TIN THỦY SẢN

Giải pháp nào cứu cá ngừ?

Thứ trưởng Vũ Văn Tám (thứ hai từ trái sang) gặp gỡ ngư dân tại Cảng cá Quy Nhơn. VŨ ĐÌNH THUNG

Chưa bao giờ cá ngừ tuột giá thảm hại như hiện nay, nguyên nhân được cho do khai thác bằng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng khiến chất lượng cá bị giảm, thị trường quay mặt.

Trước tình hình đó, trong chuyến công tác Bình Định ngày 19/6, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám đã cùng ngành chức năng gặp gỡ các DN thu mua và ngư dân nhằm bàn bạc, tìm giải pháp cứu vãn tình hình.

Được cá, mất giá

Bình Định là 1 trong 3 tỉnh phát triển mạnh nghề đánh bắt cá ngừ đại dương trong khu vực miền Trung. Trong mấy năm gần đây, nghề đánh bắt cá ngừ của ngư dân Bình Định đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng. Hiện Bình Định có 1.041 tàu có công suất từ 90CV trở lên chuyên hành nghề đánh bắt cá ngừ, trong đó chỉ có 10 tàu còn đánh bắt theo phương thức truyền thống (câu vàng), 642 tàu chuyển hẳn sang câu tay kết hợp ánh sáng và 334 tàu làm mành mực kết hợp khai thác cá ngừ bằng hình thức câu tay.

Có thể khẳng định, phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng đã mang lại hiệu quả rất cao về năng suất. “Từ khi ngư dân Bình Định chuyển đổi hình thức đánh bắt, ngay năm đầu tiên (2012) sản lượng cá ngừ đại dương tăng đột biến, cao gấp 2 lần rưỡi so năm 2011. Riêng 6 tháng đầu năm 2013, sản lượng cá ngừ đạt 4.673 tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tàu đạt từ 2,5 - 3 tấn/chuyến biển”, bà Mai Kim Thi, chi cục trưởng Chi cục KT-BVNLTS Bình Định, cho biết.

Được cá, nhưng ngư dân không vui vì giá liên tục giảm, hiện giá cá ngừ câu tay đang đứng ở mức thảm hại, từ 45.000 - 50.000 đ/kg. Về phía ngư dân, hầu hết các chủ tàu khai thác cá ngừ đại dương đều cho rằng đang bị bên thu mua ép giá. Tuy nhiên, các cơ sở thu mua thì giải thích rằng chất lượng cá ngừ câu tay kết hợp ánh sáng quá kém, không đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chỉ có thể tiêu thụ nội địa nên không thể mua giá cao.

Bà Cao Thị Kim Lan, GĐ Cty CP Thủy sản Bình Định, cho hay: “Trong 6 tháng đầu năm 2013, bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty chúng tôi còn đặc biệt quan tâm công tác đánh giá chất lượng giữa cá ngừ câu vàng và cá câu tay kết hợp ánh sáng. Trong tổng lượng cá câu vàng công ty thu mua, có từ 40 - 60% được xếp loại 1 (đạt chất lượng xuất khẩu), khoảng 30% xếp loại 2 (đủ tiêu chuẩn làm đông lạnh) và chỉ có 10% xếp loại 3 (loại xấu chỉ có thể tiêu thụ nội địa). Trong khi đó, cá câu tay kết hợp ánh sáng chỉ có từ 2 - 3% được xếp loại 1, 20 - 30% đạt loại 2, còn lại chỉ đạt trung bình và xấu”.

“Chúng tôi sẽ đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho mỗi tổ đội khai thác có 1 tàu dịch vụ hậu cần được trang bị hầm cấp đông có độ lạnh sâu đi kèm để bảo quản chất lượng cá ngừ, đáp ứng được yêu cầu của thị trường xuất khẩu.” Thứ trưởng Vũ Văn Tám.

