Gắn khai thác với chế biến, xuất khẩu thủy hải sản
Tỉnh Quảng Trị có chiều dài bờ biển 75 km, trải dài trên 4 huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng và huyện đảo Cồn Cỏ với ngư trường rộng gần 8.400 km2 , trữ lượng thủy sản khoảng 60.000 tấn/ năm. Tuy nhiên việc khai thác phải gắn với chế biến, xuất khẩu mới nâng cao giá trị kinh tế.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 2.273 tàu cá với tổng công suất 128.646 CV thu hút 7.500 lao động biển. Toàn tỉnh có trên 100 cơ sở chế biến cá hấp, 40 cơ sở sản xuất nước mắm, 2 nhà máy chế biến thủy sản, 30 cơ sở sản xuất nước đá, hơn 5 cơ sở sản xuất ruốc, đặc biệt có cơ sở sản xuất ruốc bột quy mô xuất khẩu sang thị trường Lào. Hằng năm, sản lượng chế biến hải sản khoảng 20.000 tấn, chủ yếu là sản phẩm cá nục và cá cơm.
Nghề hấp sấy cá mang lại thu nhập đáng kể cho người dân xã Gio Việt, huyện Gio Linh - Ảnh: T.T
Huyện Gio Linh là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển với bờ biển dài 16 km. Khu vực biển có 4 xã Gio Việt, Gio Hải, Trung Giang và thị trấn Cửa Việt; có 2 vùng cửa lạch Cửa Việt, Cửa Tùng, đặc biệt có khu dịch vụ-du lịch Cửa Việt được đầu tư xây dựng quy mô 141 ha. Để xây dựng Gio Linh trở thành một trong những huyện mạnh về biển, giàu từ biển, gắn với bảo đảm quốc phòng-an ninh, huyện đã chủ động đầu tư, nâng cấp, cải hoán, đóng mới tàu thuyền, trang thiết bị đánh bắt hiện đại, chuyển đổi ngành nghề khai thác, cải tạo nâng cấp một số loại nghề có hiệu quả, ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật, công nghệ mới, góp phần nâng cao sản lượng cũng như giá trị đánh bắt”.
Toàn huyện Gio Linh hiện có 939 tàu cá với tổng công suất 80.474 CV, trong đó có 169 tàu đánh bắt xa bờ với công suất từ 400 CV trở lên. Tổng sản lượng khai thác, nuôi trồng thủy hải sản năm 2019 đạt 15.200 tấn. Bên cạnh đó các dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển tương xứng với năng lực đánh bắt; các cơ sở sản xuất, chế biến được mở rộng về quy mô và công suất. Sản lượng chế biến hải sản bình quân hằng năm đạt từ 18.000-20.000 tấn, giá trị sản xuất ngành thủy sản chiếm 39,3% trong ngành nông nghiệp. Đến nay, toàn huyện có 62 cơ sở hấp sấy cá, 15 cơ sở chế biến nước mắm có thương hiệu, giải quyết việc làm tại chỗ cho hơn 873 lao động với mức thu nhập từ 5-6 triệu đồng/người/tháng; một số cơ sở đạt doanh thu từ 300-450 triệu đồng/năm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân vùng biển.
Ngoài ra, huyện Gio Linh cũng phối hợp triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn; khuyến khích doanh nghiệp xây dựng các khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, khách sạn; mở rộng nâng cấp quy mô dịch vụ ở các bãi tắm cộng đồng. Hiện nay, toàn huyện có khoảng 942 cơ sở thương mại-dịch vụ, trong đó có 87 cơ sở dịch vụ bãi tắm, 24 khách sạn, nhà nghỉ, bình quân hằng năm thu hút hơn 50.000 lượt du khách về tắm biển, nghỉ dưỡng.
Ngư dân thị trấn Cửa Việt huyện Gio Linh được mùa cá thu - Ảnh: T.T
Nhận thức rõ vị trí chiến lược của biển và vai trò quan trọng của ngành thủy sản đối với sự nghiệp phát triển kinh tế của tỉnh nhà, những năm qua Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện tổ chức lại hoạt động khai thác thủy sản theo hướng giảm dần khai thác gần bờ, đẩy mạnh khai thác tại các vùng biển xa bờ đi đôi với thực hiện đồng bộ công tác đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân. Tính đến nay, toàn tỉnh đã đóng mới được 25 tàu cá khai thác xa bờ, trong đó có 17 tàu vỏ thép, 1 tàu vỏ composite và 7 tàu vỏ gỗ, nâng cấp được 93 tàu cá đảm bảo đủ điều kiện vươn khơi đánh bắt. Những năm qua thị trường Trung Quốc là nơi tiêu thụ chính cá nục khô và cá cơm khô do người dân chế biến. Tuy nhiên từ năm 2019, trước sự thay đổi chính sách nhập khẩu của Trung Quốc nên việc xuất khẩu cá khô của người dân trong tỉnh gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình trên, ngành thủy sản đã hướng dẫn, phổ biến để ngư dân và các chủ cơ sở hấp sấy cá biết được quy định của các nước để đảm bảo an toàn thực phẩm, có giấy chứng nhận cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tiến tới xuất khẩu vào thị trường châu Âu.
Để sớm xóa bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục tuyên truyền, ngăn chặn việc ngư dân khai thác thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài và khẩn trương khắc phục những tồn tại mà Ủy ban châu Âu đã khuyến nghị. Triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và quản lý nguồn lợi thủy sản, gắn với quản lý nghề cá, từng bước giải quyết dứt điểm các hành vi vi phạm về hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định. Nâng cao hơn nữa công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong khai thác, nuôi trồng thủy sản, đồng thời hướng dẫn tốt hơn công tác bảo quản, chế biến hải sản, kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các cơ sở chế biến hải sản…Thực hiện tốt các khâu xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu thủy sản, đáp ứng yêu cầu của các nước châu Âu.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Hồ Xuân Hòe cho biết thêm: “Trong thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tập trung thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, gắn khai thác, nuôi trồng thủy sản với bảo vệ môi trường biển. Thiết lập và đưa vào vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin giám sát tàu cá, nắm bắt kịp thời thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, cứu nạn, bảo đảm an toàn sản xuất cho ngư dân. Trong phát triển nuôi trồng thủy sản, chú trọng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao, đầu tư công nghệ, kỹ thuật nuôi và con giống, làm tiền đề cho thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp, giảm áp lực khai thác nguồn lợi ven bờ. Tổng kết, đánh giá các mô hình tổ, đội, hợp tác sản xuất trên biển của các địa phương, qua đó có những chính sách khuyến khích và hỗ trợ ngư dân; đồng thời, phổ biến, nhân rộng các mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế cao trên phạm vi toàn tỉnh...”.