡ nhỏ và trung bình tụt giá.

Dự án Brunei

Năm 2007, Bộ Thủy sản Brunei Darussalam và Công ty Integrated Aquaculture International đã thực hiện một dự án 5-năm để phát triển công nghệ nuôi tôm sú có hiệu quả để đạt tôm cỡ lớn cao cấp. Đó là một trong nhiều sáng kiến khác nhau của Bộ Công nghiệp và Tài nguyên chính Brunei Darussalam để phát triển ngành nghề định hướng xuất khẩu dựa vào các nguồn tài nguyên tự nhiên có thể khôi phục được.

Dự án bao gồm nhiều bộ phận như quản lý sức khỏe, lai giống chọn lọc, dinh dưỡng và ao nuôi. Bài viết này đưa ra tổng quan của dự án và các kết quả đạt được từ đó. Các bài viết sau đó sẽ cung cấp thêm thông tin về mỗi bộ phận trong dự án.

Quản lý sức khỏe

Nhằm phục hồi khả năng tự nhiên của tôm sú để sinh sản nhiều trứng, thích nghi sống trong môi trường ao nuôi thâm canh và tăng trưởng nhanh đạt kích cỡ lớn thì cần các đàn giống sạch bệnh. Bước đầu tiên trong xây dựng quy trình này là việc thiết lập Trung tâm Dịch vụ Sức khỏe Động vật Thủy sản ở Brunei Darussalam – một phòng thí nghiệm chẩn đoán có khả năng xử lý nhanh số lượng lớn các mẫu để phát hiện mầm bệnh tôm đã biết và mới nổi. Trung tâm được trang thiết bị để xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) truyền thống (conventional) và thời gian thật (real-time) với máy tách ADN tự động, nghiên cứu mô bệnh học với máy xử lý, nhuộm mô tự động và nghiên cứu vi sinh.

Khi trung tâm sức khỏe được thành lập xong, tôm sú trưởng thành (thế hệ F0) đã được đưa về từ việc đánh bắt ngoài khơi vùng nước dọc bờ biển Brunei Darussalam. Coi như mỗi cá thể tôm mẹ hình thành một gia hệ và phải trải qua quá trình 2 năm kiểm dịch sơ cấp và thứ cấp với việc xét nghiệm chẩn đoán nghiêm ngặt của mọi giai đoạn sống đối với 15 loại mầm bệnh cụ thể.

Nếu bệnh được phát hiện ở một gia hệ nhất định ở bất kỳ giai đoạn nào thì gia hệ đó sẽ bị loại bỏ. Chỉ sau khi qua thời gian hai năm kiểm dịch, khi thế hệ F2 được sinh ra không phát hiện bệnh thì mới được xem là lứa con sạch bệnh SPF và được chuyển đến trung tâm lai giống bố mẹ.

Lai giống chọn lọc

Dựa vào quá trình kiểm dịch liên tục hơn 5 năm qua, trung tâm lai giống đã nuôi dưỡng nhiều gia hệ tôm từ thế hệ F2 đến F5. Trung tâm áp dụng mức độ an toàn sinh học cao, nguồn nước được tẩy trùng, người có phận sự mới được vào, cơ sở trang thiết bị trong nhà phục vụ thành thục, sinh sản, nuôi ấu trùng, ương giống, nuôi tôm trưởng thành và ao nuôi tăng trưởng. Các gia hệ được nuôi tách biệt đến kích cỡ 3g, tại thời điểm đó chúng được gắn thẻ bằng máy tiêm huỳnh quang đàn hồi ở cơ đuôi và được đưa vào ao nuôi chung.

Một nhóm gia hệ ngang hàng được gắn thẻ để nuôi trong các ao nuôi an toàn sinh học. Khi tôm đạt từ 25 đến 30g. các gia hệ và các cá thể trong mỗi gia hệ tốt nhất được chọn lọc làm bố mẹ cho thế hệ tiếp theo. Tiêu chuẩn chọn lọc chính là mức tăng trưởng, tỷ lệ sống và hiệu suất sinh sản.

Dinh dưỡng

Trung tâm Nghiên cứu Dinh dưỡng tôm được thiết lập với 40 bồn quy mô nhỏ 1,8m3 để thực hiện tiếp tục các thử nghiệm sử dụng gia hệ tôm sạch bệnh SPF để đánh giá thành phần thức ăn, hàm lượng dinh dưỡng và chế độ thức ăn thương phẩm. Các thử nghiệm 8 tuần ở hơn 20 bồn đã được thực hiện sử dụng thức ăn chế biến và sản xuất tại chỗ tới thời điểm đó. Chương trình dinh dưỡng chuẩn bị chế độ thức ăn hiệu suất cao dựa vào công thức của trung tâm để bổ sung vào thức ăn nuôi tăng trưởng và thức ăn hỗ trợ sinh sản. Trung tâm cũng phát triển thêm các công thức để giảm và thay thế thức ăn từ cá.

