TIN THỦY SẢN

Ghé thăm trang trại nuôi lươn khủng nhất miền Tây

Mô hình nuôi lươn thịt trong bể xi măng. Hồng Cẩm

Chủ trại trang trại nuôi lươn khủng nhất miền Tây vốn là kỹ sư làm cho doanh nghiệp nước ngoài với mức lương ngàn đô nhưng bỏ về quê nuôi lươn không bùn.

Trang trại nuôi lươn không bùn, nuôi lươn giống Thanh Tân của anh Nguyễn Thanh Tân, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) là nơi cung ứng lươn giống chất lượng hàng đầu khu vực ĐBSCL.

Thành công với con lươn đồng sau 20 lần thất bại

Anh Nguyễn Thanh Tân, chủ trang trại nuôi lươn Thanh Tân, cho biết, năm 2010 anh bắt đầu khởi nghiệp nuôi lươn đồng sau khi bỏ việc ở một doanh nghiệp nước ngoài với mức lương hơn 1.000 USD. Sau nhiều ngày lên mạng tìm hiểu các mô hình làm kinh tế hiệu quả, anh thấy mô hình nuôi lươn thịt đang hút thị trường, cho lợi nhuận cao nên anh bắt đầu nghiên cứu nuôi lươn.

Lúc đầu anh Tân mua lươn giống do dân bắt được ngoài đồng về nuôi thành lươn thịt nhưng do thiếu kỹ thuật nuôi lươn nên anh thất bại liên tiếp. Năm 2012 anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi lươn đồng bài bản, nhất là sau các chuyến đi thực tế tham quan mô hình nuôi lươn đồng, cộng với kiến thức nghiên cứu trên mạng, anh mạnh dạn bắt tay vào thực nghiệm nuôi lươn giống.

Thời gian đầu việc nuôi lươn giống vô cùng khó khăn, anh Tân thất bại liên tục, lươn đẻ trứng xong, đưa vào khu ấp thì trứng bị hư nguyên cả mẻ, hoặc trứng nở rất ít. Thua lỗ liên tục, tài sản bao nhiêu năm tích cóp dần mất hết khiến anh Tân chán nản muốn bỏ cuộc.

Rất may anh luôn có vợ, một người cùng đam mê nuôi lươn đồng luôn ở bên động viên. Những lúc ương lươn giống thất bại liên tiếp, anh Tân buồn, buông không làm nữa thì vợ anh lên mạng internet nghiên cứu và ngày đêm thức canh theo dõi. Thấy vậy anh quyết tâm cùng vợ ngày đêm quên ăn, quên ngủ nghiên cứu cách nuôi lươn giống. Cuối cùng ông trời không phụ lòng người, năm 2015 vợ chồng anh đã tìm ra được nguyên nhân thất bại và  dần xây dựng được quy trình kỹ thuật ương lươn giống chất lượng.

Sau khi nuôi lươn giống thành công, anh Tân thành lập trang trại nuôi lươn giống tại quê nhà, chuyên nuôi lươn giống nhân tạo, cung cấp lươn giống cho các hộ, đơn vị, doanh nghiệp nuôi thành lươn thịt thương phẩm với công nghệ nuôi lươn không bùn (nuôi công nghiệp) trong nước và xuất khẩu. Hiện tại trang trại lươn Thanh Tân ứng dụng các phương pháp kỹ thuật mới, cho lươn bố mẹ sinh sản và tỉ lệ ấp nở đạt đầu con giống lên đến 90%, mỗi năm cung ứng ra thị trường hàng triệu con giống chất lượng.

Miền núi phía Bắc cũng có thể phát triển nuôi lươn tốt

Sau khi chia sẻ về tập tính của lươn cũng như kỹ thuật nuôi lươn không bùn với đoàn, anh Nguyễn Thanh Tân cho biết, hiện tại trang trại của anh cung ứng lươn giống cho khách hàng cả nước. Đặc biệt gần đây anh bắt đầu cung ứng lươn giống ra các tỉnh phía Bắc và có nhiều mô hình nuôi lươn thịt triển khai rất thành công.


Chỉ cần áp dụng đúng kỹ thuật, miền núi phía Bắc cũng có thể nuôi lươn hiệu quả.

Sau thời gian theo dõi khách hàng phía Bắc mua lươn giống nuôi, anh Tân rút ra kinh nghiệm: “Đối với các tỉnh phía Bắc, để con lươn phát triển tốt đều cần quan tâm đầu tiên là nguồn nước. Vì đặc thù con lươn chịu nhiệt độ nóng ấm, nên bà con nuôi lươn cần lấy nước từ giếng khoan, hoặc hồ nước có hệ thống giữ ấm nước khoảng 23 độ C. Cần xây chuồng nuôi lươn trong nhà kín, vào mùa đông cần sưởi ấm bằng bóng đèn neon…Còn về thức ăn  cho lươn thì nên cho lươn ăn thức ăn công nghiệp, có độ đạm 40%. Chỉ cần nắm được những kỹ thuật nuôi lươn cơ bản trên thì đảm bảo con lươn sẽ phát triển tốt ở các tỉnh miền núi phía Bắc”.

“So sánh mô hình nuôi lươn thịt thương phẩm với vườn cây ăn trái cùng diện tích trên 1 năm, hiệu quả kinh tế mang lại từ nuôi lươn cao gấp hơn 8 lần. Đặc biệt mô hình nuôi lươn công nghiệp không cần diện tích lớn, thích hợp với những hộ dân ít đất, ven thành phố, đặc biệt là thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng bị nhiễm mặn như một số tỉnh ĐBSCL hiện nay. Chỉ cần 6m2 đất là có thể nuôi được 1 hồ lươn từ 3.000 con lươn thịt, trong 10 tháng, trừ chi phí lãi từ 30-60 triệu đồng. Nuôi lươn công nghiệp chỉ cần con giống chất lượng, nắm vững kỹ thuật nuôi lươn là tỷ lệ đạt từ 90% trở lên”- anh Tân phân tích.

Phát biểu sau buổi giao lưu, ông Đinh Khắc Đính, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long, Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long, trang trại lươn giống Thanh Tân đã tạo điều kiện tốt nhất để đoàn có chuyến đi thành công tốt đẹp.

“Đây là chuyến đi giao lưu tiền đề để lãnh đạo Hội Nông dân các tỉnh vùng núi phía Bắc và Hội Nông dân cụm thi đua số 4 có thể nắm bắt, có kế hoạch triển khai ứng dụng vào tình hình thực tế cho hội viên, nông dân tỉnh mình. Nuôi lươn rất phù hợp với bà con lao động phổ thông, nhất là đối với đồng bào dân tộc miền núi, khu vực Tây Nguyên. Con lươn có giá trị cao, sản phẩm thu hút thị trường, nếu làm được sẽ giúp bà con nâng cao kinh tế, cải thiện cuộc sống nông dân đáng kể. Hy vọng rằng sau chuyến đi này các thành viên đoàn sẽ kết nối với anh Nguyễn Thanh Tân đưa con lươn trở thành một trong những con giống chủ lực giúp hội viên, nông dân phát triển kinh tế, thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.


Hồng Cẩm Dân Việt