Giá sản phẩm thấp, giá nhiên liệu tăng, hiệu quả SX của những chuyến biển gần đây chẳng được là bao. Thế nhưng qua tìm hiểu, các chủ tàu hầu như không có ý định quay lại với nghề câu vàng để bán với giá cao hơn (từ 120.000 - 150.000 đ/kg), bởi họ cho rằng dù câu tay bán giá thấp nhưng sản lượng đạt cao hơn nhiều, chuyến biển ngắn lại nên chi phí ít đi. Ngư dân chấp nhận. Thế nhưng những nhà quản lý thì không, bởi giá cá ngừ kiểu này là quá lãng phí nguồn tài nguyên biển.

Giải pháp nào?

Theo ông Nguyễn Hữu Hào, Phó GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp câu tay kết hợp ánh sáng chủ yếu làm theo con trăng, nên cứ đến mùa trăng là tàu về dồn dập. Mỗi mùa trăng có đến 1.000 chiếc tàu cập bờ bán sản phẩm. Trong khi đó, hiện trên địa bàn Bình Định chỉ có 5 nhà máy chế biến đông lạnh thủy sản công nghiệp, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của các công ty này là tôm, cá đông lạnh. Ngoài ra, còn có 10 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương khác, nhưng chủ yếu là làm đại lý cho các Cty ngoài tỉnh.

Trước đây, khi còn đánh bắt cá ngừ bằng phương pháp câu vàng, tàu cập bờ rải rác, cá ít, các doanh nghiệp phải tranh mua nên giá cá luôn ổn định. Bây giờ thì cung vượt quá xa cầu, do đó cá bị mất giá là điều dễ hiểu.

Bà Cao Thị Kim Lan cho biết thêm: “Đến mùa trăng, chỉ tính tại huyện Hoài Nhơn mỗi ngày có đến 50 - 70 tàu cập bờ, không doanh nghiệp nào thu mua cho xuể. Có thời điểm sau 2 - 3 ngày cập bờ ngư dân mới bán được cá. Lúc cao điểm, công ty chúng tôi phải thuê thêm hậu cần ở Tam Quan (Hoài Nhơn) và cả ở tỉnh Quảng Ngãi, gần cả ngàn công nhân làm việc nhưng vẫn không đủ sức phi lê cá. Cá về nườm nượp, bí quá chúng tôi cho cấp đông nguyên con. Phải mất 3 ngày mới cấp đông được 1 con. Không chỉ vậy, hầm treo cá không có, chúng tôi phải chất cá trong kho như chất củi. Cảng cá cũng quá tải, quy hoạch chưa phù hợp phục vụ hậu cần nghề cá. Cá đưa từ tàu vào phải đi qua 2 - 3 lần ghe mới đến được bờ. Trong khi trước đó, cá chỉ được bảo quản sơ sài trên tàu của ngư dân. Trong điều kiện như vậy mà cá không mất chất lượng mới là chuyện lạ”.

Trước thực tế trên, ông Phan Trọng Hổ, GĐ Sở NN-PTNT Bình Định, đề nghị: “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để các địa phương phát triển mạnh nghề đánh bắt cá ngừ xây dựng đội tàu hậu cần để sản phẩm được bảo quản tốt từ khi còn trên biển. Có như vậy mới đưa được giá trị sản phẩm tăng cao”.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám chỉ đạo ngành chức năng của tỉnh Bình Định trước mắt phải tổ chức lại SX, hướng dẫn cho ngư dân bố trí những chuyến ra khơi rải vụ để không bị tăng cung, tránh áp lực về giá. Trên bờ cũng cần phải có kho lạnh, khi cá về nhiều doanh nghiệp đứng ra mua tạm trữ để giá cá ngừ luôn được ổn định.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói: “Khi ý kiến chất lượng cá ngừ giảm là do đánh bắt bằng ánh sáng đèn cao áp chưa được khẳng định, chúng ta nên tập trung vào khâu bảo quản. Trong thời gian tới, hoạt động khai thác cá ngừ đại dương sẽ được tổ chức lại gắn khai thác với chế biến và xuất khẩu”.

VŨ ĐÌNH THUNG Nông Nghiệp Việt Nam