Ao nuôi

Trung tâm Phát triển và Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản (ARDC) là một trang trại quy mô thí điểm mới với 15 ao diện tích 0,25ha/ao và 2 ao diện tích 0,7ha/ao. Cơ sở được thiết kế để kiểm tra các công nghệ mới phục vụ sản xuất tôm sú cỡ lớn. Công nghệ có hiệu suất tốt nhất từ trang trại quy mô thí điểm sẽ được áp dụng ở trang trại 100 ha đang chuẩn bị xây dựng gần đó. Để tránh sự truyền nhiễm bệnh từ vật/người mang mầm bệnh trong nguồn nước cấp, nước biển dùng cho trang trại thí điểm được đưa từ đường hầm lọc bên trong bãi cát biển. Nhằm tránh các tác động gây suy yếu mức tăng trưởng do quá trình tích tụ bùn và suy thoái chất lượng nước, các ao được thiết kế lót bạt nhựa và các đường nước thoát tự làm sạch khác nhau. Để giảm tối thiểu các yêu cầu về năng lượng và nước, các ao được trang bị hệ thống tái sử dụng nước trung tâm và nhiều loại sục khí thực nghiệm.


Các ao có lót bạt, sục khí được trang bị hệ thống cho ăn tự động và cho ăn thức ăn chế biến nhiều lần hàng ngày.

Kiểm tra nhiều loại thức ăn thương phẩm khác nhau và một trong các loại thức ăn hiệu suất cao đã được lựa chọn cho vụ nuôi thử nghiệm. Để tối đa hóa hiệu suất thức ăn, các ao được trang bị một hệ thống cho ăn trung tâm và kiểm soát bằng khí nén. Sử dụng hệ thống xử lý hắc tố và thu hoạch bằng máy để bảo đảm sản phẩm cuối cùng có chất lượng cao cấp.

Vụ nuôi thử nghiệm

Ở vụ nuôi thử nghiệm đầu tiên, tôm sú post 30 ngày tuổi được sản xuất từ tôm bố mẹ sạch bệnh SPF và được thả vào các ao ARDC ở mật độ từ 20 – 30 con/m2 (Bảng 1). Sự chậm trễ bất ngờ ở các ao có lót bạt đã dẫn đến việc phải thả giống ở môi trường nước ao trong không có mật độ tảo phát triển bình thường. Trong các tuần đầu tiên sau khi thả, quan sát thấy có một số tôm bất thường. Phân tích mô bệnh học đã phát hiện các dấu hiệu về các cục u nhỏ hóa đen ở cơ đuôi và viêm đường ruột xuất huyết. Đó là do tình trạng căng thẳng liên quan tới việc thả tôm ở điều kiện nước trong và các chất độc có liên quan đến sự phát triển trội của tảo độc hại nở hoa ở một số ao giai đoạn đầu.

Trong suốt vụ nuôi, nước thải từ các ao được tháo ra một mương thoát nước, được bơm vào hệ thống xử lý 3 giai đoạn và được đưa về lại các ao. Không có nước mới được đưa vào trừ lượng nước mưa. Chất lượng nước được theo dõi hai lần hàng ngày ở mỗi ao trong suốt vụ nuôi và được duy trì trong phạm vi bình thường. Thức ăn được phân bổ ở mỗi ao 6 – 12 lần / hàng ngày và mức độ cho ăn được điều chỉnh hàng tuần dựa trên ước lượng tỷ lệ sống và mức tăng trưởng.

Kết quả

Sau ngày 103 đến ngày 146, các ao được thu hoạch. Các kết quả của 12 ao diện tích 0,25ha/ao được tóm tắt ở bảng 1. Tỉ lệ sống trung bình là 57%, có phần thấp hơn mong đợi bởi tình trạng  căng thẳng ở nhiều ao trong giai đoạn thả do điều kiện nước trong không mong muốn.

Tôm tăng trưởng ở mức từ 2,3 – 3,3g/ tuần đến kích cỡ từ 40 đến 61g với hệ số chuyển đổi (FCR) trong khoảng 1,21 đến 1,68. Tốc độ tăng trưởng nhanh, kích cỡ lớn, hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp là một minh chứng hứa hẹn của tiềm năng sản xuất tôm sú cỡ lớn có hiệu quả. Các kết quả có khả năng sẽ tiếp tục cải thiện bởi sự phát triển chọn lọc gien và các quy trình quản lý ao tiên tiến được cải tiến.

Thông số sản xuất của tôm sú sạch bệnh được nuôi trong các ao thâm canh diện tích 0,25ha ở Brunei Darussalam.

Thông số

Trung bình

Phạm vi

Mật độ thả (con/m2)

Ngày nuôi

Tỉ lệ sống (%)

Sản lượng (MT/ha)

Cỡ thu hoạch (g/con)

Hệ số chuyển đổi thức ăn

Mức tăng trọng hàng tuần (g)

22

130

57

6.1

50.1

1.49

2.8

20-30

103-146

27-84

2.3-10.6

40.0-61.0

1.21-1.68

2.3-3.3

 

ATC Vietnam (Global Aquaculture Advocate)