Giá dịch vụ “ăn theo” nuôi tôm siêu thâm canh tăng mạnh
Với năng suất cao, ít rủi ro, đem lại lợi nhuận gần như gấp đôi so với các hình thức nuôi khác, loại hình nuôi tôm siêu thâm canh hiện nay đã và đang gây “bão” đối với người dân nuôi tôm trên địa bàn. Diện tích tôm nuôi tăng đột biến, kéo theo đó là những dịch vụ phục vụ nuôi tôm cũng có cơ hội “ăn theo”, nhiều nguy cơ tăng chi phí cho người nuôi.
Là địa phương có diện tích nuôi tôm siêu thâm canh chiếm nhiều nhất hiện nay, huyện Đầm Dơi đã tăng lên 322,5 ha với 357 hộ nuôi. Trong khi diện tích đăng ký kê khai ban đầu chỉ 16,7 ha.
Ông Nguyễn Quốc Thống, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, chia sẻ: “Hiện nay, diện tích này đang tăng lên, đặc biệt chuẩn bị bước vào mùa nắng, mùa thuận của nuôi tôm, diện tích này sẽ mở rộng ồ ạt. Theo đó, dịch vụ xe cuốc, xe ủi để chuẩn bị ao đầm có thể sẽ đẩy giá lên cao”.
Được biết, hiện tại giá xe ủi, xe cuốc cho mỗi héc-ta khoảng 80-100 triệu đồng, tăng 20-40 triệu đồng/ha so với đầu năm. Đó là chưa kể tuỳ vào địa hình, kết cấu đất, nếu đất khó ủi thì chi phí này có khả năng tăng hơn.
Ông Hồ Chí Khanh, ấp Tân An Ninh B, xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi, than thở: “Vụ rồi gia đình đã nuôi được 1 ao với diện tích 1.600 m2, năng suất đạt khoảng 70%, vụ này dự tính sẽ mở rộng thêm 4 ao với diện tích 1,2 ha. Giá xe cuốc, ủi tăng nhiều, trước đây chỉ 60-70 triệu đồng/ha, giờ tăng lên 100 triệu đồng/ha, còn phải đặt cọc trước".
Theo Phòng NN&PTNT huyện Đầm Dơi, số lượng xe cơ giới để ủi đầm trên địa bàn không nhiều, không đủ phương tiện, giá có thể đội lên 150 triệu đồng/ha.
Là chủ phương tiện xe cuốc, ủi hoạt động trên địa bàn xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi 17 năm qua, anh Huỳnh Trung Sơn cho biết: “Giá cuốc hiện nay đang tăng do nhu cầu nuôi tôm siêu thâm canh đang mở rộng, hiện đã kín lịch, người dân đã đặt trước để vào vụ sẽ bắt đầu ủi đầm. Lo là xe cuốc vùng trên xuống sẽ phá giá. Vì xong vụ họ đi nơi khác, giá nào họ cũng làm được, không lo sợ bị tẩy chay do làm việc không chất lượng”.
Đang chuẩn bị cột bê-tông, ống nhựa, lưới mành cho vụ nuôi tôm sắp tới, anh Hứa Văn Cường, ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam, lo lắng: “Hiện nay mỗi hộ nuôi tôm muốn phát triển loại hình nuôi tôm siêu thâm canh thì hầu hết là tự liên hệ với một công ty nào đó để cung cấp vật tư, quy trình nuôi. Hiện nay, bắt đầu xuất hiện nhiều công ty mới như: Trúc Anh, Nam Á cung cấp bạt, các thiết bị, vật tư khác cho người dân. Giá xe cuốc tuy tăng giá nhưng giá bạt hiện giảm 4.000 đồng/m2 do các công ty cạnh tranh với nhau”.
Biến động về giá vật tư đang là nỗi lo, gánh nặng cho người nuôi tôm, nhưng lo lắng nhất của địa phương vẫn là môi trường nuôi sắp tới đây nhiều khả năng bất ổn nếu như diện tích cứ tăng ồ ạt mà quy trình nuôi không đảm bảo, kiểm soát chặt chẽ.
Ông Thống chia sẻ: “Hiện nay huyện đang tăng cường kiểm tra, thống kê lại các hộ nuôi tôm siêu thâm canh không đủ điều kiện nuôi sẽ không cho tiến hành nuôi mà phải cam kết thực hiện đúng theo quy trình của Sở NN&PTNT đề ra. Đồng thời, để hạn chế sự phát triển quá nhanh diện tích nuôi tôm siêu thâm canh, các ngành của huyện còn tăng cường tuyên truyền, vận động các hộ dân nuôi tôm tìm hiểu kỹ về quy trình kỹ thuật, nguồn vốn, con giống và thực hiện đúng theo hướng dẫn của Sở NN&PTNT tỉnh về quy trình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh năng suất cao và quy trình nuôi tôm thâm canh năng suất cao theo công nghệ Semi-Biofloc".